Người dân miền núi Bình Thuận phát triển đàn heo cỏ bản địa, còn gọi là heo đen, cung cấp cho thị trường trong dịp Tết.
Gia đình anh Nguyễn Quốc Duy ở xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) đang nuôi đàn heo đen trong vườn nhà rộng gần một sào. Ngoài con đực và heo mẹ nuôi 6 con nhỏ, trong đàn còn có 6 con nái chuẩn bị đẻ lứa đầu (trung bình mỗi nái sinh 6-8 con). Anh Duy bỏ vốn khoảng 15 triệu mua 8 con giống đầu năm nay, nay tổng đàn lên hơn 40 con.
Theo anh Duy, heo đen dễ nuôi. Chúng được thả rông tìm thức ăn. Khu vườn nhà rộng sẵn cây cỏ, rau dại mọc tự nhiên, đàn heo tự ủi kiếm ăn. Khi rảnh rỗi, anh đi chặt thêm chuối rừng thả vào bổ sung thức ăn cho chúng. Ngoài ra, anh Duy còn tận dụng cơm thừa, hèm nấu rượu cho đàn heo.
Trước đây, gia đình anh Duy chủ yếu mưu sinh bám vào nghề đi rừng (bắt tắc kè, hái chuối rừng, lấy mật ong...). Thấy cuộc sống bấp bênh, anh quyết định chuyển qua nghề nấu rượu và nuôi heo đen. Mới nuôi nhưng thấy đàn heo phát triển nhanh, anh dự tính để lại thêm nhiều con nái phát triển đàn.
"Tết năm nay tôi dự kiến bán 8 con lấy lại chi phí đầu tư giống và công chăm sóc, số còn lại tiếp tục nhân đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi", anh Duy nói.
Anh Mang Hùng ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc cũng nuôi chục con heo đen gốc địa phương. Hiện mỗi con đạt 20-30 kg, kịp để gia đình bán dịp Tết tới. Trong rẫy điều rộng hơn một ha giáp bìa rừng, đàn heo được thả đi ăn tự do. Chúng ủi đất ăn giun dế, côn trùng, cây cỏ. Thỉnh thoảng anh xin những phụ phẩm thừa như bí đỏ, vỏ dưa, xơ mít... về băm ra cho đàn heo ăn dặm.
Theo anh Hùng, giống heo này được người dân vùng cao nuôi từ xa xưa. Giống heo này nhỏ con, da mỏng màu đen, lông thưa, mỏm dài, xương nhỏ, bụng xệ... Con trưởng thành nặng 35-50 kg. Heo rất dễ nuôi, thích ứng môi trường tự nhiên, ít tốn chi phí thức ăn và công chăm sóc hơn so với heo trắng.
Với giá thịt 120.000-150.000 đồng một kg, trừ chi phí đầu tư, mỗi con trưởng thành sẽ cho lãi khoảng 4-4,5 triệu đồng. "Nuôi chơi thôi, nhưng đàn heo của gia đình mang về vài chục triệu mỗi năm", anh Hùng chia sẻ.
Đợt này, anh Hùng dự định để lại 2 nái và một con đực làm giống sinh sản cho năm sau, còn lại sẽ xuất bán hết trong dịp Tết sắp đến. "Chưa đến Tết mà đã có người ở Phan Thiết và Ma Lâm gọi điện lên dặn trước. Đặc sản heo đen không bao giờ sợ ế hàng", anh Hùng nói.
Bà Huỳnh Thị Sáu, thương lái chuyên mua heo đen bán về xuôi cho biết, mỗi dịp Tết, thịt heo đen bán rất chạy. Bởi giống heo này da mỏng, ít mỡ, chăn nuôi bằng thức ăn tự nhiên không hóa chất, chất lượng thịt thơm ngon.
Trước đây ở vùng cao từ huyện Tánh Linh qua Hàm Thuận Bắc đến Bắc Bình, bà con dân tộc K’ho và Raglai nuôi heo đen rất nhiều, gần như nhà nào cũng nuôi 1-2 cặp trở lên, để giết thịt dùng trong các dịp lễ cúng hoặc bán về đồng bằng.
Đợt dịch heo tai xanh năm 2019, heo đen ở vùng cao chết nhiều. Điều này khiến thịt heo đen trong năm 2020 ở Bình Thuận cũng như vùng phụ cận trở nên khan hiếm. Năm nay, nhiều hộ dân đã ổn định lại nghề nuôi heo đen. Có nhà nuôi một cặp, có nhà đến hơn chục con.
"Hiện, thịt heo đen thị trường có giá 120.000 một kg, dịp Tết lên đến 150.000 đồng một kg. Dù giá cao, năm nào các mối hàng cũng gọi đặt trước vì sợ hết", bà Sáu cho hay.
Theo phong tục địa phương, ăn thịt heo đen miền núi trong ngày Tết sẽ mang lại may mắn. Ngoài ra, thịt heo đen ngon hơn và chất lượng hơn nhiều so với thịt heo thông thường nên được thị trường ưa chuộng.
Tuyến cao tốc dài 99 km nối Bình Thuận - Đồng Nai chuẩn bị được xây trạm dừng chân, tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng, giúp người đi đường có nơi nghỉ ngơi, vệ sinh.
Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế, được tiếp nhận các chuyến bay quốc tế, tư nhân và máy bay quân sự từ 22/6.
Hà TĩnhHai nữ công nhân đang trải bạt để đổ cát thi công cầu Ba Nái trên cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi thì đất đá trên đường sạt xuống khiến một người chết.
Doanh nghiệp đề xuất dùng ôtô điện đưa đón học sinh tại thành phố, áp dụng giải pháp giám sát hành trình, vị trí xe theo thời gian thực để đảm bảo an toàn.