Nghề hái cà phê thuê ở Tây Nguyên

5 tháng trước Nguồn:

Cuối năm hàng nghìn lao động ở vùng đồng bằng ngược lên Tây Nguyên hái cà phê thuê, mỗi ngày vợ chồng kiếm 500.000-800.000 đồng, gấp 2-3 lần so với làm ruộng ở quê.

Sáng giữa tháng 11, gần 100 lao động từ Quảng Ngãi tập trung ở ngã tư Hà Mòn - Ngọc Wang, thị trấn Đăk Hà (Kon Tum) chờ chủ vườn đến thuê hái cà phê. Lẫn trong đám đông, anh Phạm Văn Thơ (44 tuổi, dân tộc H're), thi thoảng chạy tới ôtô khách vừa đỗ để tìm người thân. Chờ đến chuyến xe thứ 4, anh mừng rỡ khi thấy vợ bồng đứa con hai tuổi bước xuống. Anh nhanh chóng chở vợ con hướng vào xã Hà Mòn để kịp hái buổi cà phê sáng.

Anh Phạm Văn Thơ chở vợ con vào rẫy để chuẩn bị hái cà phê thuê. Ảnh: Kiều Loan

Anh Thơ kể gia đình chỉ có hai sào ruộng ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Ruộng ít không đủ sống, quanh năm vợ chồng chủ yếu làm thuê ở Bình Định, Kon Tum, Gia Lai. Do hái cà phê ít sót quả, thường cuối năm vợ chồng anh liên tục được các chủ vườn ở xã Hà Mòn gọi điện lên hái. Không nhờ được người trông con nhỏ, anh quyết định đưa cả nhà lần thứ 5 lên Tây Nguyên mưu sinh.

Một ngày trước đó, anh Thơ chạy xe máy chở con trai lớn 11 tuổi (nghỉ học) vượt gần 150 km tới huyện Đăk Hà để thu xếp chỗ ăn ở. Người vợ cùng con nhỏ bắt xe khách lên sau. Cả gia đình anh ở cùng 14 lao động khác trong căn nhà rẫy của chủ vườn. Hằng ngày vợ chồng anh cùng các nhân công dậy lúc 4h chuẩn bị cơm nước để ra rẫy, hái cà phê đến tối mịt mới về. Người con lớn của anh Thơ ở lại chòi chăm đứa nhỏ.

Tương tự cảnh ngộ vợ chồng anh Thơ, dịp cuối năm khi mùa vụ kết thúc cũng là lúc hàng nghìn lao động ở các tỉnh đồng bằng ngược lên Tây Nguyên hái cà phê thuê. Có những cặp vợ chồng người H're rời khỏi nhà trong đêm, để lại con nhỏ cho ông bà chăm sóc.

Dọc quốc lộ 24, từng đoàn 5-10 xe máy biển số Quảng Ngãi chở đồ đạc lỉnh kỉnh, nối đuôi nhau chạy lên Kon Tum. Một số nhóm dừng nghỉ bên đường sau hành trình dài hoặc đợi xe bị lạc phía sau. Điểm đến cuối cùng của họ tập trung ở huyện Đăk Hà - thủ phủ cà phê của tỉnh Kon Tum, với diện tích trên 1.500 ha.

Cách vườn vợ chồng anh Thơ đang thu hái khoảng 3 km, giữa khu rẫy cà phê rộng 4 ha ở xã Hà Mòn, anh Đinh Văn Dăt (38 tuổi) cùng vợ đang tranh thủ hái cho xong hàng để nghỉ ăn trưa. Dưới cái nắng gắt, khuôn mặt sạm đen của cặp vợ chồng người H're nhễ nhại mồ hôi, áo ướt đẫm.

Anh Đinh Văn Dăt cùng vợ thu hoạch vườn cà phê ở xã Hà Mòn. Ảnh: Kiều Loan

Cạnh đó 5 cặp vợ chồng cũng đang quần quật kéo bạt, chuyển sang hái những cây khác. Mỗi hàng hai người, họ kéo hai tấm bạt xung quanh gốc để lúc hái cà phê không bị rơi vãi ra ngoài. Khi kết thúc hàng, họ nhặt lá và rác vứt đi, gom trái cà phê cho vào bao.

Đúng 12h, mọi người rủ nhau ngồi dưới gốc cây cà phê ăn trưa. Mỗi cặp vợ chồng đều mang theo theo thức ăn của mình, chủ yếu cơm, măng, cá khô. Sau chừng 30 phút nghỉ ngơi, họ tiếp tục công việc.

Ba hôm trước, tìm được rẫy cà phê sai quả, dễ hái, mỗi ngày vợ chồng anh Dăt thu hoạch 7-8 tạ, nhận công 700.000-800.000 đồng. "Trừ các chi phí, thu nhập mỗi tháng của vợ chồng tôi khoảng 20 triệu đồng", anh Dăt nói và cho biết đây là số tiền lớn khó kiếm được ở quê. Đợt này vợ chồng anh cố gắng tiết kiệm để dành dụm tiền lo cho con cái và mua sắm Tết.

Anh Dăt kể, một tuần trước ruộng nương hết việc, anh được người bạn trong làng rủ lên Tây Nguyên hái cà phê. Đêm hôm đó anh cùng vợ gom quần áo, chăn màn vào balô, chạy xe đi trong đêm, hai đứa con nhỏ 6 tuổi và 4 tuổi gửi cho bà ngoại chăm sóc.

Chuyến hành trình lúc nửa đêm vượt đèo Vi Ô Lắc, Măng Đen, các lao động vụ mùa chạy xe phăng phăng kịp đến Kon Tum trước lúc trời sáng. Sau một hồi đợi ở ngã tư Hà Mòn - Ngọc Wang, nhóm anh Dăt được chủ vườn ở xã Đăk Ma, huyện Đăk Hà, thuê hái cà phê khoán, cứ 100 kg cà phê người lao động nhận 100.000 đồng. Tuy nhiên, khu vườn đó ít quả, địa hình dốc, kéo bạt khó khăn, thu nhập của họ còn 500.000-600.000 đồng một ngày.

Lao động tập trung ở ngã tư Hà Mòn - Ngọc Wang chờ chủ vườn đến thuê hái cà phê. Ảnh: Kiều Loan

Hái xong khu vườn ở Đăk Ma, cả nhóm trở lại "chợ lao động" tiếp tục chờ chủ vườn khác thuê. Cứ thế, họ "di cư" từ rẫy này sang rẫy khác, hết ở Kon Tum lại sang Gia Lai, thậm chí Đăk Lăk. Chuyến mưu sinh của các lao động ở cao nguyên kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí có nhóm kéo dài đến hết mùa cà phê.

Ông Đoàn Văn Chương (62 tuổi, ngụ xã Hà Mòn) cho biết, rẫy cà phê của gia đình có 4.000 cây trồng từ năm 1995. Mỗi năm bước vào mùa vụ, ông thường thuê 8-15 nhân công, thu hoạch kéo dài gần một tuần. Những năm trước do dịch bệnh, việc thuê nhân công khó khăn. Tuy nhiên hai năm qua, bắt đầu từ tháng 11, nhiều lao động đổ lên Tây Nguyên nên việc tìm người thu hoạch dễ dàng hơn.

Năm 2022, Tây Nguyên có hơn 600.000 ha cà phê, chiếm gần 90% diện tích cà phê cả nước, cung cấp 1,77 triệu tấn cà phê, nhu cầu thuê người hái rất lớn. Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Kon Tum, khi bước vào vụ mùa, ngoài nhân công tại chỗ, hơn 4.000 lao động nhiều tỉnh lân cận, chủ yếu từ Quảng Ngãi lên địa bàn hái cà phê thuê, riêng huyện Đăk Hà có hơn 2.400 người.

Kiều Loan

Đề xuất dùng 'đất vàng' ở Đồng Nai làm khu tái định cư

Do thiếu khu tái định cư và nhà ở xã hội, TP Biên Hòa đề xuất tỉnh sử dụng ba lô "đất vàng" ở trung tâm làm tái định cư cho người dân.

4 ngày trước

Công viên trước UBND TP HCM mang diện mạo mới

Hàng cây sứ ở Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở UBND thành phố được thay bằng nhiều loại hoa, mai tứ quý... tạo cảnh quan mới cho khu vực.

1 tháng trước

Đề xuất nâng cấp cao tốc qua Ninh Bình lên 4 làn xe hoàn chỉnh

Tỉnh Ninh Bình đề xuất mở rộng đoạn cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 14 km với 4 làn xe hạn chế thành 4 làn hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp.

1 tháng trước

Miền Bắc sẽ mưa lạnh dịp Tết Giáp Thìn

Ngày 27-28 tháng chạp, không khí lạnh sẽ tràn đến miền Bắc, mùng 1 Tết thêm đợt tăng cường khiến trời mưa lạnh, vùng đồng bằng dao động 14-23 độ C.

3 tháng trước

Sửa miễn phí hơn nghìn xe máy cho công nhân về Tết

TP HCMNhiều doanh nghiệp, nhà máy tổ chức sửa xe, thay nhớt, phụ tùng miễn phí để công nhân về Tết an toàn.

3 tháng trước

GS Võ Tòng Xuân: Miền Tây có thể sản xuất 4 vụ lúa một năm

GS Võ Tòng Xuân nêu các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long với lợi thế nước ngọt quanh năm có thể làm 4 vụ lúa, song một số chuyên gia cho rằng tăng vụ ẩn chứa rủi ro.

3 tháng trước

Bến phà Gót ra đảo Cát Bà sẽ dừng hoạt động từ 1/3

UBND TP Hải Phòng vừa thống nhất dừng bến phà Gót chở khách từ đất liền ra đảo Cát Bà từ ngày 1/3 để thực hiện dự án khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế.

3 tháng trước

Khuyến cáo chủ xe đăng kiểm trước hạn

Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo chủ phương tiện tận dụng thời điểm tháng hai và tháng ba đi đăng kiểm sớm trước thời hạn để tránh ùn tắc tại các thành phố lớn.

3 tháng trước