Thủ tướng: Vùng Đông Nam Bộ cần phấn đấu tăng trưởng 2 con số
13 ngày trướcNguồn:
Bà Rịa - Vũng TàuVùng Đông Nam Bộ cần hoàn thiện thể chế, tập trung giải ngân đầu tư công, bứt phá xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng để đạt tăng trưởng 2 con số, theo lãnh đạo Chính phủ.
Yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 5, chiều 2/12.
Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh với diện tích hơn 23.560 km2, dân số hơn 18,7 triệu người (năm 2021). Đây là vùng có mức tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất, thường xuyên duy trì mức đóng góp hơn 30% vào GDP của cả nước.
Hội đồng điều phối được lập vào tháng 7/2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm chủ tịch, với mục đích liên kết, thúc đẩy kinh tế xã hội các địa phương trong vùng, thường 3 tháng họp một lần.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh xu hướng tăng trưởng của vùng đang chậm lại, các địa phương phải cố gắng tăng trưởng năm nay đạt 7% và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ số công nghiệp của vùng đã tăng trưởng trở lại nhưng phải bền vững hơn.
Về kế hoạch năm 2025, Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành trong vùng ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế và phấn đấu tăng trưởng 2 con số. Giải pháp là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, bứt phá trong xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng.
Với dự án đường Vành đai 4, lãnh đạo Chính phủ tiếp tục giao cho TP HCM là cơ quan chủ quản đầu tư, chia các dự án thành phần, và trong quý 1-2025 phải phê duyệt xong dự án và trình Quốc hội cơ chế, chính sách đối với dự án.
Với dự án cảng quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải và Kế hoạch và Đầu tư làm xong các thủ tục trong năm nay để giải quyết dứt điểm trong tháng 12. Về việc xây dựng khu thương mại tự do và trung tâm điện gió ngoài khơi, Thủ tướng đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương để triển khai các thủ tục.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm nay tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ ước đạt 6,38% thấp hơn bình quân chung cả nước (6,8-7%), đứng thứ 4 trong 6 vùng kinh tế. Quy mô GRDP vùng đạt hơn 3,56 triệu tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 187 triệu đồng/năm, đứng đầu các vùng kinh tế và cao hơn bình quân chung cả nước.
Tổng thu ngân sách ước đạt 733 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 42,2% cả nước). Trong đó thu nội địa hơn 492 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với dự toán được giao. Giá trị xuất khẩu ước đạt hơn 115 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Vùng tiếp tục dẫn đầu cả nước số dự án và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - đến 31/10 với 21.174 dự án và hơn 189 tỷ USD. Trong đó, TP HCM đứng đầu cả nước với số dự án chiếm gần 32,2% và 12% tổng vốn đăng ký. Về giải ngân vốn đầu tư công, đến hết tháng 10, cả vùng giải ngân đạt 36,1%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước hơn 54,7%.
Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như ùn tắc giao thông, ngập úng, thiếu cơ sở hạ tầng... trong khi tiềm năng dư địa, lợi thế còn nhiều nhưng chưa khai thác hết. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối cảng đang là điểm nghẽn, chưa hình thành được hệ sinh thái logistics đa dạng tại vùng Đông Nam Bộ nhằm đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa của cả vùng.
Để đạt được các mục tiêu mà Thủ tướng yêu cầu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương bám sát bối cảnh, tình hình mới để tăng tốc hoàn thành kế hoạch năm tới. Trong đó, vùng cần tập trung hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm; kết nối cao tốc với sân bay, cảng biển; hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đầu tư cảng quốc tế Cần Giờ, hoàn thành cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu...
Các địa phương cũng cần tháo gỡ những công trình, dự án đang bị ách tắc làm lãng phí nguồn lực đất đai, đầu tư; cơ cấu lại ngành công nghiệp để tạo đột phá; thu hút đầu tư vào các ngành mới nổi như chip bán dẫn, AI, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Lào CaiTại nơi bắt nguồn trận lũ quét Làng Nủ, xã Phúc Khánh, đất đá tiếp tục sạt gây nổ lớn, chính quyền phải cắm biển cảnh báo người dân không đến gần.
Việc dùng ngân sách đầu tư metro giúp rút ngắn quy trình triển khai, chủ động công nghệ, nhưng thách thức lớn trước nguồn vốn hơn 47.000 tỷ, theo các chuyên gia.
Theo Tổng bí thư Tô Lâm, việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị sẽ thực hiện từ trên xuống với phương châm "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng, tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng".
Tuyến cao tốc dài 99 km nối Bình Thuận - Đồng Nai chuẩn bị được xây trạm dừng chân, tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng, giúp người đi đường có nơi nghỉ ngơi, vệ sinh.