Trở lại Hà Nội sau 5 năm xa gia đình đi làm ăn, anh Phạm Quang Đức, nhà sáng lập sàn thương mại điện tử dành cho máy công nghiệp Hanoma, thêm một lần khiến vợ bất an với quyết định "cắm" nhà khởi nghiệp ở tuổi tứ tuần.
- Tốt nghiệp Đại học Thương mại chuyên ngành quản trị, vì sao anh lại chọn đi theo con đường gắn bó với máy móc công nghiệp?
Tôi theo nghề này cũng có phần liên quan đến truyền thống gia đình. Mẹ tôi là thợ sửa chữa máy móc nên tôi theo nghề này từ lúc mới học cấp 3. Khi theo học ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Thương mại, tôi vẫn tiếp tục làm thêm nghề này. Hồi đó, tôi đi sửa chữa ô tô cho các gara tại Hà Nội.
Cuối cùng, sau khi tốt nghiệp, tôi cứ thế gắn bó với nghề này bởi nó dễ kiếm tiền và dễ có việc làm hơn đi xin việc đúng với chuyên ngành mà tôi đã học. Tôi tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá nhưng ngành quản trị kinh doanh lúc đó rất khó tìm được việc đúng chuyên môn. Có lẽ, đó cũng là cái duyên khiến tôi trở thành thợ sửa chữa và đi theo con đường gắn với máy móc này.
- Tại sao có năng khiếu và đam mê với máy móc như vậy mà anh không chọn thi vào một trường về kỹ thuật mà lại chọn đi học quản trị kinh doanh?
Có lẽ là vì một chữ oai (cười). Khi đó, mọi người đều quan niệm rằng làm nghề sửa chữa máy móc chỉ là thợ, còn đi học đại học thì là thầy. Đi học đại học sẽ có level cao hơn so với đi làm nghề.
Tuy nhiên, như tôi đã chia sẻ, những năm 2000, xin việc sau khi tốt nghiệp đại học rất khó. Thậm chí, muốn xin được việc phải có hộ khẩu Hà Nội. Trong khi đó, về quê thì khả năng tìm được việc đúng chuyên ngành còn khó hơn. Loay hoay xin việc mãi không được, tôi quyết định quay về làm thợ và gắn bó với nghề này từ đó.
Tôi làm thợ đến năm 2005 thì đi kinh doanh máy móc. Năm 2012, lượng khách hàng của mình chủ yếu ở Quảng Ninh. Anh em rủ tôi xuống đất mỏ để làm bốc xúc, vận tải. Nghe hấp dẫn nên tôi quyết định nghỉ kinh doanh để bắt tay vào một lĩnh vực mới.
- Gắn bó với vùng đất mỏ Quảng Ninh trong suốt 5 năm, Hanoma có phải là lý do đưa anh trở lại Hà Nội?
Đó cũng là một trong những lý do đưa mình quay lại Hà Nội để làm việc. Một phần khác là vì gia đình. Đi xa lâu, mọi trọng trách ở nhà đều dồn lên vai vợ thành ra cô ấy cũng quá tải. Năm 2017, tôi quyết định trở lại Hà Nội để có thể gần gia đình, vợ con.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn tiếp cận cái nghề của mình theo một góc độ khác. Tôi không còn đi buôn máy móc thiết bị, không còn sử dụng máy móc mà tạo một sân chơi để những người có nhu cầu trong lĩnh vực này có thể tìm được tới nhau một cách dễ dàng, giúp hoạt động trong ngành này vượt qua được những rào cản cố hữu như khó tìm phụ tùng, thiết bị tốt hay nguồn nhân lực.
- Anh nảy ra ý tưởng làm sàn thương mại điện tử chuyên phục vụ mặt hàng máy xúc, máy công nghiệp từ bao giờ?
Ý tưởng nảy sinh trong những năm tháng tôi làm bốc xúc, vận tải trên mỏ than. Ở Quảng Ninh, tôi có hoạt động kinh doanh chủ yếu với xe vận tải, máy xúc máy ủi. Tôi cũng nhận các hợp đồng bốc xúc, vận tải cho các mỏ than ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, mỗi lần đi mua máy móc, thiết bị phụ tùng đều là những hành trình khá khó khăn.
Có khi, tôi phải tìm mấy ngày trời mới thấy được một cái máy như ý. Thậm chí, đôi khi chỉ tìm phụ tùng thay thế cũng rất khó. Nếu các mối quen hết hàng, tìm được thiết bị thay thế là công việc rất khó khăn và tốn thời gian. Từ nhu cầu của chính bản thân mình, tôi muốn có một nơi tập trung các loại máy móc, thiết bị và phụ tùng để những người như mình có thể tìm kiếm dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong ngành này cũng rất khó tuyển. Khi còn làm ở Quảng Ninh, dù chỉ có 30 đầu xe vận tải nhưng tôi thường xuyên lâm vào tình trạng thiếu tài xế. Nguồn nhân lực biến động liên tục, không có chỗ để tìm kiếm nguồn nhân lực thay thế là rào cản lớn. Chúng tôi khắc phục vấn đề bằng cách nhờ các lái xe cũ giới thiệu giúp nhưng không phải lúc nào cách thức này cũng phát huy hiệu quả.
Đó cũng là lý do tôi muốn làm sao tất cả về nhân lực ngành này, từ lái xe, lái máy tới thợ sửa chữa có thể được tìm thấy dễ dàng hơn. Bên cạnh máy móc, thiết bị, Hanoma cũng được thiết kế để tập hợp nguồn nhân lực trong ngành này, giúp nhà tuyển dụng và người tìm việc có thể gặp nhau một cách dễ dàng hơn.
- Làm sàn thương mại điện tử dành cho loại sản phẩm đặc thù, anh nghĩ mình có những lợi thế gì ?
Trong ngành này, chúng tôi đang có những nhân sự rất giàu kinh nghiệm, am hiểu rõ nhu cầu của cả người mua và người bán. Bên cạnh đó, tôi cũng có đội ngũ công nghệ thông tin rất giỏi, nhiệt tình và tâm huyết. Họ có thể xử lý được hết tất cả những vấn đề công nghệ trong việc xây dựng sàn thương mại điện tử chuyên biệt này. Gộp hai điều này lại, tôi nghĩ mình có một bộ máy tốt để có thể hiện thực hóa mục tiêu.
- Tuy nhiên, khi bước chân vào một lĩnh vực chưa từng có người làm ở Việt Nam, những bài toán khó mà chưa từng được giải quyết ở Việt Nam được anh và đội ngũ nhân sự đã làm thế nào?
Ra đời để phục vụ những mặt hàng chuyên biệt nhưng về bản chất, Hanoma cũng giống như các sàn thương mại điện tử khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, kiến thức chuyên ngành đòi hỏi những vấn đề hơi khác nên thành ra không nhiều người làm.
Bên cạnh đó, tư duy kinh doanh trong ngành này cũng khác. Giới kinh doanh không tiếp cận công nghệ nhanh như các lĩnh vực ô tô hay bất động sản. Thời gian qua, sự bùng nổ của kinh doanh online cũng phần nào khiến giới này quan tâm đến việc kinh doanh trực tuyến. Đó cũng là một phần thuận lợi của chúng tôi.
Nếu một thời gian trước, nói kinh doanh máy công nghiệp trên mạng là điều nhiều người không thể tưởng tượng tới. Với phần nhiều người Việt Nam, việc mua sắm online vẫn thường gắn liền với các sản phẩm giá trị thấp hoặc những mặt hàng tiêu dùng, có thể thanh toán và nhận hàng một cách nhanh gọn. Trong khi đó, mỗi chiếc máy công nghiệp thường có giá bằng cả một gia tài.
- Như anh từng chia sẻ, giới kinh doanh trong lĩnh vực này đều là những người có nền tảng tài chính vững mạnh. Tuy nhiên, cùng với đó là những người độ tuổi khá cao, tuổi trung niên, nên việc thay đổi khả năng công nghệ cũng như tư duy của họ là rất khó. Hanoma giải bài toán này bằng cách nào?
Chúng tôi phải đi từng bước một. Thứ nhất, đứng về phía góc độ thói quen người mua hàng. Bây giờ, công nghệ thay đổi hàng ngày và người dùng cũng vậy. Người ta có thể tìm kiếm thông tin về bất cứ thứ gì trên mạng. Việc tìm hiểu thông tin trước trên môi trường Internet sẽ dần dần thay đổi thói quen của cả người mua và người bán..
Với người bán hàng, họ buộc phải thay đổi để có thể tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Họ buộc phải thay đổi để không bị bỏ lại phía sau bởi những người biết tận dụng Internet trước sẽ có ưu thế hơn người đi sau.
Nắm bắt xu thế này, chúng tôi sẽ tập trung các giải pháp để đẩy nhanh quá trình này. Chúng tôi chủ động tìm kiếm nhà bán hàng, giúp đỡ họ chuyển dành việc kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online, hỗ trợ marketing, thiết kế trang web, chụp ảnh… để khách hàng có thể tìm thấy họ dễ dàng hơn trên Hanoma.
Song song với đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh quảng bá nền tảng của chính mình để người dùng biết tới nhiều hơn. Có cầu thì sẽ có cung, tôi tin giải pháp song song này sẽ dần dần thay đổi những thói quen cố hữu của những người hoạt động trong lĩnh vực này.
- Vấn nạn hàng kém chất lượng luôn là bài toán khó đối với các sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, mỗi chiếc máy xúc hay máy công nghiệp thường có giá bằng cả gia tài. Hanoma.vn làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này trên trang thương mại điện tử của mình?
Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành các bước xác thực thông tin người bán để đảm bảo người tiêu dùng không gặp phải những nhà cung cấp ảo. Tuy nhiên, về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng sẽ buộc phải tự kiểm tra vì đây là những sản phẩm có giá trị rất lớn. Ngoài ra, giá cả cũng do người mua và người bán trực tiếp quyết định.
Hiện tại, Hanoma sẽ chỉ là cầu nối trung gian về thông tin. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tới thành lập các đơn vị thẩm định giá, chất lượng để đóng vai trò trung gia trong các hoạt động mua bán của người dùng. Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia lành nghề, có kiến thức với từng loại sản phẩm để đánh giá, thẩm định trước khi đưa lên sàn để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên.
Với 20 năm kinh nghiệm trong ngành, tôi nghĩ bước đi này không quá khó để thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Nếu thị trường có nhu cầu, chúng tôi có thể đáp ứng dễ dàng. Tuy nhiên, người mua hiện nay vẫn muốn giữ tâm lý chủ động, trực tiếp đến xem xét rồi mới quyết định có mua hay không.
- Khi thực hiện vai trò cầu nối như thế này, Hanoma có sợ mình sẽ bị gạt ra ngoài trong mối quan hệ giữa nhà bán hàng và khách hàng khi họ có thể trực tiếp trao đổi với nhau?
Ngược lại, đây là điều rất tốt vì bản thân mình là cung cấp thông tin cho người mua người bán. Nếu khách hàng có những mối mà họ yên tâm tuyệt đối thì mình hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong một công trình xây dựng, người ta cần rất nhiều thứ không mua đi mua lại chỉ một mặt hàng. Nhu cầu với vật tư thay thế cũng rất nhiều.
- Vậy nguồn thu của Hanoma tới từ đâu?
Hiện tại, chúng tôi đang cung cấp dịch vụ hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng tôi sẽ thu phí nhà bán hàng chứ không thu phí từ các giao dịch.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 8 tháng đầu 2019 đạt 23,98 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ, đứng thứ 2 trong số các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam. Năm 2018, nhóm mặt hàng này có trị giá nhập khẩu 33,73 tỷ USD.
Đây là một cơ hội lớn. Trong vòng chục năm trở lại đây, năm nào nhóm mặt hàng này cũng có giá trị nhập khẩu lên tới trên 30 tỷ USD. Đây là thị trường lớn cùng với nhu cầu rất cao từ người mua và người bán. Chính vì thế đấy là cơ hội để Hanoma tạo ra một sân chơi sôi động.
Tuy nhiên, nếu mình không làm nhanh thì các công ty nước ngoài mạnh về công nghệ, mạnh về vốn sẽ nhảy vào. Nếu chậm chân, dân Việt mình có nguy cơ bị đứng ngoài cuộc chơi. Các hoạt động chi phối nằm hết trong doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta sẽ mất tự chủ rất nhiều.
- Sau hơn nửa năm hoạt động, Hanoma giờ ra sao?
Rất nhiều nhà bán hàng đã tìm tới chúng tôi để đăng ký bán sản phẩm của mình. Tuy nhiên, dù chúng tôi đã tạo ra những công nghệ hết sức dễ dàng cho người bán đăng tin ,nnhiều đơn vị vẫn chưa thể tiếp cận vì rào cản công nghệ khi ông chủ của họ vẫn dùng điện thoại cục gạch để kinh doanh.
Để giải quyết thực trạng này, chúng tôi sắp đưa ra những gói dịch vụ hỗ trợ nhà cung cấp. Chúng tôi có đội ngũ đến chụp ảnh đăng tin tận nơi cho nhà bán hàng để đưa lên càng nhanh càng tốt. Chúng tôi cũng có những đội đi để xây dựng website cho nhà bán hàng, hướng dẫn họ làm marketing. Ngoài ra, chúng tôi còn hướng dẫn họ kinh doanh trên các nền tảng khác như Zalo, Facebook… cũng như cách thức đăng bán hàng trên Hanoma.
Chúng tôi còn cho phép trang web của nhà bán hàng liên kết với trang của mình với mong tạo ra một hệ sinh thái liên kết giữa các website. Xa hơn, chúng tôi muốn người Việt có thể không cần dùng các công cụ tìm kiếm như Google, Bing mà thay vào đó sẽ vào thẳng hệ sinh thái đó để tìm kiếm các nhu cầu với sản phẩm chuyên dụng.
- Hiện tại, có bao nhiêu gian hàng hoạt động trên Hanoma?
Khoảng 1.200. Lượng truy cập mỗi một ngày là từ khoảng 2.600 đến 4.000 lượt.
- Tính đến lúc này anh đầu tư cho Hanoma khoảng bao nhiêu tiền?
Tôi bắt đầu dự án từ năm 2017 và đốt tiền khá nhiều. Bạn bè tôi thường phàn nàn rằng tôi thà bỏ tiền ra mua thứ gì đó còn hơn là đầu tư vào cái mà mình chẳng thể cầm nắm được. Tuy nhiên, rất nhiều bạn bè ủng hộ tôi, bỏ vốn để song hành cùng tôi dù bản chất họ chẳng hiểu tôi làm gì. Chỉ đơn giản là họ tin vào tôi.
Khi bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 40, vợ tôi hoàn toàn không đồng ý. Tôi đi làm không thấy mang tiền về đã đành một nhẽ, đằng này lại còn mang nhà đi cắm để lấy tiền đầu tư. Trở lại Hà Nội sau 5 năm đi làm xa, tôi thực sự khiến vợ cảm thấy bất an.
Tuy nhiên, tôi thuyết phục vợ mình rằng tôi muốn làm cái gì đó khác biệt một chút và nếu thành công, nó sẽ thực sự là giải pháp lâu bền về mặt kinh tế. Thứ hai, nó cũng là sản phẩm mà tôi nghĩ rằng sẽ giúp ích cho xã hội để sau này, con cái tôi có thể tự hào. Tôi thà để lại cho con cái gì hữu ích cho xã hội còn hơn là để cho vài cái nhà, bán đi tiêu là hết.
Trước những lý lẽ đó, vợ tôi rồi cũng đồng ý dù đôi lúc vẫn cằn nhằn. Tôi đi khởi nghiệp, vợ lại là người đứng ra lo kinh tế cho gia đình, chuyện học hành con cái để chồng yên tâm làm sản phẩm. Về phần mình, khối lượng công việc nhiều quá nên việc 11, 12h đêm vẫn phải làm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nhờ có đam mê nên tôi cũng không thấy quá mệt mỏi.
Chúng tôi cũng có một giấc mơ lớn hơn, đó là từ Hanoma, chúng tôi có thể xây dựng được một mạng xã hội cho những anh em hoạt động trong lĩnh vực máy móc. Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn có một thế giới riêng để trao đổi về đam mê về máy móc, gặp những người có cùng mối quan tâm, trao đổi thông tin, dữ liệu cho nhau và giúp nhau cùng phát triển.
Xem chi tiết bài viết gốc tại CafeF.vn >>>