Tây Âu chưa 'thấm' bài học Covid-19 từ Trung Quốc

4 năm trước Nguồn: VnExpress

Châu Âu và Mỹ nhìn vào kinh nghiệm của Trung Quốc để tìm cách đánh bại Covid-19 nhưng giới chuyên gia nói họ có thể đang rút ra bài học sai.

Lệnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập" được áp đặt ở Vũ Hán và hai thành phố lân cận vào ngày 23/1 đã giúp làm chậm quá trình nCoV lây sang các vùng khác của Trung Quốc nhưng không kiềm chế dịch ở Vũ Hán. Thay vào đó, nCoV tiếp tục lây lan giữa các thành viên gia đình, phần lớn do các bệnh viện quá tải nên không thể tiếp nhận bệnh nhân.

Điều thực sự đảo ngược tình thế ở Vũ Hán là thay đổi từ ngày 2/2 sang chính sách cách ly triệt để. Các trường hợp nghi nhiễm hoặc có triệu chứng nhẹ và tất cả những người từng tiếp xúc với bệnh nhân được đưa vào bệnh viện dã chiến và các trung tâm cách ly.

Y bác sĩ tại khu chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện tại Vũ Hán ngày 19/3. Ảnh: Xinhua.

Y bác sĩ tại khu chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện tại Vũ Hán ngày 19/3. Ảnh: Xinhua.

Chiến thuật này đã biến hàng trăm khách sạn, trường học và những nơi khác thành trung tâm kiểm dịch, cũng như xây dựng hai bệnh viện dã chiến mới và cải tạo 14 cơ sở thành bệnh viện dã chiến tạm thời.

Tăng quy mô xét nghiệm nCoV cũng là một yếu tố quan trọng, chính quyền địa phương cho biết đã tăng từ 200 xét nghiệm mỗi ngày vào cuối tháng một lên 7.000 ca hàng ngày vào giữa tháng hai.

Những biện pháp trên quyết liệt hơn nhiều những gì đang diễn ra tại các thành phố phương Tây. Nhiều bác sĩ và chuyên gia cho rằng các biện pháp phong tỏa gần đây ở Mỹ và châu Âu có thể làm chậm tốc độ gia tăng ca nhiễm mới nếu được thực thi đúng cách, nhưng vẫn không đủ để ngăn chặn tình trạng bệnh viện quá tải, giống như Vũ Hán ở giai đoạn đầu dịch bùng phát.

"Nhiều bài học đã bị bỏ qua", Devi Sridhar, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Edinburgh cho biết. "Phong tỏa chỉ là biện pháp 'câu giờ': Cách duy nhất hiệu quả là phải lần dấu vết ai đã lây cho ai".

Kể từ khi dịch bắt đầu khởi phát đầu tháng 12/2019, hơn 50.000 ca nhiễm nCoV được ghi nhận ở Vũ Hán, bằng 61% tổng số ca ở Trung Quốc đại lục. Hơn 2.500 người chết trong thành phố, chiếm 77% số ca tử vong toàn quốc và tỷ lệ tử vong là gần 5%.

Tuy nhiên, kể từ cuối tháng hai, số ca nhiễm mới tại Vũ Hán đã giảm dần. Trong 6 ngày qua, họ chỉ phát hiện một ca mới. Giới chức Trung Quốc đã đóng cửa tất cả bệnh viện dã chiến và ngày 24/3 dỡ hạn chế đi lại, cho những người khỏe mạnh rời khỏi tỉnh Hồ Bắc, ngoại trừ Vũ Hán, nơi cần chờ đến ngày 8/4.

Nhiều chính phủ nước ngoài ban đầu gạt bỏ ý tưởng phong tỏa, nói rằng biện pháp đó không phù hợp với điều kiện xã hội của phương Tây. Giờ đây, họ đang thực hiện các hạn chế tương tự nhưng ít hà khắc hơn. Tuy nhiên, họ không thực hiện xét nghiệm và cách ly các trường hợp nghi nhiễm gắt gao như Vũ Hán.

Một số chuyên gia và quan chức nước ngoài hoài nghi về việc coi Vũ Hán như hình mẫu. Họ nhắc đến việc chính quyền địa phương ban đầu đã cố gắng che đậy dịch và hơn 5 triệu người đã rời Vũ Hán trước khi áp đặt phong tỏa.

Một số người vẫn nghi ngờ về số liệu chính thức của Trung Quốc. Ủy ban Y tế Vũ Hán ngày 23/3 cho biết các trường hợp không có triệu chứng đang được cách ly tại các trung tâm không được đưa vào thống kê chính thức, ngay cả khi họ dương tính với nCoV.

Những người khác nghĩ rằng Trung Quốc có thể phải đón làn sóng lây lan thứ hai nếu họ tiếp tục nới lỏng hạn chế đi lại và làm việc. Họ cũng đánh giá cách tiếp cận của Trung Quốc đem đến tổn thất kinh tế quá lớn.

Một số bác sĩ và người dân ở Vũ Hán cảm thấy việc phong tỏa thành phố quá đột ngột, hà khắc và cũng quá muộn, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao vì các bệnh viện không đủ sức xử lý "cơn lũ" bệnh nhân sau đó. Nhiều nhân viên y tế cũng bị nhiễm bệnh vì ban đầu họ không có đồ bảo hộ và không được đào tạo về bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, chiến lược cách ly và xét nghiệm có hệ thống hơn ở Vũ Hán sau ngày 2/2 tương tự các biện pháp có hiệu quả ở Hàn Quốc và Singapore. Hàn Quốc, nơi thực hiện nhiều xét nghiệm nhất thế giới, ban đầu cố gắng cho tất cả trường hợp đã xác nhận nhập viện. Nhưng khi bệnh viện quá tải, từ ngày 1/3, họ chia bệnh nhân thành 4 loại: không triệu chứng, nhẹ, nặng và nguy kịch.

Chỉ những trường hợp nặng và nguy kịch mới được nhập viện, trong khi những trường hợp nhẹ và không có triệu chứng được đưa vào những bệnh viện dã chiến được gọi là "cơ sở điều trị nội trú".

Tại Singapore, tất cả các trường hợp nghi nhiễm được cách ly trong bệnh viện. Giới chức truy tìm tất cả người từng tiếp xúc gần với bệnh nhân và yêu cầu họ cách ly tại nhà hoặc cơ sở do chính phủ điều hành.

Mike Ryan, người đứng đầu bộ phận phản ứng khẩn cấp của WHO, ngày 22/3 cảnh báo phong tỏa là không đủ để kiểm soát đại dịch và kêu gọi các chính phủ tập trung vào việc xác định và cách ly người nhiễm cùng những người họ từng tiếp xúc gần. "Không chỉ cần giữ khoảng cách với nhau hay phong tỏa. Ở Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc, họ thực sự tập trung vào chiến lược cách ly triệt để".

Ian Lipkin, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Columbia, nói rằng Mỹ nên ngay lập tức yêu cầu người dân toàn quốc ở nhà và sau đó chuyển sang hệ thống cách ly phân loại cho đến khi có vaccine.

"Chúng ta phải cách ly riêng những bệnh nhân cần được điều trị ngay lập tức, những người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, những người nghi nhiễm dựa trên lịch sử tiếp xúc", ông nói.

Nhà thi đấu được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến ở Hồ Bắc hồi tháng hai. Ảnh: China Daily.

Nhà thi đấu được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến ở Hồ Bắc hồi tháng hai. Ảnh: China Daily.

Thực tế, giới chức Trung Quốc đã phải "dò dẫm" tìm hướng đi đúng sau khi phong tỏa Vũ Hán từ ngày 23/1. Ban đầu họ cách ly người nhiễm và nghi nhiễm tại bệnh viện, những người từng tiếp xúc với họ tự cách ly tại nhà.

Tuy nhiên, các bệnh viện địa phương, nơi chỉ có 4.000 giường cho các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm, nhanh chóng bị quá tải. Các chuyên gia ước tính vào thời điểm đó hàng chục nghìn người đã nhiễm bệnh.

Đến ngày 27/1, khoảng 15.000 người đã tới các phòng khám sốt của thành phố hàng ngày, nhiều hơn 5 lần con số thông thường. Nhiều người bị yêu cầu về nhà mà không được kiểm tra. Đến đầu tháng hai, khoảng 20.629 người tự cách ly tại nhà đã đến các phòng khám sốt, chưa kể những người bị ốm nhưng chưa đến bệnh viện, Hồ Lập Sơn, phó bí thư thành ủy Vũ Hán, nói trong một cuộc họp báo.

Thay đổi quan trọng đến vào ngày 2/2, khi Vũ Hán phân loại các trường hợp, chỉ đưa trường hợp đã xác nhận vào bệnh viện, những người khác được đưa đến bệnh viện dã chiến hoặc trung tâm cách ly. Chính sách mới mất khoảng hai tuần để thực hiện, khoảng 12.000 người đã ở các bệnh viện dã chiến.

"Bước ngoặt ở Vũ Hán là khi cách ly tất cả bệnh nhân và những người tiếp xúc gần với họ", Đỗ Bân, trưởng khoa chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Hiệp Hòa Bắc Kinh, làm việc tại Vũ Hán những tuần gần đây, nói.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của xét nghiệm. "Ngoài xét nghiệm, tôi không biết còn cách nào để xác định người nhiễm và cách ly những người từng tiếp xúc gần".

Một yếu tố quan trọng khác là Trung Quốc triển khai đến Vũ Hán hàng nghìn y bác sĩ các nơi khác ở Trung Quốc, trong số đó có Mạnh Tân Khoa, bác sĩ khoa chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Nhân dân số 2 ở Thâm Quyến.

Ông đến Vũ Hán ngày 9/2 và được đưa vào làm việc tại một trung tâm triển lãm được chuyển đổi thành bệnh viện với 40 bác sĩ và 1.461 giường, chuyên chăm sóc người nhiễm có triệu chứng nhẹ. Tách các trường hợp nhẹ ra là "một cách tuyệt vời để tiết kiệm nguồn lực", ông nói và cho biết 5 bác sĩ có thể chăm sóc 400 bệnh nhân trong mỗi ca.

Công việc hàng ngày của ông bao gồm kiểm tra bệnh nhân, cho họ uống thuốc, tiến hành các xét nghiệm và xác định những người có triệu chứng nghiêm trọng. Sau khoảng hai tuần, nhóm nghiên cứu của Mạnh nhận thấy khoảng 10-15% bệnh nhân xuất viện từ một số bệnh viện dã chiến sau đó lại dương tính với nCoV, dấu hiệu cho thấy họ có thể chưa hoàn toàn hết virus.

Để khắc phục tình trạng này, Vũ Hán từ 22/2 yêu cầu tất cả bệnh nhân xuất viện phải vào các trung tâm cách ly thêm hai tuần thay vì về nhà. Từ 19/2, số ca nhiễm mới và số ca tử vong ở Vũ Hán đã giảm dần. Thành phố không ghi nhận ca mới nào trong hai ngày gần đây.

Sridhar đánh giá Mỹ, Anh và một số nước châu Âu sẽ phải thiết lập nhiều bệnh viện dã chiến và trung tâm cách ly như Vũ Hán nếu họ muốn kiềm chế dịch. "Tôi không nghĩ còn cách nào ngoài biện pháp đó", bà nói. "Chúng ta đang đi theo hướng đó, nhưng quá quá chậm".

Tại New York, chính quyền liên bang có kế hoạch thiết lập bệnh viện dã chiến với sức chứa 1.000 giường tại Trung tâm Hội nghị Jacob K. Javits ở Manhattan. New York cũng đang cân nhắc chuyển đổi toàn bộ khách sạn thành bệnh viện.

Trương Kính Nông, trưởng khoa cấp cứu tại bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán, cho biết điều quan trọng nhất là tách biệt người nhiễm với người khỏe mạnh. Phương án tốt nhất là biến khách sạn thành trung tâm cách ly vì mỗi người có thể ở một phòng riêng biệt. "Chỉ cần tắt điều hòa trung tâm", ông nói.

Những người hùng chống Covid-19 bị tấn công

Quyền lực Hộ chiếu màu xanh lá trong mùa Covid 19


Núi Voi đầu nguồn Làng Nủ tiếp tục sạt lở

Lào CaiTại nơi bắt nguồn trận lũ quét Làng Nủ, xã Phúc Khánh, đất đá tiếp tục sạt gây nổ lớn, chính quyền phải cắm biển cảnh báo người dân không đến gần.

1 tháng trước

Thủ tướng: Vùng Đông Nam Bộ cần phấn đấu tăng trưởng 2 con số

Bà Rịa - Vũng TàuVùng Đông Nam Bộ cần hoàn thiện thể chế, tập trung giải ngân đầu tư công, bứt phá xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng để đạt tăng trưởng 2 con số, theo lãnh đạo Chính phủ.

1 tháng trước

Chàng trai biến gỗ vụn thành mô hình con vật

Thái NguyênTừ những mảnh gỗ tưởng như bỏ đi, anh Nguyễn Văn Huy mày mò ghép lại thành mô hình con vật cao tới cả mét, bán vài chục triệu đồng.

1 tháng trước

'Làm metro bằng ngân sách giúp TP HCM tự chủ công nghệ, nhà thầu'

Việc dùng ngân sách đầu tư metro giúp rút ngắn quy trình triển khai, chủ động công nghệ, nhưng thách thức lớn trước nguồn vốn hơn 47.000 tỷ, theo các chuyên gia.

1 tháng trước

Bị phạt vì dừng ôtô cho khách đi vệ sinh trên cao tốc

Bình ThuậnNam tài xế xe khách bị lập biên bản xử phạt do dừng xe ở làn khẩn cấp trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết để khách đi vệ sinh.

1 tháng trước

Tổng Bí thư: Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng khi sắp xếp bộ máy

Theo Tổng bí thư Tô Lâm, việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị sẽ thực hiện từ trên xuống với phương châm "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng, tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng".

1 tháng trước

Hải Phòng dự kiến xây thêm cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện 2 sẽ được xây dựng bên trái cầu hiện có vào giai đoạn 2026-2030 với tổng đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng.

1 tháng trước

25 tấn cá chết trên hồ thủy điện ở Kon Tum

Thủy điện xả nước làm lớp bùn lắng dưới lòng hồ thủy điện Ya Ly xáo trộn, khiến hơn 25 tấn cá nuôi trên hồ bị thiếu oxy, chết hàng loạt.

6 tháng trước