Nhằm hoàn thiện Đề án phát triển “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao” nhanh chóng đi vào hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 24/12, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế về kinh nghiệm kêu gọi đầu tư, quản lý “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao”.
TP. Hồ Chí Minh: Tìm kiếm, kết nối trực tiếp nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ |
Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - khẳng định, trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, TP. Hồ Chí Minh xác định ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế Thành phố (TP).
|
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội thảo |
Vai trò quan trọng đó được thể hiện qua giá trị sản xuất công nghiệp TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp cả nước. Bên cạnh đó, đóng góp 23% GRDP của thành phố với 4 ngành công nghiệp trọng yếu, gồm: ngành cơ khí; ngành điện tử - công nghệ thông tin; ngành hóa dược - cao su - nhựa; ngành chế biến lương thực, thực phẩm.
Cùng với 4 ngành công nghiệp trọng yếu, CNHT của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã phát huy được vai trò bổ trợ cho các hoạt động sản xuất, nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp (DN) TP trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, qua đánh giá chung, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, tình hình phát triển ngành công nghiệp - CNHT TP vẫn chưa được phát huy, khai thác hết tiềm năng của ngành. Trong đó, CNHT trợ chủ yếu phục vụ sản xuất sản phẩm với công nghệ đơn giản, phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
|
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp |
Bên canh đó, tính liên kết giữa các DN chưa cao, việc phân bổ mặt bằng sản xuất, quỹ đất dành cho công nghiệp - CNHT chưa phù hợp với nhu cầu DN. Đặc biệt, 17 khu công nghiệp (KCN) - khu chế xuất (KCX) hiện hữu của TP chưa phát huy được tính đổi mới sáng tạo, chậm chuyển đổi mô hình hoạt động, còn thâm dụng lao động, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là nhập khẩu, đồng thời chưa tạo ra hệ sinh thái đồng bộ, kết nối trong chuỗi các hoạt động phát triển CNHT.
Động lực tăng trưởng mới từ khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao
Nhận thức được điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển CNHT, tác động đến sự phát triển công nghiệp TP nói chung. Do đó, việc hình thành và đi vào hoạt động “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao” là yêu cầu bức thiết, nhất là trong giai đoạn hậu công nghiệp hiện nay, nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới cho kinh tế TP.
TP. Hồ Chí Minh hiện đã chuẩn bị hơn 300 ha đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ trợ ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, hình thành những doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, cùng liên kết để cung cấp sản phẩm ứng dụng công nghệ cao cho CNHT.
|
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài -Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh báo cáo tham luận: Phát triển công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao - tiếp cận Khu công nghiệp sinh thái cho TP. Hồ Chí Minh tại hội thảo |
Tại hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội DN trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận, góp ý, đề xuất các mô hình hoạt động, vận hành của “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao” phù hợp với vị trí, vai trò của TP. Hồ Chí Minh, cũng như trao đổi kinh nghiệm kêu gọi thu hút đầu tư vào “Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao”. Đồng thời đưa ra nhiều giải pháp chuyển đổi công nghệ sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị tại các nhà máy của các công ty sản xuất công nghiệp trong nước theo hướng áp dụng công nghệ cao, đáp ứng linh hoạt theo các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở góc độ nhà khoa học, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài -Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã cập nhật các mô hình “Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao” trên thế giới. Đồng thời cho rằng, mô hình thích hợp dài hạn và bền vững cho giai đoạn hậu công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh là mô hình phát triển khu CNHT công nghệ cao. Mô hình này sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế của các DN; giảm thiểu tác động môi trường; đóng góp vào phúc lợi kinh tế và môi trường của cộng đồng DN và thúc đẩy tăng trưởng theo hướng bền vững cho TP. Hồ Chí Minh...
Tuy nhiên, khi xây dựng khuôn viên KCN phải phù hợp với cộng đồng xã hội có khả năng kết nối cơ sở hạ tầng xã hội bên trong và bên ngoài đô thị; có chính sách hình thành mạng lưới liên kết giữa KCN với các nhà cung cấp và khách hàng FDI về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ… Đồng thời, thiết kế chính sách thu hút các DN một cách rõ ràng về xã hội, môi trường, công nghệ - chuyển giao công nghệ và kết nối chuỗi cung ứng.
Chia sẻ về vai trò cơ quan quản lý nhà nước, cũng như cơ chế chính sách cần thiết cho việc hình thành, quản lý hoạt động của khu CNHT công nghệ cao, ông Ngô Khải Hoàn – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) – cho biết, những năm trở lại đây, nhận thấy vai trò quan trọng của ngành CNHT, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và định hướng CNHT là một trong những ngành được ưu tiên phát triển và ưu đãi đầu tư. Việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính pháp lý và cụ thể hóa các chính sách ngày một hoàn thiện.
|
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương tham quan gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm CNHT bên lề hội thảo |
Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2012 về phát triển CNHT; Nghị quyết số 115/2020 của Chính phủ cũng khẳng định chính sách phát triển ngành CNHT cần được tiếp tục cải thiện để phù hợp với yêu cầu phát triển, thể hiện sự nhất quán trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111 về Phát triển ngành CNHT, dự kiến được ban hành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên phát triển dự kiến sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi ở mức tương đương hoạt động công nghệ cao.
Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, một số DN CNHT trong nước ngày càng tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia như Samsung, Canon, Toyota, Honda, GE… Tuy nhiên, ngành CNHT vẫn chưa phát triển đúng như tiềm năng, còn có những tồn tại, hạn chế và phát sinh nhiều vấn đề mới. Đặc biệt, Chúng ta thấy rõ sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các ngành sản xuất trong 2 năm qua: nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài….
Do đó, việc TP. Hồ Chí Minh phát triển các Khu CNHT với các ứng dụng công nghệ cao là rất cần thiết. Để sớm triển khai các khu CNHT ứng dụng công nghệ cao, Bộ Công Thương đề xuất TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục triển khai xây dựng và bố trí hợp lý các KCN, cụm công nghiệp (CCN) ngành công nghiệp chuyên môn hóa theo chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu để nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, tiếp tục từng bước chuyển dịch có hiệu quả các trung tâm công nghiệp theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao ở trung tâm và chuyển dịch các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, công nghiệp nặng sang các khu vực vệ tinh.
Để thực sự phát triển Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao, trừ các KCN, CCN do Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, các địa phương cần xem xét đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy những sáng kiến, ý tưởng mới của các DN, đồng thời định hướng và khuyến khích việc hình thành KCN, CCN cùng với sự hỗ trợ về mặt hạ tầng, tài chính, công nghệ, đào tạo và tư vấn thông qua các chương trình dài hạn. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cần chủ động xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi riêng (ưu đãi thuế, mặt đất, tín dụng…) cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.
Song song đó, TP. Hồ Chí Minh triển khai các chương trình thí điểm phát triển KCN, cụm CNHT ứng dụng công nghệ cao theo hướng tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong nước nhằm thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả hơn, cung như thúc đẩy phát triển các cụm ngành sản xuất và tạo thuận lợi cho liên kết đầu vào - đầu ra của chuỗi giá trị.