Bước sang tháng 8, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích cầu sản xuất.
Nhiều ngân hàng tiếp tục đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ lãi suất thấp cho các doanh nghiệp, người dân nhằm kích cầu tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trước tác động của dịch Covid-19.
Bên cạnh gói tín dụng 25.000 tỷ đồng đang thực hiện trên toàn quốc, từ 1/8, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) triển khai Chương trình tiếp sức khách hàng tại Đà Nẵng, Quảng Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 với gói tín dụng 2.500 tỷ đồng.
Chương trình gồm nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường cho cả khách hàng hiện hữu và mới gặp khó khăn bởi dịch. Ngoài ra, SHB vẫn tiếp tục triển khai các phương án cơ cấu nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như các phương án miễn giảm lãi, phí đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Cùng với các gói hỗ trợ với lãi suất, SHB cũng có các giải pháp hỗ trợ các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp quan tâm tới việc bán hàng qua hệ thống Amazon với cơ hội đến được với hơn 300 triệu tài khoản người tiêu dùng thế giới.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng vừa ra mắt sản phẩm “Cho vay sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng” nhắm đến đối tượng khách hàng là cá nhân, chủ hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng, với nhiều ưu điểm nổi bật như: tỷ lệ cho vay tối đa 85% giá trị tài sản đảm bảo, tài trợ lên đến 90% phương án vay vốn, thời gian phê duyệt trong 24h làm việc, thời gian duy trì hạn mức cho vay đến 3 năm...
|
Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. |
Đồng thời, LienVietPostBank cũng đưa ra chương trình "Cho vay ưu đãi tiếp sức sản xuất kinh doanh" với mức giảm lãi suất lên đến 0,5%/năm. Theo đó, lãi suất chỉ 7,0%/năm với khách hàng doanh nghiệp và chỉ từ 7,9%/năm với khách hàng cá nhân.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) lại mới tung ra bộ đôi sản phẩm tín dụng dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ. Cả hai gói sản phẩm “SSE Biz Loan" và "SSE Flex" đều có mức cấp tín dụng lên đến 10 tỷ đồng, tỷ lệ cho vay lên đến 99% giá trị tài sản đảm bảo và thời hạn cấp tín dụng tối đa 120 tháng.
Còn VietinBank tiếp tục triển khai chương trình khuyến mãi "Vay ưu đãi, lãi tri ân" đến hết 31/12/2020 với lãi suất cho vay ưu đãi cực kỳ hấp dẫn. Trong giai đoạn đầu triển khai, tính đến hết 31/5/2020, Chương trình đã thu hút lượng đông đảo khách hàng tham gia với doanh số giải ngân lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Với những nhu cầu vốn ngắn hạn, VietinBank triển khai chính sách lãi suất đa dạng với thời gian ưu đãi lên tới 12 tháng đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, VietinBank cũng dành 20.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất dành cho các khách hàng vay vốn trung dài hạn, thời gian ưu đãi lên tới 36 tháng.
Kienlongbank cũng vừa đưa ra chương trình “Lãi ưu đãi, thỏa sức vay” với tổng nguồn tín dụng 500 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp, với lãi suất ưu đãi từ 8%/năm. Chương trình bắt đầu từ ngày 03/8/2020 đến ngày 30/9/2020 và/hoặc khi giải ngân hết giá trị gói ưu đãi và/hoặc chấm dứt trước hạn.
OceanBank triển khai chương trình “Giải ngân ngay, lãi chạm đáy” với gói tín dụng ưu đãi lên tới 500 tỷ đồng dành cho tất cả khách hàng doanh nghiệp trong giai đoạn nửa cuối năm 2020. Theo đó, khách hàng doanh nghiệp mới vay vốn tại OceanBank sẽ được hưởng lãi suất: từ 3 tháng trở xuống lãi 4,99%/năm; trên 3 tháng đến 5 tháng lãi 5,99%/năm; trên 5 tháng đến 6 tháng lãi 6,5%/năm.
|
Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định giảm 0,5% lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VNĐ của các tổ chức tín dụng và hạ 0,2% lãi suất tiền gửi của các tổ chức khác tại NHNN. Việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi cũng giúp các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động, cho vay. Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, thanh khoản dồi dào, thời gian tới, các tổ chức tín dụng sẽ đẩy mạnh cho vay, với nhiều ưu đãi hơn dành cho các khách hàng.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong gần 7 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng, với dư nợ hơn 210.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247.000 khách hàng…
Anh Tuấn