Thủ tướng: Tăng tốc phát triển kinh tế xã hội và sắp xếp bộ máy

1 tháng trước Nguồn:

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2025 Chính phủ hướng đến tăng tốc, bứt phá hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của cả nhiệm kỳ và thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Sáng 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2024 và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội năm 2025, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, tổng kết Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Ông cho biết năm 2024 Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm.

Các cơ quan đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết. Nhờ vậy, tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD. Đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD.

Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên được hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công thần tốc; nhiều dự án, công trình năng lượng trọng điểm được triển khai; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km. Hạ tầng số, hạ tầng năng lượng được tháo gỡ về thể chế và đầu tư.

Theo người đứng đầu Chính phủ, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế. Đầu tư nguồn lực tài chính, con người cho công tác xây dựng pháp luật chưa tương xứng; lãng phí niềm tin, thời gian, cơ hội, nguồn lực từ đất đai, đầu tư công, đầu tư tư nhân, tài nguyên, khoáng sản, lao động còn nhiều. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều cơ quan, địa phương còn chậm; phân cấp, phân quyền còn nhiều vướng mắc và chưa triệt để, vẫn tập trung nhiều công việc cụ thể ở Trung ương.

Vì vậy, Chính phủ hướng đến xây dựng cơ chế thông thoáng để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài. Ngoài ra, Chính phủ sẽ quyết liệt cải cách hành chính; xóa bỏ cơ chế "xin - cho", đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

"Coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường đột phá, quyết liệt, quyết đoán, đúng thời điểm, trọng điểm là những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công", ông nói.

Theo Thủ tướng, năm 2025 kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong bối cảnh vừa phải tăng tốc, bứt phá, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của cả nhiệm kỳ 2021-2025, vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương "phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt".

Ông yêu cầu cơ quan, đơn vị trong cả nước "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"; "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả"; "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội năm 2025 tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, tổng kết Nghị quyết số 18 của Trung ương. Ảnh: Hoàng Phong

Nghiên cứu sửa luật Tổ chức Chính phủ, luật Tổ chức chính quyền địa phương

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh phải tiếp tục hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá"; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đội ngũ cán bộ, công chức phải có nền tảng vững chắc về tư tưởng chính trị, có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và dám đưa ra những giải pháp đột phá, nhất là trong xử lý những tình huống phức tạp, điểm nghẽn; có cơ chế, chính sách tạo động lực, bảo vệ cán bộ, công chức làm việc, cống hiến, vì lợi ích chung.

Chính phủ hướng đến sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", nhất là sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống chính trị ở Trung ương; đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Trong đó, các cơ quan sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định khác.

"Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, không chồng chéo, trùng lắp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả", Thủ tướng yêu cầu.

Bộ máy từ Trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực; phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; kiên quyết, kiên trì xóa bỏ cơ chế "xin - cho", biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân.

Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện. Thể chế, khuôn khổ pháp lý phải giúp phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, lao động, bất động sản.

Triển khai đường sắt tốc độ cao, hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc

Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thiện các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, bao gồm kết nối hệ thống đường cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai các tuyến đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị. Trong đó, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc, và các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM sẽ được ưu tiên; phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào năm 2025.

Đến hết năm 2025, Chính phủ cam kết hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, trên 1.000 km đường ven biển. Ngoài ra, các dự án lớn như tái khởi động nhà máy điện hạt nhân, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng, cùng khu thương mại tự do tại một số địa phương kinh tế trọng điểm cũng sẽ được triển khai.

Trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, Chính phủ sẽ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản. Vi phạm sẽ được xử lý nghiêm minh với tinh thần "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", đảm bảo không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế.

Đối với các dự án năng lượng tái tạo, công trình chậm tiến độ, Chính phủ cam kết tháo gỡ khó khăn, đề xuất cơ chế và chính sách phù hợp nhằm giải quyết tình trạng lãng phí đất đai. Các bộ, ngành sẽ rà soát, cắt giảm chi thường xuyên, tăng cường truyền thông, xây dựng văn hóa tiết kiệm và chống lãng phí.

Chính phủ dự kiến đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, tập trung bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Mục tiêu giảm nghèo bền vững được gắn với áp dụng mã số an sinh xã hội, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chính sách xã hội và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ xã hội trên nền tảng số.

Sơn Hà

Khánh Hòa: Phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu Khu dân cư phía Tây đường 2 tháng 4

(Xây dựng) - UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu dân cư phía Tây đường 2 tháng 4 thuộc phường Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang.

1 tháng trước

Đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

(Xây dựng) - Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.

1 tháng trước

Cần Thơ: Phê duyệt dự toán chi phí lập 02 Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500

(Xây dựng) – UBND thành phố Cần Thơ vừa phê duyệt đề cương, dự toán chi phí lập 02 Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đó là Quyết định số 1383/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương, dự toán chi phí lập Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất bãi bồi sông Hậu và Quyết định số 1382/QĐ-UBND phê duyệt đề cương, dự toán chi phí lập Đồ án quy hoạch khu đất Bãi công trường 6.

7 tháng trước

Hà Tĩnh: Điều chỉnh cục bộ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Vũ Quang

(Xây dựng) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Quyết định số 1508/QĐ-UBND, về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Vũ Quang, tỷ lệ 1/5.000.

7 tháng trước

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

(Xây dựng) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 556/QĐ-TTg ngày 22/6/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

7 tháng trước

Sông Công (Thái Nguyên): Công bố Quy hoạch chi tiết phần mở rộng Khu nghĩa trang Cải Đan

(Xây dựng) – Mới đây, UBND thành phố Sông Công tỉnh Thái Nguyên đã chính thức công bố Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nghĩa trang Cải Đan (phần mở rộng), theo Quyết định số 2458/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 của UBND thành phố Sông Công.

1 năm trước

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch 12 địa phương

(Xây dựng) – Ngày 23 tháng 10 năm 2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 430/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tuyến với 12 địa phương về đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

1 năm trước

Viện Kiến trúc quốc gia hoàn thành tốt nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2023

(Xây dựng) – Vừa qua, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023.

1 năm trước