Nâng cao năng lực công nghệ trong lĩnh vực năng lượng gió

2 năm trước Nguồn: Báo Công Thương

Ngày 1/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) và Công ty Informa Markets tổ chức Hội nghị năng lượng gió Việt Nam 2021 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ưu tiên nguồn năng lượng sạch

Hội nghị năng lượng gió Việt Nam 2021 được xem là một sự kiện đúng thời điểm trong bối cảnh ngành công nghiệp năng lượng điện gió đang có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy những chiến lược phát triển bền vững nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và giảm thiểu phát thải, đặc biệt sau khi Việt Nam ký “Tuyên bố toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch” tại COP26, Glasgow. Trong lần tổ chức thứ 4, Hội nghị năng lượng gió Việt Nam 2021 tiếp tục cung cấp các thông tin mới nhất về bức tranh năng lượng toàn cầu, tầm quan trọng của chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng, cũng như tiềm năng và xu hướng phát triển của ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam và Đông Nam Á trong thời gian tới.

Nâng cao năng lực công nghệ trong lĩnh vực năng lượng gió

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Hồng Lan- Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo gắn liền với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.

Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, với mục tiêu nâng tỷ trọng trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt ít nhất 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045. Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì rà soát cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, từng bước áp dụng các biện pháp đổi mới công nghệ, thiết bị trong ngành năng lượng và các ngành sử dụng nhiều năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các nhiệm vụ khác đề hiện đại hóa ngành năng lượng trong nước.

Tại hội nghị, đại diện các chính phủ Na Uy, Anh, Đan Mạch…, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các đơn vị sở hữu công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp đã cung cấp các thông tin mới nhất về bức tranh năng lượng toàn cầu, tầm quan trọng của chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng, cũng như tiềm năng và xu hướng phát triển của ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam và Đông Nam Á trong thời gian tới; thảo luận về những cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo - năng lượng sạch để thúc đẩy sự phát triển của năng lượng gió tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Ông Arne-Kjetil Lian -Tham tán Thương mại Na Uy, Giám đốc Innovation Norway cho biết, phát triển điện gió ngoài khơi đòi hỏi công nghệ, điều vốn là thế mạnh của các công ty Na Uy. Sở hữu năng lực đẳng cấp thế giới về đổi mới, công nghệ và các giải pháp công nghiệp quy mô lớn nhằm xúc tiến các phương án mới có tính cạnh tranh mới để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, các công ty Na Uy sẵn sàng hợp tác cùng các đối tác trong nước thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và công nghệ để giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng và thực hiện các cam kết về khí hậu trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris và COP26, đồng thời góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Làm chủ công nghệ đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới

Nhìn nhận vấn đề này, bà Trần Thị Hồng Loan cho hay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Quá trình chuyển dịch năng lượng, điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng là chìa khóa để Việt Nam thực hiện mục tiêu đề ra. Nhưng, điều cần thiết không chỉ ở cơ chế, chính sách mà còn ở công nghệ, như: lắp đặt, vận hành, giám sát, bảo trì, xử lý tái chế, nhân lực, tạo ra những mô hình mới trong ngành năng lượng nói riêng và các ngành khác nói chung. Do vậy, các chính sách cần phải hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy các dự án.

Theo ông Niels Holst – đại diện Copenhagen Offshore Partners là đơn vị quản lý dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, Việt Nam giống Đan Mạch khi đang thực hiện quá trình chuyển dịch từ điện than sang năng lượng tái tạo và sử dụng các công nghệ mới theo xu hướng phát triển xanh.

Khả năng vay vốn của các hợp đồng mua bán điện rất quan trọng. Việt Nam đã hết cơ chế giá FIT nên nếu vay vốn ngân hàng để đầu tư vào các dự án với giá trị lên tới cả tỷ USD thì sẽ phải cân đối rất nhiều yếu tố. Những dự án sẽ gặp khó với cơ chế tài chính hiện tại để có thể đi vào vận hành, đạt hiệu quả năng lượng.

Về lưới điện, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư lưới điện rất nhiều như ở Đức. Việt Nam có thể tham khảo cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng, phải giảm những thách thức với lưới điện cũng như huy động nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực này và chúng tôi rất sẵn sàng hợp tác đầu tư”, ông Niels Holst bày tỏ.

Trước đó, vào tháng 10/2021, Đại sứ quán Na Uy cũng gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam ấn phẩm “Báo cáo Nghiên cứu chuỗi cung ứng cho phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng” ngay trước chuyến đi của Bộ trưởng Bộ Công Thương sang dự Cop26. Báo cáo đưa ra một cái nhìn tổng quan về toàn bộ chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp gió ngoài khơi của Việt Nam gồm các công ty chủ chốt, hiện trạng, lợi thế và những khoảng trống còn lại, kèm với đó là các khuyến nghị về những gì Việt Nam có thể ưu tiên để kích thích sự phát triển của chuỗi cung ứng trong nước mạnh mẽ, qua đó tạo công ăn việc làm cho lao động có tay nghề cao và thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường điện gió khác.

Báo cáo cũng nêu bật các cơ hội mà điện gió ngoài khơi mang lại cho các nhà cung cấp Việt Nam và xác định các lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có các công ty Na Uy có thể hợp tác với các đối tác Việt Nam để xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi, sản xuất điện với chi phí thấp hơn và từng bước làm cho năng lượng tái tạo trở nên hợp lý cho tất cả mọi người.

Hoàn thành dự án nâng công suất TBA 220kV Phù Mỹ

Ngày 27/12, Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan nghiệm thu và đóng điện dự án Lắp máy biến áp số 2 công suất 125MVA, trạm biến áp 220kV Phù Mỹ (Bình Định), hoàn thành toàn bộ dự án.

2 năm trước

EVNHCMC: Đảm bảo điện phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng Tết Nguyên đán

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí minh (EVNHCMC) đã và đang triển khai các giải pháp đảm bảo điện phục vụ cho các khách hàng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

2 năm trước

Nghệ An: Sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng hơn 16%

Năm 2021 ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, tuy nhiên mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Nghệ An vẫn đạt 81.750 tỷ đồng so với kế hoạch giao 79.271 tỷ đồng, vượt 103,12% kế hoạch (tăng 17,75%)…

2 năm trước

Đồng Nai: Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025

Hiện Đồng Nai có 27 cụm công nghiệp đã quy hoạch với tổng diện tích gần 1,5 ngàn ha. Tỉnh đã có chương trình cụ thể về hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư.

2 năm trước

Nhiệt điện Thái Bình 2: Phấn đấu hòa lưới tổ máy số 1 vào 30/4/2022

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị chủ đầu tư ưu tiên tối đa nhân lực, vốn, thiết bị để đảm bảo có thể hoà lưới tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trước ngày 30/4/2022, rút ngắn thêm hơn 1 tháng.

2 năm trước

Doanh nghiệp Đà Nẵng: Bài 3: Tự tin khôi phục sản xuất trong năm 2022

Nhiều doanh nghiệp sản xuất Đà Nẵng đã có đơn hàng đến giữa hoặc cuối năm 2022. Để đảm bảo việc phục hồi sản xuất, các kịch bản ứng phó với dịch Covid – 19 được chuẩn bị chi tiết, cùng với sự chủ động trong nguồn nguyên liệu, ứng dụng máy móc công nghệ tăng chất lượng, sản lượng, các doanh nghiệp tự tin sẽ đạt được tăng trưởng trong năm 2022.

2 năm trước

Sản xuất công nghiệp: Thích ứng trạng thái "bình thường mới"

Doanh nghiệp (DN) trong các ngành công nghiệp đã xây dựng kịch bản, chủ động thích ứng với trạng thái "bình thường mới", đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh, nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

2 năm trước

TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao

Nhằm hoàn thiện Đề án phát triển “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao” nhanh chóng đi vào hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 24/12, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế về kinh nghiệm kêu gọi đầu tư, quản lý “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao”.

2 năm trước