Việt Nam sẽ kiên trì chiến lược chống dịch đã vạch ra, "không lung lay, thay đổi mà phải làm tốt hơn, cập nhật theo tình hình", theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tại phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 ngày 10/5, Phó thủ tướng đề cập đến việc một số nơi, một số địa phương nói về thay đổi chiến lược, nhưng đó chỉ là cách diễn đạt khác nhau, còn "chiến lược và nguyên tắc của chúng ta hoàn toàn không có gì thay đổi". Đó là "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị".
Đầu tiên, các cơ quan chức năng phải ngăn chặn, kiểm soát biên giới, cũng như người tại trung tâm cách ly tập trung hoặc đang trong thời gian theo dõi, giám sát y tế, không để cho lây nhiễm vào cộng đồng. "Chúng tôi đã chỉ đạo rất cụ thể, bây giờ phải thực hiện thật nghiêm", ông Đam nói.
Để phát hiện nhanh nhất các ca bệnh, Phó thủ tướng cho rằng phải có khám, sàng lọc, không chỉ theo dấu các F1, F2, F3 mà cần sàng lọc định kỳ, sử dụng các biện pháp xét nghiệm khác nhau ở những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, các chỗ tập trung đông người.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP
Về khoanh vùng, dập dịch, ông nhắc lại tinh thần từ trước đến nay, khi có ca nghi ngờ thì triển khai khoanh vùng và "vì mục tiêu kép", phải khoanh gọn nhất có thể; triển khai ngay các biện pháp sàng lọc, điều tra dịch tễ cần thiết để xác định đúng điểm cần khoanh vùng.
"Chúng ta khoanh gọn mà chặt, mà nghiêm thì mới tốt chứ rộng mà có lỗ hổng thì không hiệu quả", ông Đam nói.
Về ý kiến cho rằng thay vì "truy đuổi dịch", phải chăng chiến lược mới là ngăn chặn, Phó thủ tướng nêu rõ khoanh vùng chính là ngăn chặn, đó chỉ là cách diễn đạt khác. Ông đặc biệt lưu ý trước khi thực hiện khoanh vùng cũng có nhiều biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Từ thực tiễn các chùm ca bệnh ở TP Đà Nẵng, tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy nCoV lây lan rất nhanh trong phòng kín như các quán bar, quán karaoke, massage,... Vì vậy, ngay trước khi quyết định cách ly, khoanh vùng, các địa phương nên xem xét tạm dừng hoặc kiểm soát chặt hơn những hoạt động dịch vụ, kinh doanh này.
Phó thủ tướng đề nghị tất cả các tỉnh khi có dịch thì rất bình tĩnh, đưa ra các giải pháp thực sự cần thiết, không làm xáo trộn và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, hoạt động kinh tế hơn mức cần thiết. "Còn khi chưa có dịch thì không được lơ là, chủ quan bởi người mang mầm bệnh đã có trong cộng đồng, trong điều kiện giao thông thuận lợi bất kỳ chỗ nào cũng có thể bùng phát dịch", ông nói.
Theo ông, "đến giờ phút này Việt Nam vẫn đang chống dịch rất tốt bằng những biện pháp của Việt Nam".
4 nguồn lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam. Đồ họa: Tiến Thành.
Tại cuộc họp, các chuyên gia phân tích Việt Nam đang có 4 nguồn dịch. Nguồn thứ nhất từ TP Đà Nẵng, gồm ca bệnh từ khu cách ly tập trung về tỉnh Hà Nam; từ quán bar và cơ sở thẩm mỹ lan ra nhiều tỉnh. Bộ Y tế cho biết đến nay các địa phương đã truy vết được hết F1. Dự kiến khi có kết quả xét nghiệm F1, có thể có ca nhiễm mới, nhưng không nhiều, nghĩa là "cơ bản chúng ta kiểm soát được".
Nguồn thứ hai từ Yên Bái, qua các chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc, lan xuống Vĩnh Phúc và một số tỉnh. Các địa phương đã lấy tất cả mẫu F1, nhiều mẫu F2, đang xét nghiệm. Dự kiến những ngày tới sẽ có thêm ca bệnh từ nguồn dịch này, nhưng "đến giờ phút này cũng đã kiểm soát được".
Nguồn thứ ba từ Hải Dương, liên quan đến một người ở Lào về, lây cho hai người nữa. Nguồn lây này đang được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ.
Nguồn thứ tư, từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh, Hà Nội), lan ra nhiều tỉnh. Nguồn bệnh từ đây cũng lây sang Bệnh viện K, sau đó tiếp tục lan ra nhiều địa phương nữa. Thông tin từ cuộc họp Ban chỉ đạo "đến giờ phút này, chùm ca bệnh thông qua Bệnh viện K đã cơ bản được kiểm soát"; các địa phương đang truy vết, lấy mẫu, khoanh vùng rất nhanh, dự kiến 3-5 ngày tới có thể kiểm soát được tình hình.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý ngoài 4 nguồn dịch nêu trên, có thể còn nguồn dịch trong cộng đồng chưa được phát hiện.
Ngoài ra, theo Phó thủ tướng, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế tìm kiếm, đàm phán mua để có nguồn vaccine sớm nhất, nhiều nhất để tiêm cho người dân, tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nguồn vaccine rất khan hiếm từ giờ đến cuối năm 2021 chúng ta chưa thể có vaccine tiêm đại trà, do vậy chưa thể có tác động của vaccine vào miễn dịch cộng đồng một cách đáng kể. Cả nước cần tiếp tục tinh thần chống dịch như khi chưa có vaccine, "theo những nguyên lý rất đúng từ đầu đến bây giờ".
"Đeo khẩu trang bao giờ cũng khó chịu nhưng phải đeo. Tôi tham gia tiêm thử nghiệm vaccine, tham gia xét nghiệm kháng thể rất tốt, nên không cần phải đeo khẩu trang, nhưng tôi vẫn đeo để mọi người thấy sự cần thiết của việc này", ông Đam nói.
Đến chiều 10/5, Việt Nam ghi nhận 442 ca Covid-19 ở 26 tỉnh, thành.
Chiều 11/2, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập 22 tổ chức đảng trực thuộc và công tác nhân sự.
Năm 2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ kiểm toán thu chi tài chính công đoàn cấp trên các khu công nghiệp, chế xuất, trọng tâm Hà Nội và TP HCM.
Đợt không khí lạnh cường độ không quá mạnh sẽ tràn xuống miền Bắc trong đêm nay và ngày mai, vùng núi cao có nơi rét đậm, Hà Nội thấp nhất xuống 16 độ C.
Long AnNgười dân không được tạt nước, ném bột mì, hột vịt thối... tại Lễ hội Làm Chay đang diễn ra ở huyện Châu Thành để bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người đi đường.