Lạng Sơn: Vững tin hội nhập cùng đất nước

4 năm trước Nguồn: Báo Thương Hiệu Việt

THCL - Năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng, có nhiều điểm sáng; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, góp phần tạo dựng niềm tin đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trước thềm năm mới Xuân Tân Sửu 2021, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu đã có cuộc trò chuyện cùng PV xung quanh vấn đề này.

Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến ThiệuPhó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu

Xin Chủ tịch cho biết khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020?

Năm 2020, vượt qua khó khăn và thách thức, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nhiều giải pháp một cách kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, vừa quyết liệt phòng chống đại dịch Covid-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế - xã hội.

Nhờ đó, đã thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” đó là, công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh đạt kết quả cao, nhận được sự đồng tình, ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; tình hình kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực và có nhiều điểm sáng.

Thương mại, dịch vụ hoạt động ổn định trở lại, sản xuất nông - lâm nghiệp và công nghiệp tiếp tục phát triển, hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, thị trường, giá cả ổn định, thu - chi ngân sách đạt kế hoạch đề ra.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều điểm sáng, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng - an ninh và hoạt động đối ngoại được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Cụ thể như sau.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 2,09% (tốc độ tăng tuy không đạt kế hoạch, nhưng trong bối cảnh ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh, thì đây là một sự nỗ lực lớn). Trong đó, nông - lâm nghiệp tăng 3,06%, công nghiệp - xây dựng tăng 2,35%, dịch vụ tăng 1,54%, thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) tăng 2,04%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục lan tỏa sâu rộng, đạt kết quả nổi bật. Dự ước năm 2020 có thêm 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 3 xã so kế hoạch).

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế cửa khẩu. Vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh đã thường xuyên trao đổi, hội đàm với phía Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) để thống nhất các biện pháp thúc đẩy thông quan hàng hóa. Tỉnh có nhiều sáng kiến để giải quyết ùn ứ phương tiện tại cửa khẩu và bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh. Hiện tại, có 6/12 cửa khẩu đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thời gian thông quan tại các cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam và Na Hình còn hạn chế, chưa thể khôi phục như trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh, năm 2020 ước khoảng 2.810 triệu USD (bằng 51,1% kế hoạch, giảm 40,8% so cùng kỳ 2019). Trong đó, xuất khẩu đạt 1.220 triệu USD (bằng 37,9% kế hoạch, giảm 52,2% so cùng kỳ); nhập khẩu 1.590 triệu USD (bằng 69,7% kế hoạch, giảm 27,7% so cùng kỳ).  

Song song đó, lãnh đạo tỉnh phối hợp chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với số tiền là 5.824 tỷ đồng/tổng số 2.150 khách hàng, trong đó 211 doanh nghiệp được hỗ trợ (tính đến hết 30/11/2020).

Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch, song bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đã mang lại kết quả quan trọng: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 6.202,5 tỷ đồng (đạt 100,9% dự toán, giảm 10,5% so cùng kỳ 2019). Trong đó, thu nội địa 2.600 tỷ đồng (đạt 94,5% dự toán, giảm 18,7% so cùng kỳ), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.600 tỷ đồng (đạt 105,9% dự toán, giảm 2,8% so cùng kỳ), thu các khoản huy động đóng góp 2,55 tỷ đồng. 

Tỉnh đã chi hỗ trợ đối với nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020 của Chính phủ) với tổng số 198.878 người, tổng số tiền 163,89 tỷ đồng; hỗ trợ một số nhóm đối tượng theo các chính sách của tỉnh 1.762 người với 1.837 triệu đồng. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 với số tiền và hiện vật trị giá 16,2 tỷ đồng.

Công tác giám sát, kiểm soát dịch bệnh được theo dõi chặt chẽ. Địa phương chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch Covid-19, thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch từ khu vực biên giới cửa khẩu đến nội địa, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Thực hiện kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng 5 chương trình công tác trọng tâmBan Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII đã xây dựng 5 chương trình công tác trọng tâm

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng 5 chương trình công tác trọng tâm. Vậy, Lạng Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình này như thế nào để đạt hiệu quả, thưa ông?

Để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 04-CTr/TU, ngày 6/11/2020 nhằm tạo đột phá phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế của địa phương trong thời gian tới. Theo đó, được thể hiện bởi 5 chương trình dưới đây. 

Chương trình 1: Tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Chương trình 2: Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chương trình 3: Tập trung phát triển ngành du lịch, phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn đến năm 2040).

Chương trình 4: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. 

Chương trình 5: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới...

Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Chương trình hành động nêu trên tới các cấp, các ngành.

UBND tỉnh đang tập trung xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách, các chương trình, kế hoạch, đề án để cụ thể hóa các chương trình từ số 1 - 4 với các giải pháp thiết thực, có tính khả khi để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình số 5.

Hằng năm, UBND tỉnh đều xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm, có tính lan tỏa, bám sát nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt để tổ chức thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh theo thẩm quyền, sẽ xem xét phê duyệt các nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố để thực hiện, tạo sự đồng bộ, lan tỏa nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Chủ tịch có thể nêu một số giải pháp cụ thể trong việc quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh?

Để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định, từng bước hiện thực hóa sự quyết tâm, khát vọng vươn lên của Lạng Sơn, thực hiện mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, nhằm thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong thời gian tới.

Trước hết đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường giám sát kết quả thực hiện các hồ sơ, thủ tục hành chính, chấn chỉnh xử lý các hành vi gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.

Không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, trong đó khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch xây dựng phải bảo đảm đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, hạn chế tối đa việc điều chỉnh nhiều lần, gắn với thực hiện công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên nhiều kênh khác nhau, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận.

Tăng cường công tác quản lý đất đai, tập trung giải quyết những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng. Ưu tiên bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Theo Chủ tịch, đâu là "lực hút" để Lạng Sơn trở thành điểm sáng trong việc mời gọi đầu tư?

Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả về thương mại, du lịch, dịch vụ và thời gian tới sẽ ưu tiên tập trung phát triển công nghiệp.

Là tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc, tỉnh hiện có 2 cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu ga đường sắt Đồng Đăng và cửa khẩu Hữu Nghị; có một cửa khẩu chính Chi Ma và 9 cửa khẩu phụ. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ logictis… Tỉnh có định hướng xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thành một trung tâm kinh tế, thương mại - là điểm trung chuyển hàng hóa lớn giữa Việt Nam với Trung Quốc, khu vực và thế giới.  

Mặt khác, Lạng Sơn có hệ thống đường giao thông khá đồng bộ; có hệ thống đường sắt, đường cao tốc, tỉnh lộ, các đường liên huyện, liên xã, liên thôn tương đối đầy đủ, hoàn thiện. Hệ thống giao thông tại các khu vực cửa khẩu cũng được quan tâm đầu tư.

Trong đó, điển hình như đường phục vụ xuất nhập khẩu đấu nối từ cửa khẩu Tân Thanh với khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc), đường Hữu Nghị - Bảo Lâm, đường giao thông Khu phi thuế quan (giai đoạn I), đường Bản Nằm - Bình Độ - Đào Viên, tuyến đường sắt liên vận từ cửa khẩu quốc tế ga Đồng Đăng (Hà Nội - Đồng Đăng) thông suốt với Trung Quốc, rất thuận lợi vận chuyển hàng hóa quốc tế.

Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: Đoạn Bắc Giang - Chi Lăng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 1 năm nay; đoạn từ Chi Lăng đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (dài khoảng 43 km), nhà đầu tư đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan của Trung ương, của tỉnh nghiên cứu tháo gỡ để có thể khởi công ngay trong đầu năm 2021.

Sau khi thủ tục hoàn tất, đoạn tuyến này sẽ sớm được triển khai, hình thành đường cao tốc thông suốt từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Hà Nội và các tỉnh phía nam, tạo thuận lợi để người dân, hàng hóa lưu thông.

Ngoài ra, tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), trong đó đoạn thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn dài khoảng 52 km, được phân kỳ đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 1 (2020 -2024). Đây là điều vô cùng kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giao thương, trao đổi hàng hóa.

Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh. Môi trường đầu tư đang được tỉnh nỗ lực cải thiện theo hướng kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Lạng Sơn, vững tin hội nhập cùng đất nướcLạng Sơn vững tin hội nhập cùng đất nước

Trước thềm Xuân 2021, Chủ tịch có điều gì chia sẻ cùng Thương hiệu & Công luận?

Thương hiệu & Công luận với tôn chỉ mục đích của mình, thời gian qua, đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Phóng viên Văn phòng đại diện tại Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng và các địa phương của tỉnh, tích cực tuyên truyền tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các lĩnh vực đời sống - văn hóa tại địa phương, trong đó có công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thương hiệu & Công luận cũng chủ động, tích cực tuyên truyền, đồng hành trong việc định hướng, xây dựng thương hiệu cho các đơn vị, doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Điều đó, đã tạo niềm tin, sức lan tỏa đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp tại Lạng Sơn.

Nhân dịp này, tôi xin chúc tập thể Ban lãnh đạo, Ban biên tập, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tòa soạn dồi dào sức khỏe - “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, có nhiều bài viết chuyên sâu, nhiều phóng sự hay, phản ánh hiện thực mọi mặt của đời sống xã hội…

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

 Nguyễn Kiên (Thực hiện)

Thanh Hoá : Hai doanh nghiệp được tôn vinh ở phạm vi Quốc gia

THCL - Trong số các doanh nghiệp được tặng Giải Vàng chất lượng Quốc gia năm 2020 và Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020, tỉnh Thanh Hóa vinh dự có hai doanh nghiệp được tôn vinh.

4 năm trước

Hà Nội: Hà Nội tích cực cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh

THCL - Trong 2 năm (2018 và 2019), Thành phố Hà Nội liên tiếp dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 7,5 tỷ USD (năm 2018) và 8,669 tỷ USD (năm 2019). Tính đến nay, vốn đầu tư còn hiệu lực là 47,7 tỷ USD, vốn giải ngân khoảng 28,5 tỷ USD.

4 năm trước

Đồng Nai: LDG Group bị phạt 540 triệu đồng, truy thu hơn 5,7 tỷ đồng

THCL - Do Công ty Cổ phần Đầu tư LDG - LDG Group có hành vi chiếm 401 thửa đất để sử dụng trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định,… nên UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt công ty này 540 triệu đồng, truy thu hơn 5,7 tỷ đồng,…

4 năm trước

Khai trương Cổng thông tin điện tử về FTA của Việt Nam

THCL - Ngày 23/12, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ khai trương Cổng thông tin điện tử về FTA của Việt Nam (http://fta.moit.gov.vn/) để kịp thời cung cấp các thông tin cần thiết giúp cho doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội mà các Hiệp định mang lại, đặc biệt là các FTA thế hệ mới gồm CPTPP và EVFTA.

4 năm trước

EVN - EVNNPC ủng hộ 3 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non xã Mỹ Tân, tỉnh Thanh Hóa

THCL - Tại xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bà Tòng Thị Phóng đã tham dự Lễ khởi công lớp học Trường Mầm non xã Mỹ Tân. Đây là công trình có sự tham gia đóng góp cuả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) với kinh phí 3 tỷ đồng.

4 năm trước

Xây dựng khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái

THCL - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.

4 năm trước

Việt Nam là quốc gia có giá trị thương hiệu tăng nhanh nhất thế giới

THCL - Năm 2020, Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới do Brand Finance xếp hạng. Nhờ thành tích chống dịch Covid-19, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có giá trị thương hiệu tăng nhanh nhất thế giới.

4 năm trước

OCOP – Lan tỏa chiến lược nâng cấp sản phẩm nông nghiệp địa phương

THCL - Tại Vĩnh Phúc, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thời gian qua đã giúp khai thác thế mạnh của mỗi địa phương và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản.

4 năm trước