Với quy mô các công trình xây dựng ngày một lớn như hiện nay, nhu cầu cung cấp và tiêu thụ bê tông thương phẩm với số lượng lớn và chất lượng cũng là điều cấp thiết. Chính vì điều này mà trạm trộn bê tông xi măng ra đời, với công nghệ hiện đại cũng như cách hoạt động chính xác để đem lại chất lượng bê tông tốt nhất cho các công trình xây dựng.
Cũng có chức năng là trộn đều hỗ hợp cốt liệu của bê tông như các loại máy trộn bê tông thông thường nhưng trạm trộn có thể tạo ra một lượng vữa bê tông tươi cực lớn chỉ trong 1 lần trộn. Vậy điều gì tạo ra sự khác biệt này chúng ta cùng tìm hiểu về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của trạm trộn bê tông xi măng dưới đây.
1. Trạm trộn bê tông là gì?
Tram trộn là một trong những loại máy xây dựng thuộc nhóm máy sản xuất có công dụng chính để sản xuất bê tông tươi – hay còn gọi là bê tông thương phẩm. Khi đưa các thành phần cốt liệu của bê tông như xi măng, cát, sỏi, nước và các phụ gia khác vào trạm trộn có nhiệm vụ đảo đều hỗn hợp này tạo ra vữa bê tông xi măng tươi.
Ưu điểm khi sử dụng trạm trộn thay vì các loại máy trộn thông thường là nó có thể tạo ra một lượng lớn vữa bê tông thương phẩm trong một lần trộn.Nhược điểm là cấu tạo phức tạp, cồng kềnh và cần phải sử dụng một diện tích đất trống lớn để lắp đặt thiết bị này. Thông thường những công trình lớn như xây nhà chung cư cao tầng, làm cầu qua sông … người ta mới cần lắp đặt trạm trộn tại công trình còn nếu điều kiện không lắp đặt được thì phải mua bê tông thương phẩm từ các trạm trộn thương mại.
2. Phân loại trạm trộn bê tông.
Trạm trộn bê tông hiện nay có 2 loại chính là trạm trộn bê tông xi măng và trạm trộn bê tông nhựa nóng. Hai loại này lại được chia ra các loại trạm trộn có công suất khác nhau như : trạm trộn công suất 30m3/h, 45m3/h , 60m3/h, 90m3/h , 120m3/h….
3. Cấu tạo của trạm trộn bê tông xi măng.
Với 1 “cỗ máy” cồng kềnh và chiếm phần lớn diện tích lắp đặt như trạm trộn bê tông nếu để “soi” chi tiết thì có cấu tạo rất phức tạp, tuy nhiên về cơ bản cấu tạo của trạm trộn bê tông có những bộ phận chính sau:
3.1. Bộ phận cung cấp vật liệu.
Đây là nơi chứa các vật liệu thô: đá, cát, sỏi, xi măng, phụ gia khác được tập kết bên ngoài trước khi đem vào cối trộn. Các vật liệu được chứa riêng trong các phễu cấp liệu, khi tiến hành chạy máy móc sẽ tính toán lượng vật liệu vừa đủ theo lệnh từ trạm điều khiển trung tâm. Sau khi cân các vật liệu xong, sẽ được chuyển đến cối trộn bằng băng tải hoặc tời kéo.
3.2. Hệ thống định lượng.
Dùng để cân đo các khối lượng vật liệu theo thể tích cối trộn hoặc theo một tỷ lệ chuẩn để đưa ra những mẻ bê tông chất lượng, đúng tiêu chuẩn.
3.3. Máy trộn bê tông.
Được ví như “trái tim” của hệ thống trạm trộn, máy trộn bê tông hay cối trộn sẽ làm nhiệm vụ chính là trộn các loại nguyên vật liệu với nhau theo công thức đã được chỉ định sẵn, để cho ra các mẻ bê tông thương phẩm đạt chất lượng như yêu cầu.Với mỗi cấp độ công suất của trạm trộn mà người ta sử dụng các loại máy trộn bê tông khác nhau.VD như trạm trộn công suất 60m3/h thì cần sử dụng máy trộn JS1000, trạm có công suất 35 m3/h thì chỉ cần sử dụng máy trộn JS750 …Và những máy này đều là máy trộn bê tông cưỡng bức 2 trục ngang song song.
3.4. Hệ thống điều khiển
Hệ thống điều khiển được phân làm ba loại chính: điều khiển truyền động điện, điều khiển truyền động khí nén và điều khiển truyền động thủy lực. Hệ thống điều khiển này sẽ giúp trạm trộn đóng mở các cửa phối xả như mong muốn.
3.5. Hệ thống kết cấu thép
Là hệ thống kết cấu chịu lực giúp nâng đỡ toàn bộ hệ thống của trạm trộn gồm hành lang giao thông, máy trộn, phếu cấp liệu, silo xi măng…
4. Nguyên lý hoạt động của trạm trộn bê tông xi măng.
Hầu hết các trạm trộn bê tông xi măng tự động hiện nay đều hoạt động theo quy trình và nguyên tắc dưới đây:
- Nhập đầu vào về thông tin, khối lượng, tỷ lệ để tạo một mẻ bê tông như mong muốn vào hệ thống điều khiển.
- Bật nguồn công tác cho hệ thống tự động hoạt động
- Định lượng các vật liệu theo tiêu chuẩn cần thiết.
Đầu tiên là quá trình cấp liệu cho hệ thống trạm trộn: Xi măng được lữu trữ trong các silo, cát, đá, sỏi được băng tải hoặc tời kéo vận chuyển đổ đầy vào các phễu cấp liệu.
Tiếp theo, người điều khiển cần thiết lập các thông số về tỉ lệ cấp liệu vào hệ thống điều kiển tự động. Khi bắt đầu vận hành, hệ thống sẽ lấy vào nguyên vật liệu theo tỉ lệ đã được định sẵn. Sau đó vật liệu được đưa lên cối trộn, tại đây vật liệu cát, đá, sỏi, xi măng và phụ gia được hòa trộn với nước. Dưới sự vận hành của máy trộn bê tông để tạo nên những mẻ bê tông chất lượng đúng như yêu cầu.
Lưu ý 1:
Để tạo nên những mẻ bê tông tươi chất lượng nhất thì ngoài tỷ lệ hòa trộn giữa các vật liệu phải chính xác, thì các vật liệu bê tông phải được trộn đều và hàm lượng không khí trong hỗn hợp sau khi trộn phải nhỏ nhất có thể để tránh sinh ra các bọt khí làm xốp bê tông khi đông cứng. Chính vì vậy việc sử dụng trạm trộn bê tông sẽ đảm bảo được chất lượng bê tông, từ đó nâng cao chất lượng, sự vững chắc cho các công trình xây dựng. Và một trạm trộn bê tông chất lượng thì cần có máy trộn bê tông chất lượng mới đảm bảo độ trộn đều cốt liệu tốt nhất.
Lưu ý 2:
Trong quá trình sử dụng cần thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng máy trộn và các bộ phận khác của trạm trộn, đặc biệt cần phải thường xuyên làm sạch cối trộn, silo, băng tải để hệ thống vận hành chính xác.
5. Khi nào cần sử dụng trạm trộn bê tông.
Hỗn hợp vữa bê tông tươi được trộn bằng trạm trộn luôn mang lại chất lượng rất tốt tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng cần sử dụng đến trạm trộn bê tông bởi thiết bị này cho ra lượng bê tông thương phẩm rất lớn nên chỉ những công trình lớn như làm nhà chung cư cao tầng, làm cầu… mới cần thiết lắp đặt tại chỗ. Còn các công trình nhỏ lẻ mang tính chất dân dụng thì có thể tham khảo các loại máy trộn bê tông mini giá rẻ.
Trên đây chúng ta đã khám phá tổng quan về một thiết bị được sử dụng rất phổ biến trong xây dựng như Trạm trộn bê tông xi măng là gì? Cấu tạo và nguyên lý hoạt động. Hy vọng sau bài viết này bạn sẽ hiểu rõ và chi tiết hơn về trạm trộn bê tông cũng như toàn bộ quá trình hoạt động của một trạm trộn. Đây là một trong những máy xây dựng không thể thiếu trong các hoạt động xây dựng ngày này, nhằm đảm bảo tiến độ, tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao chất lượng cho mỗi công trình.