Nhà máy mong được 'phủ kín' vaccine để nới ‘3 tại chỗ’

3 năm trước Nguồn: Báo Vnexpress

Doanh nghiệp mong đẩy nhanh tiêm vaccine cho công nhân, từ đó nới lỏng điều kiện “3 tại chỗ” giữa lúc các nhà máy đuối sức sau thời gian dài thực hiện.

Với hơn 1.300 lao động, qua nhiều lần thẩm định, phương án "3 tại chỗ" - ăn, ở và sản xuất của Công ty TNHH Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) mới được thông qua. Ngoài sắp xếp nơi ngủ nghỉ, tắm giặt, ăn uống cho lao động, công ty lắp thêm camera phục vụ truy vết; thuê một khách sạn lớn gần khu chế xuất làm khu cách ly trung gian. Những người âm tính với nCov sẽ lưu trú tại đây 3-7 ngày, tiếp tục xét nghiệm PCR để loại trường hợp âm tính giả, sau đó mới vào nhà máy. Hơn 25 ngày qua, doanh nghiệp tổ chức cho gần 400 công nhân ăn nghỉ, làm việc tại chỗ, quy mô sản xuất chỉ còn 30%.

Ông Đào Quốc Cường, Giám đốc hành chính công ty nói rằng chi phí thực hiện "3 tại chỗ" rất lớn nhưng hiệu quả sản xuất thấp. Nhà máy đã tính toán một số phương án thay thế nhưng không khả thi vì 90% công nhân mới được tiêm một mũi vaccine cách đây hơn 7 tuần, chưa đủ an toàn trước dịch, vẫn có một số trường hợp bị nhiễm.

Công nhân nhà máy Juki Việt Nam theo dõi sau tiêm vaccine, ngày 21/6. Ảnh: An Phương

"Nhà máy chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi tất cả lao động được tiêm đủ vaccine và các điều kiện '3 tại chỗ' được nới lỏng", ông Cường nói và cho biết nếu chính quyền thành phố cần sự chia sẻ kinh phí để mua vaccine tiêm cho công nhân, công ty sẽ xem xét tham gia bởi chi phí đó thấp hơn nhiều so với khi tổ chức cho lao động ăn ở, làm việc tại chỗ. Chỉ riêng tiền xét nghiệm Covid-19 cho mỗi lao động đã dư mua hai liều.

Tương tự, với tỷ lệ tiêm vaccine liều thứ nhất đạt khoảng 75%, các nhà máy ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) mong được đẩy nhanh tiêm mũi 2 cho lao động để sớm trở lại sản xuất. Bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao (SHTP) cho hay các doanh nghiệp quy mô 4.000-9.000 công nhân khi thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường – 2 điểm đến" (duy nhất tuyến đường chở tập trung công nhân từ nơi ở đến nơi sản xuất) phải giảm công suất còn 10-30% nhưng chi phí vận hành cao hơn lúc hoạt động bình thường.

Theo lãnh đạo SHTP, trước mắt cần tiêm "vét" mũi một cho số công nhân chưa tiêm đợt đầu, trong số này riêng nhóm đang thực hiện ăn nghỉ, sản xuất tại chỗ đã gần 3.000 người. Việc tiêm vaccine cần thực hiện cho tất cả lao động đang làm việc tại nhà máy, không nên kèm điều kiện có hợp đồng lao động hoặc đang tham gia bảo hiểm xã hội. Doanh nghiệp sẵn sàng trả chi phí thuê dịch vụ tiêm.

Bà Loan cũng đề nghị cần xã hội hóa, cơ chế thông thoáng để nhà máy tiếp cận vaccine dễ dàng hơn. Nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao mong được tự mua vaccine về tiêm cho lao động thông qua hình thức phối hợp các đơn vị y tế được cấp phép nhập hoặc để các công ty mẹ ở Mỹ, châu Âu tìm nguồn rồi hỗ trợ cho công ty con tại Việt Nam.

Người lao động làm việc trong Khu công nghệ cao TP HCM được tiêm vaccine, ngày 19/6. Ảnh: Hữu Khoa

Tự bỏ kinh phí để mua vaccine tiêm cho công nhân cũng là mong muốn của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso). Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch hiệp hội cho hay, toàn ngành da giày, túi xách có hơn 2.000 doanh nghiệp với 1,5 triệu lao động. Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4, hơn 90% nhà máy phải dừng sản xuất.

"Nhà máy sử dụng hàng nghìn lao động khó có thể tổ chức '3 tại chỗ' được, nên việc tiêm đủ liều vaccine cho công nhân là cách duy nhất để khôi phục sản xuất", bà Xuân nói và cho biết Lefaso cùng 3 hiệp hội khác là Dệt may; Doanh nghiệp Điện tử; Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM đã chủ động tìm nguồn cung vaccine từ Tập đoàn Royal Strategic Partner (UAE). Ngày 13/7, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã làm việc với tập đoàn này để xác minh khả năng cung ứng vaccine. Sau đó, 4 hiệp hội đề xuất Chính phủ, ngành Y tế hỗ trợ đàm phán, tháo gỡ khó khăn thủ tục nhập khẩu.

Theo lãnh đạo Lefaso, từ bây giờ các địa phương, ngành y tế cần ngồi lại với doanh nghiệp, thống nhất đưa ra các kịch bản về việc mở cửa trở lại tương ứng với tỷ lệ bao phủ vaccine, kiểm soát dịch, chuẩn bị phương án sản xuất trở lại. Thực tế nhiều khách hàng chỉ đồng ý lùi thời hạn giao hàng tối đa 4 tuần, sau thời gian này các công ty phải bồi thường hợp đồng nếu chậm trễ. Nhiều nhà máy phải dừng sản xuất gần một tháng đang đối diện nguy cơ mất khách hàng, thiệt hại lớn.

Công nhân nhà máy dệt may Thành Công sản xuất khi thực hiện "3 tại chỗ" - Ảnh: An Phương

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên chính sách công, Trường chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, thứ tự ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân nên là doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" rồi đến nhóm sản xuất hàng thiết yếu, sau đó là xuất khẩu và các nhóm ngành khác. Khi 100% lao động tiêm 2 mũi, nhà máy sẽ tổ chức sản xuất theo các điều kiện mới, phương án ăn nghỉ, làm việc tại chỗ cần nới lỏng. Công nhân được đi lại giữa nơi ở và nơi làm việc, có sự giám sát bằng ứng dụng định vị hoặc các chốt kiểm soát.

Theo Giám đốc hành chính Công ty TNHH Juki Việt Nam, lúc này chính quyền và ngành y tế nên có hướng dẫn phương án sản xuất trong trường hợp công nhân đã tiêm đủ 2 liều vaccine để nhà máy chuẩn bị, trình cơ quan chức năng thẩm định, tránh bị động như khi áp "3 tại chỗ". Phương án có thể giảm xuống còn "2 tại chỗ", người lao động ăn uống, làm việc tại nhà máy, hết giờ làm sẽ trở về nhà với điều kiện thành viên gia đình cũng được vaccine bảo vệ.

TP HCM có khoảng 1,2 triệu công nhân làm việc ở các nhà máy. Riêng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao có hơn 320.000 lao động làm việc ở gần 1.600 doanh nghiệp, hơn 80% lao động ở đây đã được tiêm vaccine. Thời điểm này chỉ có gần 600 nhà máy ở trong các khu hoạt động nhưng hầu hết gặp khó khăn tài chính, cơ sở vật chất, tâm lý công nhân bất ổn muốn về nhà.

Lê Tuyết

Hà Nội thí điểm cấm ôtô trên 16 chỗ vào phố cổ, Hồ Gươm

Hà Nội thí điểm cấm ôtô trên 16 chỗ hoạt động trên các tuyến phố khu vực phố cổ và Hồ Gươm trong giờ cao điểm, từ tháng 3.

8 ngày trước

Người chống lãng phí được bảo vệ bí mật danh tính

Người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân được bảo vệ bí mật danh tính và thông tin cá nhân, theo quy định của Bộ Chính trị.

8 ngày trước

Thành lập 22 tổ chức đảng trực thuộc Mặt trận Tổ quốc

Chiều 11/2, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập 22 tổ chức đảng trực thuộc và công tác nhân sự.

8 ngày trước

Ba ôtô tải đâm liên hoàn, 5 người bị thương

Bình ĐịnhBa ôtô tải tông liên hoàn trên tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị xã An Nhơn, khiến 5 người bị thương, tối 11/2.

8 ngày trước

Kiểm toán tài chính công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất cả nước

Năm 2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ kiểm toán thu chi tài chính công đoàn cấp trên các khu công nghiệp, chế xuất, trọng tâm Hà Nội và TP HCM.

8 ngày trước

Không khí lạnh sắp tràn xuống miền Bắc từ đêm nay

Đợt không khí lạnh cường độ không quá mạnh sẽ tràn xuống miền Bắc trong đêm nay và ngày mai, vùng núi cao có nơi rét đậm, Hà Nội thấp nhất xuống 16 độ C.

8 ngày trước

Cấm tạt nước, ném hột vịt thối tại lễ hội Làm Chay

Long AnNgười dân không được tạt nước, ném bột mì, hột vịt thối... tại Lễ hội Làm Chay đang diễn ra ở huyện Châu Thành để bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người đi đường.

8 ngày trước

Bỏ đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường trên cả nước

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi trình Quốc hội 12/2 đã bỏ đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường trên cả nước.

8 ngày trước