Tặng gạo tận nhà cho người nghèo

3 năm trước Nguồn: Báo Vnexpress

Đà NẵngMột nhóm tình nguyện mang đồ bảo hộ, cần thận sát khuẩn tay trước khi trao tặng mỗi hộ nghèo 10 kg gạo và 300.000 đồng.

"Alo đây là số điện thoại chị Hiền phải không? Mười phút nữa chúng em đến nhà trao gạo nhé", chị Dương Thị Phượng (44 tuổi), thành viên đội tình nguyện tắt máy, nổ xe máy hướng về hướng đường Tôn Đản (phường Hoà An, quận Cẩm Lệ), trong bộ đồ bảo hộ màu xanh, khẩu trang kín mặt.

Tình nguyện viên mang đồ bảo hộ chở gạo đi phát cho người dân. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nhà bà Đỗ Thị Kim Hiền (53 tuổi) nằm khuất sâu ở một khu dân cư giải toả, muốn vào phải đi qua một bãi rác tạm và đoạn đường đất lầy lội sau trận mưa. Đến nơi, chị Phượng hỏi chuyện nhắc bà Hiền đeo khẩu trang rồi cẩn thận lấy bình sát khuẩn tay trước khi trao quà hỗ trợ.

Bà Hiền là phụ nữ đơn thân, một mình nhặt ve chai nuôi ba con, đã thất nghiệp gần một tháng vì chấp hành cách ly xã hội, ở nhà chống dịch. Có số điện thoại của nhóm từ thiện, bà gọi cầu cứu. "Hôm rồi tôi cũng được nhận 10 kg gạo. Giờ trong nhà có 20 kg, mỗi ngày nấu 2 kg là đủ ăn cho 10 ngày tới", bà nhẩm tính.

Chị Phượng là giảng viên trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, tham gia vào đội tình nguyện phát gạo tận nhà mười ngày nay. Hàng ngày chị đến điểm nhận gạo, gọi điện cho người nhận rồi di chuyển bất kể quãng đường xa hay gần để trao tận nơi.

Người nhận gạo là những hộ dân nghèo sống trong những kiệt, hẻm ngoằn nghèo, nhiều hôm chị phải chạy lòng vòng qua nhiều lối nhỏ mới tìm đúng địa chỉ. Cũng có người đăng ký nhưng khi tình nguyện viên gọi điện lại không chịu chỉ nhà. "Đi trao quà tận nơi giúp chúng tôi xác minh được gia cảnh để không trao nhầm người", chị Phượng nói.

Cùng nhóm với chị Phượng, chị Nguyễn Thị Hiền (32 tuổi, quản sinh trường tiểu học Trần Nhân Tông), cho biết gia đình mình thuộc hộ nghèo, hai con bị thiểu năng nhưng "đi trao gạo, gặp những hoàn cảnh khác mới thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người".

Chị Phượng (người đi trước) và chị Hiền len lỏi vào những khu dân cư của xóm ve chai để trao quà cho bà Hiền. Ảnh: Nguyễn Đông.

Chị Hiền kể, trước đây gia đình đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, nên khi dịch bùng phát trở lại, thành phố thực hiện cách ly xã hội khiến nhiều người lao động nghèo khốn khó hơn, chị đã quyết định gửi con cho người thân chăm sóc, còn mình lên đường đi "shipper" gạo.

Danh sách phát gạo một ngày của hai tình nguyện viên Hiền và Phượng là 20 trường hợp, với đủ thành phần từ người lao động nghèo phải thuê ở trọ, người mù, người bệnh ung thư,... ở nhiều nơi khác nhau. Có hôm, đến 20h đêm hai chị em mới xong việc. Cởi bỏ đồ bảo hộ thì áo quần bên trong đã ướt sũng mồ hôi.

Người đứng ra kêu gọi, kết nối các mạnh thường quân trên mạng xã hội, lên danh sách hộ nghèo chuyển cho các tình nguyện viên đi phát gạo là anh Nguyễn Bình Nam (41 tuổi), kỹ sư điện thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung.

Tháng 4 vừa qua, nhóm đã làm hai chương trình nhỏ là phát cơm, gạo miễn phí cho người dân. Đến cuối tháng 7, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, anh Nam kêu gọi bạn bè được hơn 500 triệu đồng mua đồ bảo hộ, khẩu trang, thiết bị y tế gửi vào các bệnh viện đang cách ly, điều trị cho người bệnh ở Đà Nẵng và Quảng Nam.

Khi bệnh viện "đã ổn", nhóm tình nguyện chuyển sang hỗ trợ gạo cho người dân. "Đợt dịch lần này căng thẳng hơn trước rất nhiều. Thành phố phải cách ly thời gian dài thì hũ gạo nhiều người nghèo đã cạn, nên từ ngày 15/8 chúng tôi tiếp tục kêu gọi để có nguồn lực hỗ trợ người dân", anh nói.

Một hộ dân nghèo được nhóm tình nguyện tặng gạo và tiền mặt tận nhà. Ảnh: Nguyễn Đông.

Tiền nhận đến đâu, chi ra mua bao nhiêu phần quà được anh Nam công khai ngay trên trang cá nhân. Biết cả nhóm đang nỗ lực từng ngày để kịp phát quà cho người dân lúc cần kíp, nhiều người trong và ngoài nước cũng chuyển tiền về. Gần 400 triệu đồng nhận được, cả nhóm đã giúp được hơn 600 hộ nghèo.

Gặp nhiều hoàn cảnh quá khó khăn, nhóm quyết định ngoài số gạo 10 kg sẽ tặng thêm từ 300.000 đến 1.000.000 đồng, rồi kêu gọi thêm bạn bè hỗ trợ kinh phí cho họ sửa lại mái nhà vách tôn mục đã mục. Phong bì không ghi tên đội, nhóm làm từ thiện mà là dòng chữ "Cùng thành phố vượt qua bão tố".

Nói về việc tặng gạo tận nhà, anh Nam cho biết toàn thành phố đang cách ly xã hội nếu để người dân ra ngoài, rồi xếp hàng nhận gạo tại một điểm cố định sẽ khó tránh khỏi cảnh tập trung đông người trong mùa dịch. Vì thế, mỗi tình nguyện viên với đồ bảo hộ như một nhân viên y tế làm việc ở vòng ngoài để toả đi các ngõ nhỏ.

Các tình nguyện viên đồng hành cùng anh Nam hầu hết đang đi làm, trong đó nhiều người là doanh nhân, bộ đội, giảng viên đại học, kỹ sư... Do số lượng người nghèo đăng ký ngày một đông, ngoài 50 thành viên của CLB, anh Nam kêu gọi thêm nhiều nhóm từ thiện khác cùng tham gia.

"Đi làm từ thiện lần này, tôi cảm nhận hơn về tinh thần chia sẻ của người dân trong đại dịch. Tôi đã thật sự xúc động khi bắt gặp một người đi xe lăn ngoài đường, nhưng khi nhóm tặng quà thì anh từ chối, bảo mình vẫn ổn nên nhường phần quà đó cho người khác cần hơn", anh Nam kể.

Anh Nam cũng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Bạn thương nhau, hoạt động 10 năm qua với việc quyên góp tiền xây dựng 14 điểm trường vùng cao ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và huyện Tây Trà (Quảng Ngãi); hỗ trợ "bữa cơm có thịt", sữa trong năm học cho nhiều trường miền núi ở Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi...

Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nói nhóm tình nguyện của Nguyễn Bình Nam hỗ trợ cho địa phương nhiều năm nay, lo lắng bữa cơm cho học sinh nghèo, khó khăn; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho những điểm trường thiếu thốn để các em vùng cao có nơi học an toàn.

"Nhóm tình nguyện chỗ anh Nam làm từ thiện rất có tâm, không vì lợi nhuận, danh tiếng. Chúng tôi đã làm việc với nhau nhiều năm qua và không có bất kỳ trở ngại nào", ông Mẫn nói.

Nguyễn Đông

Công viên trước UBND TP HCM mang diện mạo mới

Hàng cây sứ ở Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở UBND thành phố được thay bằng nhiều loại hoa, mai tứ quý... tạo cảnh quan mới cho khu vực.

1 tháng trước

Đề xuất nâng cấp cao tốc qua Ninh Bình lên 4 làn xe hoàn chỉnh

Tỉnh Ninh Bình đề xuất mở rộng đoạn cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 14 km với 4 làn xe hạn chế thành 4 làn hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp.

1 tháng trước

Miền Bắc sẽ mưa lạnh dịp Tết Giáp Thìn

Ngày 27-28 tháng chạp, không khí lạnh sẽ tràn đến miền Bắc, mùng 1 Tết thêm đợt tăng cường khiến trời mưa lạnh, vùng đồng bằng dao động 14-23 độ C.

2 tháng trước

Sửa miễn phí hơn nghìn xe máy cho công nhân về Tết

TP HCMNhiều doanh nghiệp, nhà máy tổ chức sửa xe, thay nhớt, phụ tùng miễn phí để công nhân về Tết an toàn.

2 tháng trước

GS Võ Tòng Xuân: Miền Tây có thể sản xuất 4 vụ lúa một năm

GS Võ Tòng Xuân nêu các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long với lợi thế nước ngọt quanh năm có thể làm 4 vụ lúa, song một số chuyên gia cho rằng tăng vụ ẩn chứa rủi ro.

2 tháng trước

Bến phà Gót ra đảo Cát Bà sẽ dừng hoạt động từ 1/3

UBND TP Hải Phòng vừa thống nhất dừng bến phà Gót chở khách từ đất liền ra đảo Cát Bà từ ngày 1/3 để thực hiện dự án khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế.

2 tháng trước

Khuyến cáo chủ xe đăng kiểm trước hạn

Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo chủ phương tiện tận dụng thời điểm tháng hai và tháng ba đi đăng kiểm sớm trước thời hạn để tránh ùn tắc tại các thành phố lớn.

2 tháng trước

Đà Nẵng khánh thành 3 dự án giao thông gần 2.500 tỷ đồng

Ba dự án giao thông trọng điểm của thành phố đều nằm ở phía Tây, giúp kết nối hệ thống giao thông, cứu hộ cứu nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

2 tháng trước