Cắt ngân sách WHO, Trump biến WHO thành "vật tế thần" trước chỉ trích về cách xử lý Covid-19 và đảm bảo chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Rắc rối chính trị đang đeo bám Trump. Nền tảng bầu cử mà ông dày công xây dựng trong ba năm qua nhằm tái đắc cử nhiệm kỳ hai sụp đổ khi khủng hoảng Covid-19 ập đến.
Cách đây chưa lâu, Trump tự hào về số việc làm "tốt nhất" trong lịch sử Mỹ, về mức cao kỷ lục của thị trường chứng khoán và một nền kinh tế phát triển như vũ bão. Đó là những con át chủ bài trong tay của Trump cho mục tiêu tái đắc cử.
Covid-19 xuất hiện lập tức làm 15 triệu người Mỹ thất nghiệp, xóa sổ mức tăng trưởng thị trường từ năm 2017. Nền kinh tế Mỹ có nguy cơ bị thu hẹp 6% trong năm nay.
Trump suốt nhiều tháng ca ngợi những thành tựu trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, gồm bổ nhiệm hai thẩm phán Tòa án Tối cao, giảm thuế mạnh, khởi công xây dựng tường ngăn biên giới và thu hồi nhiều quyết định trước đó. Trump không quên khẳng định "đã hứa gì thì sẽ làm nấy" khi nhắc đến những thành tựu đó.
Cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra làm lu mờ những thành tựu mà Trump tự hào. Trump gọi đại dịch là "kẻ thù vô hình" và "con quái vật", nói nó đã biến ông thành một "tổng thống thời chiến".
Những con số nghiệt ngã được thống kê tại Mỹ. Hơn 600.000 ca nhiễm nCoV, ít nhất 25.000 người chết, nhiều hơn vụ khủng bố 11/9/2001 hay tất cả những cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và Vùng Vịnh cộng lại.
Không cử tri Mỹ nào ngây thơ đến độ cho rằng Trump tự tạo ra vấn đề. Covid-19 đã xuất hiện ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các lãnh đạo trên thế giới mắc kẹt trong trận chiến chưa từng diễn ra thời hiện đại: chống lại cuộc khủng hoảng kép đại dịch và tình trạng đình trệ tài chính sâu rộng.
Những gì được quan tâm là cách Trump xử lý khủng hoảng. Cử tri Mỹ đặt câu hỏi liệu ông đã hành động đủ nhanh để ứng phó với dịch bệnh khởi phát từ Vũ Hán hay chưa, lý do thiếu hụt xét nghiệm và trang thiết bị bảo vệ, nguyên nhân ban đầu Trump hạ thấp quan ngại từ dịch bệnh.
Vấn đề sẽ định hình kết quả cuộc bầu cử sắp diễn ra. Chưa đầy 7 tháng nữa, tức khoảng 200 ngày, các cử tri sẽ đưa quyết định về vị trí của Trump.
"Tất cả dẫn đến quyết định đình chỉ cấp ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua. Có thể thấy cách phản ứng xuyên suốt của Trump với những chỉ trích quanh Covid-19, ông từ chối nhận lỗi về mình đối với các vấn đề trong xử lý virus", biên tập viên Ben Riley-Smith viết trên Telegraph.
Trump đổ lỗi cho chính quyền Obama gây ra tình trạng thiếu xét nghiệm, nói rằng người tiền nhiệm để lại các thủ tục pháp lý không đầy đủ, bất chấp ông có ba năm để sửa chữa chúng. Với tình trạng thiếu máy thở, Trump nói các thống đốc bang phải có trách nhiệm mua những thiết bị này, dù khẳng định chính phủ Mỹ đã và sẽ can thiệp nếu cần.
Trump hồi tháng 2 ví Covid-19 như "cúm mùa" và cáo buộc truyền thông cùng các đối thủ gieo rắc hoang mang thông qua "một trò bịp". Song gần đây Trump lại khẳng định luôn lường trước đại dịch sẽ tệ đến mức nào.
Khi những cuộc rà soát được tăng cường, New York Times và Washington Post đưa ra tin tức nội bộ cảnh báo Trump sẽ nổi giận với truyền thông, điều xảy ra trong cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 13/4.
Video được vội vã sản xuất để kịp phát trong buổi họp nói trên cáo buộc truyền thông hạ thấp nguy cơ từ nCoV và khẳng định Tổng thống Mỹ không có quan điểm đó, song nó không giúp giải quyết vấn đề.
Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát đã thành lập một ủy ban chuyên trách về nCoV để xem xét kỹ lưỡng cách xử lý đại dịch của chính phủ.
Đối thủ chính của Trump trong kỳ bầu cử sắp tới là Joe Biden, mới hai tháng trước còn kẹt trong "trận chiến khốc liệt", giờ có thể đứng hiên ngang. Biden được cựu tổng thống Barack Obama cùng thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một chính khách Mỹ có tiếng, ủng hộ làm ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ và có thể dồn toàn lực vào đối đầu với Trump.
Obama ngày 14/4 công bố video dài 12 phút về viễn cảnh hậu Covid-19. Trong video, Biden được nhắc đến là người giúp đưa Mỹ vượt qua dịch cúm H1N1 năm 2009 và dịch Ebola năm 2014, giám sát thời kỳ phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2008-2009 và sẽ tin tưởng các chuyên gia.
Trump nhận thấy "tập hợp dưới cờ", hiện tượng người ủng hộ tổng thống Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng hoặc chiến tranh, đã không còn. Số người ủng hộ giảm xuống khiến Trump phải tìm mục tiêu để đổ lỗi.
"Đó là điều Trump đã làm suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình. Đôi khi với những vụ bê bối mới nổi, bạn gần như có thể thấy Tổng thống Mỹ đang thử những phương pháp khác nhau trong các cuộc họp báo và mít tinh", biên tập viên Ben Riley-Smith viết.
Trump ban đầu công khai nhắm vào Trung Quốc, sửa tên virus corona thành "virus Trung Quốc" và nói nước này nên cảnh báo với thế giới về đại dịch sớm hơn. Trump nhắc lại những chỉ trích trên nhiều lần trong các buổi vận động tranh cử và được truyền thông trích dẫn.
Chỉ trích nhằm vào Trung Quốc của Trump giờ đã vơi bớt phần nào. Sau cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, Trump bỏ cách gọi "virus Trung Quốc" và đề cập đến khó khăn mà nước này phải trải qua.
Nguyên nhân có thể là Trump nghĩ đến các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, điều ông muốn đạt được tiến bộ càng sớm càng tốt.
Trump không có mối quan tâm như thế với WHO. Việc biến tổ chức này thành "phe phản diện" trong đại dịch gần như nằm gọn trong quan điểm "nước Mỹ trên hết".
WHO là một tổ chức quốc tế, giống Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nơi Mỹ đổ tiền vào nhiều hơn các quốc gia khác. Trump cho biết Mỹ cấp cho WHO khoảng 400 triệu USD mỗi năm và so sánh với khoản ngân sách 40 triệu USD của Trung Quốc.
Giống Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc Liên minh châu Âu EU, WHO là một tổ chức quốc tế đa phương bị Trump cho là đã đưa ra các quy tắc gây bất lợi cho Mỹ. Trump đang thích dùng từ "thiên vị Trung Quốc" khi đề cập đến WHO.
WHO nằm ngoài tầm kiểm soát mang lại lợi ích chính trị cho Trump. Đổ lỗi cho WHO về mức độ nghiêm trọng của Covid-19 và hàng nghìn người chết vì nCoV tại Mỹ, trách nhiệm sẽ không còn đặt trên vai Trump.
"Tuy nhiên, những điều này chưa được coi là nỗ lực nhằm giải thể WHO. Việc đình chỉ bất cứ khoản ngân sách nào cho WHO trong bối cảnh Covid-19 hoành hành đều yêu cầu phải chứng minh liệu tổ chức phản ứng quá chậm chạp trước đại dịch hoặc do dự trong chỉ trích Trung Quốc hay không", Ben Riley-Smith cho biết.
Ben Riley-Smith nhận định tình hình chính trị trong nước Mỹ khiến Trump chĩa mũi nhọn về phía WHO và dừng cấp ngân sách cho tổ chức này.
"Trump cho tới nay tự đánh giá cách xử lý khủng hoảng ở mức 10/10. Chúng ta sẽ phải chờ xem liệu các cử tri Mỹ có đồng ý không vào ngày 3/11. Càng đổ lỗi cho WHO về đợt bùng phát ở Mỹ, Tổng thống càng có cơ hội tái đắc cử cao hơn", Ben Riley-Smith viết.
Facebook xoá Trường Sa, Hoàng Sa khỏi bản đồ Việt Nam
Phục hồi điều tra vụ án Đường "Nhuệ" đánh người, gây thương tích ở trụ sở công an