Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong một ngày

2 năm trước Nguồn: Báo Vnexpress

Với 503 ca nhiễm trong nước được công bố, 17/6 là ngày ghi nhận ca nhiễm cao kỷ lục từ khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2020.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng trong cả nước từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 27/4 là 8.914, ghi nhận ở 40 tỉnh thành. Trước đó, ngày ghi nhận số ca nhiễm cao nhất là hôm 25/5 với 404 ca. Bắc Giang vẫn ghi nhận số bệnh nhân nhiều nhất với hơn 5.000 ca, tiếp đó là Bắc Ninh 1.454, TP HCM 1.197 và Hà Nội 464.

Lấy mẫu xét nghiệm ở Hà Tĩnh - địa phương xuất hiện nhiều ca bệnh thời gian gần đây. Ảnh: Đức Hùng.

17/6 cũng là ngày TP HCM ghi nhận số ca nhiễm cao nhất từ khi dịch xuất hiện vào đầu năm 2020 với tổng cộng 137 ca. Dịch tại đô thị lớn nhất nước được đánh giá vẫn diễn biến phức tạp với nhiều chuỗi lây nhiễm, ổ dịch chưa rõ nguồn lây. Hiện 22/22 quận huyện, thành phố của TP HCM đã ghi nhận dịch.

Sau khi nhiều bệnh viện, khu công nghiệp, cao ốc văn phòng, chung cư xuất hiện ca bệnh, hôm nay dịch đã xâm nhập cơ quan hành chính nhà nước khi một nhân viên UBND quận 7 được phát hiện xét nghiệm dương tính nCoV.

UBND quận 7 đã phải dừng mọi hoạt động để tiến hành xử lý phòng chống dịch. Tất cả cán bộ, công chức đang làm việc tại UBND được cách ly tại trụ sở. Những người đang làm việc ở nhà cách ly tại nơi ở và khai báo với y tế địa phương. Quận đã truy vết 51 trường hợp tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm. Hiện cơ quan y tế đã lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cán bộ, công chức của UBND quận 7.

Họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM chiều 17/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị thành phố nhanh chóng điều tra dịch tễ, xác định các ổ dịch, các nguồn lây để khoanh vùng, phấn đấu không để tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi họp trực tuyến với TP HCM chiều nay. Ảnh: VGP

Theo ông Đam, TP HCM đã qua 14 ngày giãn cách xã hội, cần phân loại những khu vực được coi là đã an toàn thì có giải pháp để nới lỏng. Ngược lại, những nơi nguy cơ phải siết chặt, không để tình trạng còn có tập trung đông người; quy định rõ những khu vực công cộng không được tập trung đông người; kiểm soát các luồng giao thông từ những nơi có ổ dịch trong thành phố.

"Tinh thần là không cào bằng hết tất cả, vì chúng ta phải phục vụ mục tiêu kép, kể cả trong chống dịch. Còn khoanh vùng rộng mà bên trong không chặt không chỉ ảnh hưởng kinh tế, xã hội mà chống dịch sẽ rất khó khăn", ông Đam nói.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu TP HCM phải "giữ bằng được" các khu công nghiệp bằng những biện pháp mạnh. Theo đó, thành phố cần tăng cường xét nghiệm, cảnh báo để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm trong 3 ngày đầu tiên, với các bài học kinh nghiệm chống dịch như tại Bắc Giang và Bắc Ninh.

Chiều 17/6, 836.000 liều vaccine Covid-19 đã nhập kho Viện Pasteur TP HCM. Đây là phần trong số 966.320 liều do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam, được dành cho TP HCM tiêm các nhóm ưu tiên diện rộng, trong bối cảnh thành phố ghi nhận hơn 1.100 ca Covid-19 từ ngày 18/5. Dự kiến thành phố sẽ bắt đầu tiêm vào ngày 19/6 ở 1.000 điểm tiêm chủng.

"Chiến dịch tiêm chủng sẽ diễn ra từ 5 đến 7 ngày, với khoảng 786.000 liều vaccine tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và còn lại khoảng 50.000 liều cho bộ đội, công an trên địa bàn TP HCM", thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

Vaccine Covid-19 từ Hà Nội vận chuyển đến kho bảo quản Viện Pasteur TP HCM, chiều 17/6. Ảnh: Quỳnh Trần.

Theo ông Sơn, TP HCM huy động các bệnh viện địa phương, các trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường xã. Bộ Y tế sẽ huy động thêm các bệnh viện tuyến Trung ương cũng như các bộ, ngành trên địa bàn thành phố, các bệnh viện quân đội, công an... tham gia trong chiến dịch này với nguyên tắc "triển khai tiêm chủng nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn".

"Vaccine đợt này thời hạn sử dụng còn tương đối dài, đảm bảo an toàn cho đợt tiêm chủng này của TP HCM", ông Sơn nói.

Đến nay, TP HCM đã tiêm cho 70.000 người theo đối tượng ưu tiên của Nghị quyết 21. Với số vaccine này, dự kiến gần một triệu người sẽ được tiêm.

Hữu Công

Những biến chủng nCoV mới đã phát tán mầm bệnh nhanh hơn trước. Các y bác sĩ phải chạy đua với tốc độ lây nhiễm hàng trăm ca mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng báo VnExpress trong chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.

Công viên trước UBND TP HCM mang diện mạo mới

Hàng cây sứ ở Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở UBND thành phố được thay bằng nhiều loại hoa, mai tứ quý... tạo cảnh quan mới cho khu vực.

1 tháng trước

Đề xuất nâng cấp cao tốc qua Ninh Bình lên 4 làn xe hoàn chỉnh

Tỉnh Ninh Bình đề xuất mở rộng đoạn cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 14 km với 4 làn xe hạn chế thành 4 làn hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp.

1 tháng trước

Miền Bắc sẽ mưa lạnh dịp Tết Giáp Thìn

Ngày 27-28 tháng chạp, không khí lạnh sẽ tràn đến miền Bắc, mùng 1 Tết thêm đợt tăng cường khiến trời mưa lạnh, vùng đồng bằng dao động 14-23 độ C.

2 tháng trước

Sửa miễn phí hơn nghìn xe máy cho công nhân về Tết

TP HCMNhiều doanh nghiệp, nhà máy tổ chức sửa xe, thay nhớt, phụ tùng miễn phí để công nhân về Tết an toàn.

2 tháng trước

GS Võ Tòng Xuân: Miền Tây có thể sản xuất 4 vụ lúa một năm

GS Võ Tòng Xuân nêu các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long với lợi thế nước ngọt quanh năm có thể làm 4 vụ lúa, song một số chuyên gia cho rằng tăng vụ ẩn chứa rủi ro.

2 tháng trước

Bến phà Gót ra đảo Cát Bà sẽ dừng hoạt động từ 1/3

UBND TP Hải Phòng vừa thống nhất dừng bến phà Gót chở khách từ đất liền ra đảo Cát Bà từ ngày 1/3 để thực hiện dự án khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế.

2 tháng trước

Khuyến cáo chủ xe đăng kiểm trước hạn

Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo chủ phương tiện tận dụng thời điểm tháng hai và tháng ba đi đăng kiểm sớm trước thời hạn để tránh ùn tắc tại các thành phố lớn.

2 tháng trước

Đà Nẵng khánh thành 3 dự án giao thông gần 2.500 tỷ đồng

Ba dự án giao thông trọng điểm của thành phố đều nằm ở phía Tây, giúp kết nối hệ thống giao thông, cứu hộ cứu nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

2 tháng trước