Trung vệ Vũ Như Thành là một cái tên kiềm tiền bạc tỉ rất dễ nhưng cũng ăn chơi tiêu xài như nước đến nỗi “trắng tay” và giờ phải làm lại từ đầu bằng việc “nhặt bạc lẻ”.
Vũ Như Thành (phải), trung vệ "khét tiếng" của bóng đá Việt Nam. NVCC
Không phải vô cớ mà HLV Calisto – người từng giúp bóng đá Việt Nam bước lên đỉnh Đông Nam Á vào năm 2008 nhận xét rằng: “20 năm mới có một người như Lê Công Vinh. 50 năm mới có một người như Nguyễn Hồng Sơn. Nhưng chắc chắn hơn 100 năm nữa bóng đá Việt Nam mới sản sinh ra một Vũ Như Thành thứ hai”.
Hai lần phải nhận án kỷ luật
Sinh năm 1981 và lớn lên tại Nam Định, Thành “kếu” đã sớm bộc lộ niềm đam mê bóng đá ngay từ ngày bé. Năm 10 tuổi, Như Thành đã có cơ hội lớn để được học tập và chơi bóng ở quốc gia có nền bóng đá phát triển hơn rất nhiều khi sang Đức cùng với bố mẹ. Trong thời gian gần 5 năm sinh sống ở đây, chú nhóc người Việt Nam này đã gây ấn tượng và lọt vào mắt xanh các tuyển trạch viên bản địa bằng năng khiếu bóng đá bẩm sinh.
Gen bóng đá của Thành được thừa hưởng từ dòng họ, với người bác là cựu danh thủ Công nghiệp Hà Nam Ninh và người bố Vũ Từ Thịnh, từng là cựu cầu thủ của CLB Dệt Nam Định. Tại Đức, Như Thành đã có hơn 1 năm chơi bóng cho một đội trẻ cấp quận và được đánh giá rất cao.
Trở về Việt Nam, năm 14 tuổi, Thành được tuyển vào lò đào tạo trẻ của Nam Định. Năm 1995, Thành cùng hai anh em Đặng Phương Nam, Đặng Thanh Phương rời đội trẻ Nam Định gia nhập đội bóng mơ ước Thể Công. Thế nhưng rốt cuộc, một mình Như Thành phải nhận án treo giò 1 năm do tự ý bỏ đội trẻ Nam Định, cho dù anh không có bất cứ thứ giấy tờ gì ràng buộc ngoài việc lớn lên ở nơi đây.
Nỗi buồn bị kỷ luật của Như Thành. NVCC
Án kỷ luật thứ hai mà Như Thành phải nhận là trước thềm SEA Games 22 trên sân nhà. Với màn trình diễn ấn tượng trong màu áo Thể Công, trung vệ này được triệu tập vào đội tuyển U.23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 22. Tuy nhiên, sau đó anh đã bị loại khỏi đội tuyển vì lý do "nghi vấn bán độ" tại Cúp JVC.
Nhớ lại kỷ niệm đáng buồn đó, Như Thành chia sẻ: “Trong thời gian cả đội đang gấp rút tập luyện cho SEA Games 22, một hôm trước buổi tập, HLV trưởng Riedl tập hợp tất cả các cầu thủ trong đội rồi tuyên bố loại tôi ra khỏi đội tuyển vì lý do bán độ. Tôi bị nghi bán linh hồn cho quỷ dữ ở trận thua CLB Perak – nhà vô địch Malaysia khi đó, tại JVC Cup 2003 và bị treo giò 5 năm. Tôi đã suýt bật khóc khi nghe ông tuyên bố thế.
Lủi thủi vác ba lô khỏi Nhổn, mang theo cái án phạt 5 năm và cả nỗi xấu hổ nhục nhã, tôi trở thành tâm điểm của mọi lời bàn tán. Mọi người xem tôi là tội đồ, là kẻ phản bội dân tộc. Bố mẹ tôi khóc lóc nhiều lắm. Nhưng tôi chỉ nói với bố mẹ tôi một câu: Con là một người lính và con không bao giờ làm bậy, con không có gì phải xấu hổ với lương tâm".
Như Thành thể hiện tố chất của một trung vệ cừ khôi. QUANG MINH
Trở lại mạnh mẽ
Dù sau đó, án treo giò của Như Thành được VFF giảm xuống còn 2,5 năm nhưng ở thời điểm đó rất ít người dám tin là Như Thành có thể trở lại. Thế nhưng bằng sự quyết tâm và những nỗ lực không ngừng, cùng sự “cưu mang” của CLB Bình Dương, Thành “kếu” đã trở lại đầy mạnh mẽ.
"Án phạt không ngăn được suy nghĩ trong tôi về bóng đá, bởi bóng đá là cuộc sống của tôi. Tình yêu với bóng đá không bao giờ mất đi, nó chỉ tạm ngủ quên trước khi được đánh thức. Điều quan trọng nhất là tôi đã không mất niềm tin ở chính mình", Như Thành tâm sự.
Sau khi trở lại, Như Thành nhanh chóng tìm lại phong độ đỉnh cao và thăng tiến một cách mạnh mẽ ở cả cấp độ CLB lẫn đội tuyển quốc gia. Không chỉ giúp Bình Dương đẳng quang ngôi vô địch V-League 2 năm liên tiếp (2007 và 2008), Như Thành còn cùng đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên bước lên ngôi vô địch Đông Nam Á ở AFF Cup 2008.
Như Thành trong màu áo Bình Dương
Nhớ lại kỳ AFF Cup lịch sử đó, trung vệ thần tượng tuyển thủ Ý Alessandro Nesta chia sẻ: “Đó là một đội tuyển Việt Nam đoàn kết nhất trong lịch sử. Trên hết, chúng tôi được dẫn dắt bởi HLV Calisto – một ông thầy giàu cá tính đã truyền cho chúng tôi sức mạnh và luôn nhắc chúng tôi “fighting” ở mọi lúc mọi nơi: từ bữa ăn, giấc ngủ, cho đến khi tập luyện, thi đấu”.
Nhờ những thành tích xuất sắc đó mà Như Thành được bình chọn vào Top 10 VĐV thể thao tiêu biểu toàn quốc 2008, đoạt Quả bóng Bạc Việt Nam 2008 và là cầu thủ Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách bình chọn Quả bóng Vàng châu Á 2008.
Đánh giá về Như Thành, cựu tuyển thủ quốc gia Thành Lương khẳng định: "Như Thành là trung vệ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam mà tôi từng biết. Như Thành thi đấu đầu óc và đọc tình huống chính xác. Tôi ấn tượng về những cú bay xoạc bóng ngay trong chân đối thủ của anh. Để làm được điều này đòi hỏi các cầu thủ có phải có kỹ năng đặc biệt”.
Còn cựu tuyển thủ quốc gia Đặng Phương Nam nhận xét: "Như Thành có khả năng chỉ huy hàng phòng ngự một cách điềm tĩnh, bắt bài, phán đoán, kiểm soát tiền đạo đối phương rất tốt. Ngoài ra, Như Thành còn rất mạnh trong việc chờ thời cơ thuận lợi để cắt bóng và phát động tấn công".
Như Thành khóa chặt mũi nhọn Teerasil Dangda của Thái Lan. NVCC
Như Thành và HLV Calisto. NVCC
Như Thành (hàng đứng, trái) cùng tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. NGÔ NGUYỄN
Niềm vui sau chiền thắng ở AFF Cup
Như Thành cùng Cúp vô địch AFF 2008. NGÔ NGUYỄN
Tỉ phú ăn chơi
Sau khi vô địch AFF Cup 2008, Như Thành liên tục dính vào những rắc rối đời tư ngoài sân cỏ. Trung vệ “trăm năm có một” của bóng đá Việt Nam lang bạt qua nhiều CLB khác nhau: từ Bình Dương qua The Vissai Ninh Binh, đến Vicem Hải Phòng, Hùng Vương An Giang, Xi măng Fico Tây Ninh trước khi giải nghệ trong màu áo đội hạng Nhì Phù Đổng vào năm 2017. Ở đâu anh cũng đều để lại ít nhiều tai tiếng.
Từ thời còn ở Bình Dương cho đến khi về Ninh Bình hay khi ra Hải Phòng, Như Thành “đốt tiền” nhanh chẳng khác nào… những pha băng cắt hay đọc tình huống của anh trên sân cỏ. Những cuộc chơi tiền tỉ của anh diễn ra đều đặn hằng tuần, hàng tháng để rồi anh bị cuốn vào vòng xoáy của sự lụn bại, bế tắc.
Như Thành trong màu áo Ninh Bình. NVCC
Những khoản "lót tay" khủng từ những phi vụ chuyển nhượng, cộng với số tiền có được từ việc kinh doanh bất động sản giúp Như Thành có trong tay hàng chục tỉ đồng khi đó. "Tôi từng kiếm được tới 50 tỉ đồng từ cuối những năm 2000. Tiền nhiều nhưng tôi quản lý kém, cùng việc sa ngã vào con đường ăn chơi nên tất cả tài sản ra đi nhanh lắm”- Thành "kếu" ngậm ngùi nhớ lại quá khứ “ăn chơi” của mình.
Cho đến bây giờ nhiều người vẫn không thể nào quên được hình ảnh Vũ Như Thành tiêu tiền tỉ mỗi đêm hay có những thời điểm bị dân xã hội đen kéo tới đòi nợ.
Sau khi giải nghệ vào năm 2017, Như Thành đứng trước nhiều sự lựa chọn hoặc là đi theo nghiệp HLV, hoặc đi kinh doanh. Thế nhưng cuối cùng anh lựa chọn việc mở một Học viện bóng đá với tên gọi StarFootball Academy. “Khi mới mở trung tâm, tôi khá đắn đo sẽ phải dạy những gì cho các em nhỏ, nhưng được sự động viên của người thân, bạn bè, tôi quyết lấy trái bóng làm niềm vui. Tôi dạy cho các em nhiều kỹ năng chơi bóng và một tinh thần lạc quan để hướng đến một thể trạng khỏe để có nhiều niềm vui”, Như Thành bộc bạch.
Như Thành chọn con đường đào tạo trẻ
Như Thành cùng tập và chơi bóng với HLV Park Hang-seo. NVCC
Từ một người kiếm tiền tỉ dễ như trở bàn tay, nay phải đi “nhặt bạc lẻ” nhưng tuyệt nhiên Như Thành không hề nản chí mà ngược lại anh càng có thêm động lực để tiếp tục với công việc của mình. Bỏ lại đằng sau tất cả mọi sóng gió, giờ là lúc Thành “kếu” bước ra với sự can trường và ý chí sắt đá để tự nuôi sống bản thân cũng như gia đình nhỏ của mình.
Đối với nhà vô địch AFF Cup 2008 lúc này, gia đình là số 1: “Sau khi có gia đình, có con thì mọi thứ đối với tôi đã thay đổi rất nhiều. Giờ làm gì tôi cũng suy trước tính sau. Tôi nghĩ rằng, tôi có vợ rồi thì không thể thích làm gì thì làm được. Nếu trước kia sau buổi tập tôi muốn la cà cùng bạn bè nhưng giờ thì chỉ muốn về với gia đình. Tôi mong ước lúc con tôi đã biết nhận thức về cuộc sống thì lúc đó tôi đã trở thành người thành đạt và có ích cho xã hội”.
Như Thành và vợ. NVCC
Đào tận gốc rễ vụ Đường Nhuệ để mọi việc được sáng tỏ
Trung tướng Lương Tam Quang làm Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an