Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Nhà nước trong công tác nghiên cứu khoa học công nghệ mà ngành nông nghiệp đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ.
Với chủ trương đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, việc phát triển khoa học và công nghệ bền vững trong ngành nông nghiệp đã được cụ thể bằng các văn bản quy định pháp luật và được triển khai rộng rãi trên cả nước. Điều này đã giúp các cá nhân, tổ chức liên quan tháo gỡ nhiều vấn đề tồn đọng trong doanh nghiệp liên quan đến vốn đầu tư, vấn đề pháp lý, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ...
Chính vì thế, trong giai đoạn từ 2008 - 2018, sau khi Nhà nước triển khai chủ trương thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ, ngành nông nghiệp trên cả nước đã đạt được những thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực. Dưới đây là một số kết quả nổi bật của ba lĩnh vực chính trong ngành nông nghiệp.
Mướp đắng được chọn tạo từ đề tài "Nghiên cứu ứng dụng kết hợp công nghệ sinh học, công nghệ canh tác tiên tiến và công nghệ thông tin trong sàng lọc, chọn tạo và sản xuất hạt giống cây trồng mới" có năng suất tăng 30% so với giống cũ
Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật
Trong lĩnh vực này, nước ta chủ yếu chú trọng vào công nghệ chọn giống, lai tạo giống và các kĩ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh. Nhiều dự án được triển khai trong thời gian qua đã gặt hái được một số thành công nhất định. Trong đó phải kể đến:
Trong Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn - hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc đồng bằng sông Cửu Long” do Viện Llúa đồng bằng sông Cửu Long chủ trì đã hoàn thành xuất sắc việc xây dựng gói kỹ thuật thâm canh, trong đó giảm được 50% nhu cầu về hạt giống lúa cho gieo cấy mà vẫn đảm bảo được năng suất cao.
Cũng trong chương trình này, Dự án “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng chuyên dụng và xây dựng quy trình sử dụng hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với quy mô công nghiệp” do Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông chủ trì đã chế tạo thành công hệ thống đèn chiếu sáng chuyên dụng trong nhân giống cây thanh long, hoa cúc thương phẩm tiết kiệm từ 50% tới 75% điện năng tiêu thụ so với phương pháp chiếu sáng thông thường. Công nghệ này đã được đưa vào kiểm nghiệm thực tế trong điều khiển ra hoa và ra hoa trái vụ cho các loại cây trồng trên tại các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Tây Ninh, Tiền Giang, Bắc Ninh,...
Nhìn chung, ngành nông nghiệp hiện nay có khoảng 428 giống cây trồng được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhân giống mới và cho sản xuất thử. Tất cả các loại cây trồng chủ lực như lúa gạo, thanh long, nhãn, vải, bưởi, chè,… đều được cải thiện lớn cả về quy mô và chất lượng. Sản lượng lúa gạo tăng từ 38,7 triệu tấn (2008) lên 42,76 triệu tấn (2018). Kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng đều đặn.
Lĩnh vực chăn, nuôi thú y
Trong 10 năm qua, hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học ngành thú y đã được thực hiện, phần lớn là những nghiên cứu về công nghệ sinh học nhằm sản xuất các loại vacxin thế hệ mới, đã và đang được áp dụng vào thực tiễn tại mọi vùng sinh thái trên cả nước. Ngoài ra, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cũng được ứng dụng vào các hoạt động sản xuất như giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật, thiết bị chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học,... Trong đó, nhiều đề tài nghiên cứu nổi bật phải kể đến như:
Trong chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Dự án “Công nghệ sản xuất vacxin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc” do Công ty Cổ phần phát triển Công nghệ nông thôn chủ trì đã thành công trong việc tạo ra giống gốc để sản xuất vacxin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc ở Việt Nam và chế tạo vacxin vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh lở mồm long móng typeO cho gia súc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công vacxin phòng bệnh lở mồm long móng typeO - một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở gia súc. Dự án này sau đó được dự kiến sẽ giải quyết được bệnh cho khoảng 20.000 gia súc mỗi năm, giảm hàng trăm tỷ đồng nhập khẩu vacxin hằng năm.
Cũng trong chương trình này, Dự án “Công nghệ sản xuất vacxin phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì đã tạo ra 209.340 liều vacxin nhược độc phòng hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS) cho lợn, với quy trình sản xuất vacxin ổn định, góp phần không nhỏ trong việc cung cấp vacxin phòng bệnh tai xanh cho lợn, đáp ứng nhu cầu phòng chống bệnh dịch trong nước.
Thông qua những nghiên cứu này, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cả nước được cải thiện đáng kể. Các giống gia súc, gia cầm tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng, tiêu tốn lượng thức ăn ít hơn. Đồng thời, việc nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều loại vacxin có chất lượng tương đương thuốc ngoại đã giúp giảm thiểu chi phí sản xuất ở mức tối đa.
Hệ thống tạo nhũ dầu trong sản xuất vacxin phòng các chủng virus mới của cúm A/H5N1
Lĩnh vực thủy sản
Liên tục trong nhiều năm, nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực thủy sản đã từng bước làm chủ các khâu trong chuỗi sản xuất thủy sản từ khâu trồng, thức ăn, mô hình nuôi trồng và chế biến. Loại công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực này chủ yếu liên quan đến công nghệ xử lý nước (Công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), hệ thống nuôi thủy sản Raceway, công nghệ Biofloc,...) nhằm đảm bảo tính an toàn sinh học cho môi trường nuôi trồng thủy sản, và công nghệ sinh học di truyền nhằm tạo ra con giống tốt (cá trá, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh...) cho nuôi trồng. Một số công trình nghiên cứu nổi bật như:
Điển hình có thể kể đến Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên" thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia giúp nuôi tôm hùm trong bể xi măng trên vùng bãi ngang các tỉnh miền Trung với ưu điểm so với nuôi trong môi trường tự nhiên là kiểm soát môi trường nuôi, kể cả chất thải ra môi trường; kiểm soát, hạn chế dịch bệnh; tăng tỷ lệ sống và giảm thời gian nuôi; tiến hành nuôi công nghiệp, năng suất cao góp phần thực hiện Kế hoạch quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Dự án hoàn thành sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại khi môi trường nước vùng nuôi thay đổi (tháng 6/2017, nuôi tôm hùm Phú Yên bị thiệt hại nặng với hơn 1,6 triệu con tôm hùm của 693 hộ nuôi chết hàng loạt, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng).
Bơm không dùng điện đưa nước sạch lên độ cao gần 1.300m, dự án thuộc thuộc Chương trình hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý
Có thể nói, những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật đã tác động một cách tích cực vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, giúp nâng cao giá trị năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, những thành quả nghiên cứu khoa học và công nghệ này cũng giúp nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững, thân thiện với môi trường hơn, đảm bảo có những sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp nước nhà còn đạt được rất nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lĩnh vực thủy lợi, lĩnh vực cơ khí nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch. Các thành tựu này góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp nói chung phát triển mạnh mẽ.
Tuy còn một vài hạn chế tồn tại song không thể phủ nhận việc nghiên cứu khoa học công nghệ ngành nông nghiệp đã góp phần to lớn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 trong khu vực và thứ 15 thế giới.