Các địa phương chưa thống nhất việc đi lại, công nhân chưa tiêm đủ liều vaccine, tâm lý sợ dịch khiến nhà máy ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương khó đưa lao động trở lại.
Nhiều ngày qua, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) liên tục nhận tin nhắn của công nhân sống ở Bình Dương hỏi khi nào trở lại nhà máy làm việc. Từ 11/10, chính quyền Đồng Nai cho phép doanh nghiệp tự quyết phương án sản xuất, nhà máy hoạt động trở lại sau gần 3 tháng tạm nghỉ. Tuy nhiên gần 2.000 công nhân ở Bình Dương phải tiếp tục ngồi nhà với lý do khác tỉnh.
Công nhân nhà máy Chang Shin Việt Nam quay lại sản xuất sau gần 3 tháng nghỉ dịch. Ảnh: An Phương
Ông Tú nói rằng dù khác địa phương nhưng công nhân sống ở Bình Dương chỉ cách Đồng Nai một con sông, đi một chuyến phà là tới. Với số công nhân ở Bình Dương, nhà máy đang gặp khó khi chính quyền Đồng Nai yêu cầu phải tổ chức xe đưa rước, không cho công nhân đi xe cá nhân. Để thực hiện, công ty phải huy động cùng lúc 80 xe khách. Ngoài ra, Bình Dương chưa phản hồi về việc cho người lao động qua Đồng Nai hay không nên nhà máy rất lúng túng.
"Chúng tôi đang tăng công suất, rất cần lao động, trong khi đó cả nghìn lao động đã tiêm đủ hai liều vaccine không được đi làm", ông Tú nói.
Tương tự, sau 20 ngày "mở cửa" sản xuất, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) chưa thể lên phương án đón hơn 16.000 công nhân ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh trở lại phân xưởng. Phía doanh nghiệp cho hay hiện tỷ lệ "phủ" vaccine ở các tỉnh không cao, nhiều công nhân chưa được tiêm, quy định đi lại ở các tỉnh không thống nhất. Đơn cử, hơn 3.500 lao động ở Tiền Giang đi làm bằng xe công ty đưa đón, mỗi ngày rời nhà từ 4h, về tới chỗ ở gần 21h. Tuy nhiên, tỉnh Tiền Giang lại yêu cầu người dân hạn chế ra đường từ 19h đến 5h hôm sau, phải báo địa phương khi ra khỏi tỉnh.
Phía Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho hay, công nhân ở Tiền Giang phải nghỉ việc từ ngày 25/6 theo yêu cầu phòng, chống dịch của chính quyền tỉnh. Sau gần 4 tháng, trong khi các địa phương khác dần nới lỏng giãn cách, người dân tự do đi lại thì các công nhân ở tỉnh này chưa thể để đi làm. Nhà máy vẫn duy trì một phần lương giữ lao động, giúp họ trang trải cuộc sống.
Không chỉ gặp khó do phương án đi lại chưa thống nhất, nhiều nhà máy còn gặp trở ngại khi người lao động có tâm lý sợ dịch. Bà Phan Thị Cẩm Tú, Phó tổng giám đốc Công ty Timberland (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, trước khi Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp có gần 8.000 lao động nhưng hiện chỉ còn 4.800 người. Trong số 3.200 công nhân tạm nghỉ việc có 2.000 người sống ở "vùng xanh", hầu hết đã tiêm hai liều vaccine nhưng từ chối quay lại nhà máy.
Ngoài ra, hơn 1.200 lao động của nhà máy đã về quê khi TP HCM và các tỉnh nới lỏng giãn cách, hầu hết đã được tiêm ít nhất một liều vaccine nhưng hẹn qua Tết mới lên. Hiện, nhà máy lên phương án dùng ôtô về tỉnh đón công nhân nhưng rất ít người đăng ký. Tính đến nay, bộ phận nhân sự công ty chỉ nhận hơn 30 yêu cầu đề nghị hỗ trợ xe chở lên thành phố.
Sau 12/10, công nhân nhà máy Timberland được đi về giữa nơi ở và nơi sản xuất. Ảnh: An Phương
Tình trạng lao động khó trở lại nhà máy khiến việc thiếu hụt lao động sau dịch thêm trầm trọng, đặc biệt là ngành giày da, may mặc, gây ra nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Khảo sát của Tổng cục Thống kê tại 22.000 doanh nghiệp, gần 18% cho biết thiếu lao động, tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ với 30,6%. Một số ngành khát nhân lực, như: sản xuất da giày gần 52%; trang phục 49%; thiết bị điện 44%; dệt 39%; điện tử, máy tính 5,6%.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng các địa phương cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128, tháo bỏ rào cản gây khó khăn cho thị trường lao động, tạo cơ hội để công nhân trở lại nhà máy, sớm phục hồi sản xuất. Những biện pháp phòng chống dịch cực đoan gây tốn kém cho xã hội, làm chậm tiến trình phục hồi nền kinh tế. Người lao động sau thời gian nghỉ dịch kéo dài cần được trở lại làm việc, kiếm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Tại TP HCM, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm cho biết khi thành phố dần kiểm soát được dịch, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao. Trong khi đó, lao động quay lại thành phố còn nhỏ giọt. Thành phố đã có nhiều phương án như tổ chức đón lao động ở tỉnh, tiêm vaccine ngay khi công nhân vào thành phố, hỗ trợ nhà trọ, việc làm.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, từ tháng 7 đến giữa tháng 9, khoảng 1,3 triệu người lao động rời các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Khi TP HCM nới lỏng biện pháp giãn cách từ ngày 1/10, khoảng 600.000 người rời thành phố, trong đó 300.000 công nhân, hiện đã ghi nhận hơn 140.000 người trở lại.
Chiều 11/2, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập 22 tổ chức đảng trực thuộc và công tác nhân sự.
Năm 2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ kiểm toán thu chi tài chính công đoàn cấp trên các khu công nghiệp, chế xuất, trọng tâm Hà Nội và TP HCM.
Đợt không khí lạnh cường độ không quá mạnh sẽ tràn xuống miền Bắc trong đêm nay và ngày mai, vùng núi cao có nơi rét đậm, Hà Nội thấp nhất xuống 16 độ C.
Long AnNgười dân không được tạt nước, ném bột mì, hột vịt thối... tại Lễ hội Làm Chay đang diễn ra ở huyện Châu Thành để bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người đi đường.