Sân bay Nội Bài sẽ có 4 đường băng, đón 100 triệu khách

4 năm trước Nguồn: Báo Giao Thông

Tư vấn ADPi (Pháp) đã cơ bản hoàn thành báo cáo cuối kỳ về quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sau nhiều nghiên cứu, bàn thảo kỹ lưỡng.

Công suất thiết kế hiện tại chỉ 25 triệu khách/năm, song năm 2019, sân bay Nội Bài đã đón tới 29 triệu lượt hành khách

Đón tàu bay lớn, hiện đại bậc nhất

Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng vừa có báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT về việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Theo đó, tư vấn ADPi (Pháp) đã cơ bản hoàn thành báo cáo cuối kỳ về quy hoạch cảng hàng không quan trọng bậc nhất cả nước này.

Cụ thể, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được quy hoạch là sân bay dùng chung dân dụng - quân sự, đạt cấp 4F theo quy định của ICAO, có thể khai thác các loại tàu bay lớn nhất hiện tại như B777-X, B747-8, B777-300ER và A380. Đến năm 2030, sân bay Nội Bài có thể đạt công suất 63 triệu khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa/năm. Con số này sẽ tăng lên 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa vào năm 2050.

Đáng chú ý, giai đoạn đến năm 2030, Nội Bài sẽ có 3 đường cất/hạ cánh (CHC), trong đó giữ nguyên 2 đường CHC hiện hữu phía Bắc và xây mới 1 đường CHC mới phía Nam, cách đường CHC 1B hiện hữu là 2.200m.

Trong giai đoạn này, Nội Bài sẽ có 3 nhà ga hành khách, trong đó nhà ga T2 hiện hữu sẽ tiếp tục được mở rộng để đạt công suất chung giữa T1+T2 là 30 - 40 triệu khách/năm. Nhà ga T3 được xây mới ở phía Nam đạt công suất khoảng 30 triệu khách/năm.

Đến năm 2050, một trong hai sân bay lớn nhất cả nước này sẽ có 4 đường CHK (tạo thành cặp đường CHC). Đường CHC thứ 4 sẽ được xây mới ở phía Nam. Trong giai đoạn này, Nội Bài sẽ có 4 nhà ga hành khách. Cụ thể, sẽ tiếp tục xây mới nhà ga hành khách T4 công suất 25 triệu khách/năm tại vị trí nhà ga T1 hiện hữu và xây mới nhà ga T5 đạt công suất khoảng 25 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu.

Về quy hoạch sử dụng đất, nguyên tắc được tư vấn tuân thủ chặt chẽ là đảm bảo hạn chế mở rộng và điều chỉnh phạm vi quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội (diện tích khoảng 2.230ha); Đảm bảo đủ quỹ đất cho quốc phòng.

“Với Nội Bài, quan trọng nhất là việc ảnh hưởng đến khu dân cư như thế nào, thu hồi đất ra sao. Những phương án đòi hỏi phải thu hồi đất rất lớn hoặc ảnh hưởng quá nhiều đến đất quốc phòng sẽ không phải là phương án lựa chọn”, đại diện ADPi khẳng định.

Chỉ 2.200ha vẫn giải được bài toán 100 triệu khách

Phó tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV), kiêm Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Nguyễn Đức Hùng cho hay, từ năm 2015 đến nay, sản lượng hành khách, hàng hóa và tàu bay CHC thông qua Nội Bài tăng rất nhanh, trung bình trên 10%/năm, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng cảng. “Công suất thiết kế hiện tại chỉ là 25 triệu khách/năm (nhà ga T1 + sảnh E là 15 triệu, nhà ga quốc tế T2 10 triệu), tuy nhiên, năm 2018, chúng tôi đã đón gần 26 triệu lượt khách, năm 2019 đón khoảng 29 triệu lượt”, ông Hùng nói.

Thông tin thêm, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho hay, hiện dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài đã được khởi động để nâng công suất nhà ga này thêm 5 triệu khách, song cũng chỉ đưa tổng công suất của Nội Bài lên được 30 triệu khách/năm.

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không cho rằng, sân bay Nội Bài không chỉ có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội với riêng Thủ đô Hà Nội mà còn có sức lan tỏa rất lớn trong phạm vi 50 - 100km. Do đó, việc đặt vấn đề đảm bảo đón 100 triệu khách là vấn đề hết sức cần thiết.

“Chọn một vị trí cho một sân bay tương ứng có thể thay thế sân bay Nội Bài là cực kỳ khó khăn trong vùng đô thị hiện nay. Do đó, việc quy hoạch sân bay này phải đạt công suất 80 - 100 triệu khách như yêu cầu của Chính phủ hoàn toàn chính xác cả về lý thuyết và thực tiễn”, vị chuyên gia nói và cho biết, ít nhất đã có 11 phương án được nghiên cứu. Mỗi phương án đều có ưu nhược điểm. Phương án cuối cùng mà Tư vấn đưa ra là phương án dung hòa nhất, đảm bảo phát triển bền vững cho mục tiêu 100 triệu khách. Điểm cộng nữa của phương án cuối cùng này là hiệu quả sử dụng đất.

“Với quỹ đất chỉ 2.200ha mà giải được bài toán 100 triệu khách là rất tuyệt vời. Ta không thể có đất rộng như châu Âu, châu Mỹ hay một số quốc gia khác như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia… để làm một sân bay lớn hơn”, chuyên gia cho hay.

Cũng theo vị này, giao thông kết nối sân bay Nội Bài sau khi được mở rộng cũng hết sức thuận tiện. Sân bay sẽ nằm ở trung tâm kết nối các tuyến đường. Từ Nội Bài có thể đi cao tốc lên Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh… “Nếu có điều gì còn suy nghĩ thì chính là GPMB. Rõ ràng đó là bài toán rất khó. Tuy nhiên, giả sử chúng ta không lựa chọn phương án này mà chọn phương án khác thì vẫn phải đụng tới GPMB. Đây là vấn đề gai góc nhưng chúng ta phải chấp nhận trong điều kiện dung hòa các mục tiêu, trong đó có chi phí”, chuyên gia nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến GPMB, theo Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh, GPMB để nâng cấp, mở rộng sân bay Nội Bài khó hơn GPMB ở Long Thành rất nhiều. Mật độ dân số ở Long Thành không là gì so với mật độ dân số ở phía Nam Nội Bài. Chưa kể, ở Nội Bài có rất nhiều làng cổ với các di tích đình chùa, miếu mạo.

Được biết, hiện vẫn chưa có số liệu cuối cùng về GPMB. Tư vấn APDi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chốt lại các con số.

ADPi là công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay của Pháp thuộc Aéroports de Paris Group (ADP). Công ty này quản lý và thiết kế các công trình phức hợp sân bay như nhà ga hành khách, tháp điều khiển, nhà ga để máy bay: Hangar, trung tâm bảo dưỡng máy bay... tại các sân bay ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Seoul, Dubai, Jeddah... Đây cũng chính là doanh nghiệp được Cục Hàng không VN ký hợp đồng thuê rà soát, nghiên cứu quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất và đưa ra các ý tưởng quy hoạch có tính khả thi.

 

Hoàn thành nạo vét khu bến Lạch Huyện, sẵn sàng đón tàu lớn

Độ sâu luồng và khu nước trước bến cảng Lạch Huyện hiện tại đáp ứng cho việc tiếp nhận tàu có trọng tải đến 145.000 DWT vào rời bến cảng.

1 năm trước

Vì sao hai liên danh không trúng gói thầu 35.000 tỷ sân bay Long Thành?

Ngoài công bố đơn vị trúng thầu, ACV cũng thông tin về hai liên danh nhà thầu trượt gói thầu gần 35.000 tỷ đồng nhà ga sân bay Long Thành.

1 năm trước

Chuyện “gõ cửa từng nhà” để dân nhường đất làm sân bay Long Thành

Cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống huyện, xã, ấp tại Đồng Nai đã cùng gõ cửa từng nhà, vận động người dân sớm di dời, nhường đất phục vụ dự án.

1 năm trước

Hơn 410 nghìn khách qua sân bay Nội Bài 4 ngày nghỉ lễ 2/9

Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, sân bay Nội Bài dự kiến sẽ đón 410 nghìn lượt khách.

1 năm trước

Xây dựng phương án chạy chung tàu đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia

Bộ GTVT yêu cầu tư vấn lập quy hoạch xây dựng phương án chạy tàu chung đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia khu vực Hà Nội.

1 năm trước

Vietur chính thức trúng gói thầu 5.10 sân bay Long Thành gần 35.000 tỷ

Sau thời gian chấm thầu, đến nay gói thầu 5.10 sân bay Long Thành gần 35.000 tỷ chính thức về tay liên danh nhà thầu Vietur.

1 năm trước

Thu không đủ chi, nhiều trung tâm đăng kiểm nguy cơ đóng cửa

Lượng xe đăng kiểm sụt giảm nghiêm trọng, trong khi giá dịch vụ kiểm định đã không đổi 10 năm qua khiến nhiều trung tâm đăng kiểm lao đao.

1 năm trước

Người dân thích thú trải nghiệm xe đạp công cộng ở Hà Nội

Ở các điểm cho thuê xe đạp công cộng trong ngày đầu Hà Nội tổ chức thí điểm đã thu hút đông người dân biết tới và sử dụng.

1 năm trước