Được ca ngợi như người hùng chống Covid-19, nhưng bác sĩ, y tá và nhân viên tuyến đầu đã bị người dân hoảng loạn tấn công.
Báo cáo về các vụ tấn công và ngược đãi xảy ra trên khắp Ấn Độ và càng gia tăng sau khi chính phủ hôm 24/3 áp lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày. Trong ít nhất một trường hợp, cảnh sát bị cáo buộc đánh nhân viên giao hàng đang vận chuyển thuốc.
Sanjibani Panigrahi, một bác sĩ ở thành phố phía tây Surat, nói rằng cô bị bao vây khi trở về nhà sau một ngày làm việc tại bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Hàng xóm chặn cô ở lối vào khu căn hộ và đe dọa "hậu quả" nếu cô tiếp tục làm việc.
"Đây là những người từng trò chuyện vui vẻ với tôi. Bất cứ khi nào họ gặp vấn đề, tôi đều giúp đỡ", nữ bác sĩ 36 tuổi cho biết. "Có một cảm giác sợ hãi giữa mọi người. Tôi hiểu. Nhưng dường như tôi đột nhiên trở thành một tiện dân bị coi khinh".
Các bác sĩ tại Viện Khoa học Y khoa Ấn Độ tuần này gửi thư cho chính phủ đề nghị giúp đỡ sau khi nhân viên y tế bị chủ nhà đuổi đi. "Nhiều bác sĩ trên khắp đất nước bị tống ra đường với toàn bộ hành lý, không có nơi nào để đi", bức thư cho hay.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng việc ngược đãi các nhân viên y tế đã trở thành "vấn đề rất lớn" và kêu gọi người dân ngừng coi nhân viên y tế là những người hạ đẳng. Ông Modi mô tả những nhân viên tuyến đầu chống Covid-19 "giống như thần". "Hôm nay họ là những người đang cứu chúng ta khỏi cái chết, đặt mạng sống của họ vào nguy hiểm", Thủ tướng Ấn Độ nói.
Nhân viên y tế, quan chức và cảnh sát bàn kế hoạch sơ tán và nhập viện an toàn cho một người nghi nhiễm nCoV bên ngoài khách sạn ở bang Karnataka, miền nam Ấn Độ hôm 25/3. Ảnh: AFP.
Nhân viên y tế không phải những người duy nhất phải đối mặt với những người dân đang hoảng loạn trong một môi trường mà thông tin sai lệch và tin đồn đang tràn lan. Nhân viên hàng không và sân bay, những người vẫn đang kêu gọi sơ tán người Ấn Độ bị mắc kẹt ở nước ngoài và quản lý việc giao những mặt hàng quan trọng, cũng bị đe dọa.
Hai hãng hàng không Indigo và Air India đã lên án các mối đe dọa đối với nhân viên của họ. Một tiếp viên hàng không của Air India nói rằng hàng xóm dọa sẽ đuổi cô khỏi căn hộ khi cô đang trên đường tới Mỹ, nói rằng cô sẽ "lây nhiễm cho mọi người".
"Tôi không thể ngủ đêm đó," cô nói, nhưng không dám tiết lộ tên của mình vì sợ bị kỳ thị hơn nữa. "Tôi sợ rằng ngay cả khi về nhà, ai đó sẽ mở cửa hoặc gọi mọi người đuổi tôi ra?". Chồng cô sau đó phải nhờ cảnh sát giúp đỡ để giải quyết sự việc.
Những người khác không may mắn như vậy. Một đồng nghiệp của cô bị buộc rời khỏi nhà và hiện sống cùng bố mẹ. "Với tất cả các tin tức giả mạo, họ không biết chuyện gì đang xảy ra. Sự hoang tưởng khiến họ hành xử như vậy", cô nói.
T. Praveen Keerthi, tổng thư ký Hiệp hội Phi công Thương mại Ấn Độ (IPCA), nói rằng họ đã nhận được hơn 50 đơn khiếu nại từ các phi hành đoàn. "Nhân viên hàng không bị bảo vệ chặn không cho vào khu dân cư của họ", Keerthi nói. "Chúng tôi phải để lại gia đình và con cái để đi giúp đỡ người dân. Điều tối thiểu chúng tôi mong đợi là các đồng nghiệp không bị quấy rối và tẩy chay".
Các nhân viên sân bay phụ trách việc vận chuyển nhu yếu phẩm cũng phải đối mặt với các vụ tấn công khi nhân viên giao hàng vận chuyển thuốc và hàng tạp hóa.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Flipkart tạm thời ngừng dịch vụ trong tuần này. Tập đoàn thuộc sở hữu của Walmart cho biết họ chỉ tiếp tục giao hàng tại nhà sau khi cảnh sát đảm bảo "sự thông qua an toàn và suôn sẻ cho chuỗi cung ứng của chúng tôi".
Covid-19 đã xuất hiện tại 199 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 532.000 người nhiễm bệnh và hơn 24.000 người tử vong. Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 700 ca nhiễm, trong đó 20 trường hợp đã tử vong. Ngoài việc phong tỏa 1,3 tỷ dân, Ấn Độ cũng cấp khoản ngân sách 150 tỷ rupee (gần 2 tỷ USD) để hỗ trợ xét nghiệm nCoV, cung cấp giường cách ly, máy thở và các vật tư thiết yếu khác.
Quyền lực Hộ chiếu màu xanh lá trong mùa Covid 19
Mỹ có số người nhiễm Covid-19 vượt Trung Quốc, trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới