Vận thăng là một thiết bị sử dụng để nâng đồ vật, hàng hóa lên cao và đây cũng là thiết bị không thể thiếu trong các công trình xây dựng nhà cao tầng. Vì luôn hoạt động ở trên cao cho nên điều kiện an toàn khi sử dụng vận thăng luôn được chú ý. Để đảm bảo an toàn người điều hành vận thăng khi làm việc cần tuân thủ đúng các quy trình làm việc an toàn, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Yêu cầu của người điều khiển máy vận thăng
• Người điều khiển vận thăng phải có bằng cấp, hoặc chứng chỉ đã qua đào tạo về cách thức và phương pháp sử dụng các thiết bị nâng hạ, hoặc các giấy tờ liên quan đảm bảo có kinh nghiệm trong việc điều khiển máy. Giấy tờ, chứng chỉ vẫn có giá trị sử dụng và phù hợp với các yêu cầu đã đưa ra.
• Đủ tuổi lao động và có giấy chứng nhận sức khỏe trong thời gian gần nhất.
• Được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động đầy đủ và được huấn luyện về cách xử lý khi có sự cố xảy ra.
• Biết cách kiểm tra máy trước khi vận hành, các thiết bị, bộ phận của máy xem có đầy đủ không và bổ sung nếu thiếu hụt.
• Khi thực hiện và kiểm tra tất cả các yếu tố về an toàn, nếu đảm bảo thì mới cho vận hành máy.
Vận thăng được sử dụng nhiều trong thi công xây dựng (ảnh tham khảo)
An toàn trước, trong và sau khi vận hành máy vận thăng
Kiểm tra kỹ thuật trước khi hoạt động
• Kiểm tra bên ngoài vận thăng: Kiểm tra xem xét chung quanh lồng (rào) bảo vệ, mặt bằng khu đặt vận thăng. Kiểm tra xem xét đế, khung vận thăng, cửa nhận vật liệu…
• Kiểm tra phần động lực: Kiểm tra xem xét môtơ, thắng (phanh), hộp giảm tốc (nhớt và độ nhạy) bộ truyền ngoài.
• Kiểm tra bàn nâng, các bánh xe hướng dẫn khung dẫn hướng.
• Kiểm tra hệ thống điện: Từ cầu dao tổng, dây nguồn đến hộp điện điều khiển, các công tắc hạn chế hành trình, khóa liên động cửa lồng.
• Sau khi kiểm tra xem xét, không thấy có dấu hiệu nghi ngờ thì đóng điện thử hoạt động vận thăng, kiểm tra độ êm dịu, kiểm tra phanh, kiểm tra cơ cấu khống chế vượt tốc, cấu hãm bảo hiểm các công tác hạn chế hành trình, kết hợp kiểm tra các cửa tầng đón vật liệu…
Trước khi sử dụng vận thăng phải được kiểm tra kỹ thuật (ảnh tham khảo)
Trong quá trình sử dụng vận thăng
• Chỉ sau khi thử hoạt động các cơ cấu đảm bảo an toàn mới đưa vận thăng vào hoạt động.
• Trong quá trình hoạt động, công nhân vận hành luôn chú ý lắng nghe, theo dõi hoạt động của các cơ cấu xem có bình thường không? Đặc biệt là các công tắc hạn chế hành trình công tắc quá tải…
• Kiểm tra việc chất tải lên bàn nâng phải gọn nhẹ, cần buộc chằng cẩn thận…
• Kiểm tra nhắc nhở các công nhân bốc xếp vật liệu trên các tầng (sàn) cẩn thận và nhẹ nhàng, chú ý đóng cửa tầng (sàn) .
• Người vận hành thường xuyên kiểm tra xiết chặt các thanh neo, dây giằng giữ vận thăng.
• Kiểm tra cơ cấu phanh, bộ truyền động thanh răng bánh răng và bàn nâng là nhiệm vụ của người vận hành từng ca làm việc.
Sau khi sử dụng vận thăng
Sau khi kết thúc quá trình làm việc với máy vận thăng, cần đảm bảo tắt động cơ, các cửa của máy được đóng và ghi chép tình trạng hoạt động của vận thăng.
Lưu ý:
• Không vận hành máy trong những lúc thời tiết quá xấu, trừ trường hợp quá khẩn cấp.
• Không vận hành máy trong khi trời tối, tầm nhìn không rõ ràng.
• Không chở hàng và người quá tải trọng cho phép.
• Không để người đến gần khi vận thăng làm việc.
• Người không có trách nhiệm không được tự ý điều khiển vận thặng
• Khi vận thăng phanh hỏng, phanh neo, giằng không cứng hoặc khi có hiện tượng lạ tuyệt đối không được sử dụng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho máy vận thăng theo quy định thiết bị phải được kiểm định trước khi lắp đặt, kiểm định định kỳ và kiểm định khi có bất thường. Vì vậy, đơn vị sử dụng máy vận thăng cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.