Hàng loạt bất thường trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải kêu oan sẽ được TAND Tối cao xem xét trong phiên giám đốc thẩm mở ngày 6/5.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị tuyên tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản, dự kiến kéo dài đến ngày 8/5.
Năm 2011 khi là Viện Trưởng VKSND Tối cao, ông Trương Hòa Bình từng ký quyết định không kháng nghị vụ án và đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải (26 tuổi, quê Long An).
Đến ngày 22/11/2019, VKSND Tối cao có kháng nghị thay thế quyết định trước đó của ông Bình, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao (ông Bình là Chánh án) xét xử giám đốc thẩm, hủy toàn bộ án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Hải về các tội Giết người, Cướp tài sản để điều tra lại.
Theo bản án đã có hiệu lực pháp luật, Hải thường đến Bưu cục Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) đặt mua báo nên quen nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi). Tối 13/1/2008, Hải đến nơi làm việc của Hồng chơi, cùng trực đêm đó còn có Vân (21 tuổi, em họ Hồng).
Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với Hồng, nên đưa tiền cho cô em đi mua trái cây. Khi chỉ còn hai người, anh ta kéo Hồng vào phòng ngủ nhưng bị chị chống cự đạp vào bụng rồi chạy xuống bếp. Hải bóp cổ nạn nhân, vớ con dao và thớt gỗ gần đó sát hại. Sợ bị bại lộ, Hải giết luôn Vân khi cô đi mua trái cây về.
Gây án xong Hải lấy 1,4 triệu đồng, 40 sim điện thoại của bưu điện, điện thoại và một số nữ trang của các nạn nhân. Mấy hôm sau, anh ta mang điện thoại nữ trang lên TP HCM bán lấy 3,7 triệu đồng tiêu xài rồi quay về mang quần áo mặc lúc gây án ra sau vườn nhà bà Len (dì ruột) đốt.
Cuối năm 2008, bị TAND tỉnh Long An tuyên phạt mức án tử hình, Hải kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 28/4/2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Hồ Duy Hải trong phiên phúc thẩm năm 2009. Ảnh: Vũ Mai.
HĐXX phúc thẩm nhận định, dù quá trình điều tra không thu giữ được hung khí là chiếc thớt tròn và con dao, song các bản cung của bị cáo đều phù hợp với bản ảnh hiện trường có con gấu nhồi bông, ghế inox, có bịch trái cây, chiếc thớt gỗ. Có việc bị cáo cho anh Võ Minh Dương sim card của bị cáo.
Bị cáo còn khai rằng, chỉ vào Bưu cục Cầu Voi một vài lần và đứng bên ngoài quầy lấy báo, nhưng lại khai rất rõ và chính xác các vật dụng để tại đây như ghế salon, phòng ngủ, ga trải giường, phòng vệ sinh. Đặc biệt, chính bị cáo khai sau một tuần gây án sợ bị phát hiện nên đã đem quần áo đốt sau vườn nhà bà Len. Ngoài ra, trong nhiều bản cung cũng như tự khai của bị cáo đều phù hợp với các biên bản nhận dạng về hung khí, các tài sản đã chiếm đoạt của nạn nhân.
"Quá trình điều tra có những thiếu sót của cơ quan tố tụng nhưng không nghiêm trọng. Sau khi đánh giá toàn bộ các chứng cứ, HĐXX cho rằng có đủ căn cứ xác định bị cáo Hồ Duy Hải do thua cá độ bóng đá nên đã giết hai nạn nhân Hồng và Vân một cách dã man nhằm cướp tài sản", bản án phúc thẩm nêu.
Hải có đơn xin Chủ tịch nước ân giảm. TAND Tối cao và VKSND Tối cao lần lượt quyết định không kháng nghị vụ án. Hải và gia đình sau đó liên tục kêu oan và xin hoãn thi hành án. Trưa 4/12/2014, một ngày trước khi thi hành án tử hình Hải, Hội đồng thi hành án tỉnh Long An ra quyết định tạm hoãn thi hành.
Từ năm 2015 đến 2018, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ có nhiều công văn đề nghị VKSND Tối cao xem xét lại vụ án để giải quyết dứt điểm.
Kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối cao ngày 22/11/2019 chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình điều tra xét xử vụ án.
Trong đó, tòa hai cấp có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Việc thu thập dấu vết hiện trường, đánh giá các chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ. Nhiều nội dung cần chứng minh còn mâu thuẫn. Lời khai của bị cáo mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm hiện trường.
Theo VKSND Tối cao, các cấp tòa chưa làm rõ thời gian Hải gây án. Bản án kết luận Hải có mặt tại hiện trường lúc 19h30 là không có căn cứ, bởi lời khai của các nhân chứng thể hiện "khoảng 19h có thấy một nam thanh niên ngồi bên trong bưu điện" nhưng kết luận điều tra cho rằng "khoảng 19h13 Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ rồi quay về nhà bà Len trả xe". Anh ta sau đó sang nhà một người dì khác lấy xe, đến một quán trả tiền cho anh Võ Lộc Đang rồi mới đi đến bưu điện.
Tổng thời gian từ hiệu cầm đồ đến khi trả tiền cho anh Đang, Hải phải mất gần 30 phút nhưng chưa làm rõ Hải mất bao lâu để đi từ điểm gặp anh Đang đến bưu điện. Cơ quan điều tra xác định "đoạn đường từ hiệu cầm đồ đến Bưu điện Cầu Voi khoảng 7,5 km, đi hết 15 phút" thì Hải không thể có mặt tại hiện trường trước 19h39 phút như kết luận.
VKS cũng cho rằng, cấp sơ thẩm và phúc thẩm không làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do Hải cướp được; dấu vân tay thu được ở hiện trường không phải là của Hải nhưng của ai cũng không được làm rõ...
Về thủ tục tố tụng, VKS Tối cao cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng như: không trưng cầu giám định vết máu ngay khi thu được mà để 4 tháng sau khi khám nghiệm hiện trường; không đưa lời khai của Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án; khám nghiệm hiện trường nhưng không thu giữ ghế, thớt - những vật chứng quan trọng mang dấu vết vụ án; không giám định thời điểm chết của nạn nhân; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung có sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai...
Đặc biệt, VKS xác định, lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án, dù những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra. Cơ quan tiến hành tố tụng không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu (nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án); nhân vật tình nghi Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ.
Cùng quan điểm, luật sư Trần Hồng Phong (bào chữa cho Hải tại phiên giám đốc thẩm) từng cung cấp chứng cứ đến các cơ quan tố tụng phân tích về những thiếu sót, sai phạm trong vụ án. Trong đó, Nguyễn Văn Nghị - được cho là người yêu của một trong hai nạn nhân, có ghé bưu điện Cầu Voi trong đêm xảy ra vụ án và "bỏ trốn sau đó". Cơ quan điều tra đã từng tạm giữ và lấy lời khai của nghi phạm này. "Như vậy, Nguyễn Văn Nghị là nhân chứng và thậm chí có thể là một nghi can nhưng toàn bộ thông tin về người này đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án một cách rất bất thường" luật sư Phong nêu quan điểm.
Full Video: Vợ chồng Lẫm Quyết gọi tên Thượng tá Cao Giang Nam khi vừa ra khỏi nhà giam
Góc tối trong dịch COVID-19: Kiếm lời từ mẫu máu bệnh nhân