Khi cô chủ Nguyễn Hồng Nhung xác định nhiễm nCoV cách ly ở bệnh viện Nhiệt đới, tài xế Dương Đình Phong, "bệnh nhân 20", hơi ho, sổ mũi.
Lúc đấy Phong, 27 tuổi, vẫn ở nhà, ra hiệu thuốc gần khu phố Trúc Bạch mua thuốc cảm cúm về uống. Trưa 6/3, sau khi uống hết một lần thuốc, những cơn ho, sổ mũi đỡ hẳn. Nghĩ chỉ bị cảm cúm thông thường, anh không chút bận tâm.
Lúc này, Nhung đã được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhưng Bộ Y tế chưa công bố cô dương tính nCoV. Nhịp sinh hoạt tại khu phố Trúc Bạch nơi anh sống vẫn bình thường.
"Tôi không nghĩ mình nhiễm nCoV đâu", anh nói.
Căn nhà đang yên tĩnh thì 7h tối 6/3, chiếc xe chuyên dụng của cơ quan phòng chống dịch dừng lại trước cửa. Nhân viên y tế đưa anh cùng hai người còn lại trong gia đình đi cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
"Tôi sốc, hoang mang, không hiểu chuyện gì đang xảy ra". Anh vội cầm theo túi thuốc cảm cúm vừa mua vào viện.
Mẫu bệnh phẩm của anh và những người liên quan đến Nhung được lấy ngay trong đêm, mang đi xét nghiệm. 10h tối hôm đó, Nhung được Bộ Y tế công bố kết quả dương tính nCoV, ghi nhận "bệnh nhân 17".
"Khi nghe tin, tôi lo lắng lắm", anh bày tỏ. "Mới vài tiếng trước, cả khu phố Trúc Bạch còn đang yên bình, giờ nghe tin phong tỏa, tôi không an tâm chút nào". Một phần vì lo, một phần vì lạ lẫm nơi cách ly, đêm ấy anh không ngủ được.
Sáng hôm sau, bác sĩ vào phòng báo tin anh dương tính nCoV. "Tôi bần thần".
Bộ Y tế sau đó ghi nhận anh là "bệnh nhân 20".
Phong là lái xe của Nguyễn Hồng Nhung, đã đón cô chủ ở Anh về sân bay Nội Bài về nhà ngày 2/3, sau đó đưa cô đi khám ở bệnh viện Hồng Ngọc.
"Bệnh nhân 20" trong ngày xuất viện và cảm ơn y bác sĩ đã điều trị cho mình. Ảnh: Giang Huy
Phong được điều trị tại phòng áp lực âm. Từ khi phát hiện nhiễm virus, sức khỏe anh yếu dần, tay chân bắt đầu mệt mỏi, cơn đau tức ngực xuất hiện và ngày càng đau nặng hơn.
"Người tôi mệt rã rời. Chân tay đau hết cả, sốt, cảm thấy như không còn sức lực gì", anh nhớ lại.
Anh chỉ có thể nằm trên giường, không ngồi hay đi lại được. Bố mẹ, bạn bè ở quê nhà Bắc Ninh biết tin con nhiễm bệnh qua báo chí, thường xuyên gọi điện hỏi han sức khỏe. Nhưng, do quá mệt, anh cuộc nghe được, cuộc không. Thi thoảng, anh cố gượng dậy đi lại, nhưng chỉ được một lúc ngắn lại phải nằm, "còn cơm không nuốt được mấy".
"Tôi cảm giác mình như bất lực vậy", anh nói.
Bác sĩ vào thăm khám 2 lần một ngày vào buổi sáng và chiều. Anh được chỉ định uống thuốc, không phải truyền dịch như nhiều trường hợp khác. Túi thuốc cảm cúm anh mới mua tại hiệu thuốc hôm trước, bác sĩ bảo cứ uống hết liều.
Phòng cách ly yên ắng, chỉ có một mình, anh càng nghĩ ngợi lung tung, hoang mang nhiều hơn. Anh chia sẻ: "Tôi không biết bệnh này có những triệu chứng gì, diễn biến ra sao. Nằm điều trị, biết tin các bệnh nhân trở nặng, có những người còn không đi lại được, không ăn được chút cơm nào, tôi càng lo".
Những lúc như vậy, các bác sĩ liên tục động viên tinh thần bệnh nhân. Khoảng 3-4 ngày sau, anh dần khỏe lại, bớt ho, sốt, cơ thể không còn mệt mỏi nhiều nữa. Anh cũng dần nhẹ nhõm hơn.
Hơn một tuần sau, các triệu chứng không còn, sức khỏe anh tốt lên từng ngày, ăn được, ngủ được. Anh vui mừng gọi điện báo tin cho gia đình.
Phong lần lượt nhận kết quả xét nghiệm âm tính lần một, lần 2 sau gần một tháng điều trị.
"Niềm vui sướng không thể diễn tả", anh nói. Anh xuất viện ngày 2/4. Hồng Nhung đã được xuất viện trước đó vài ngày.
Cử chỉ có phần rụt rè, giọng nói nhỏ, khi xuất viện, anh không giấu nổi niềm vui. Phong bày tỏ từ khi cô chủ về Việt Nam, anh luôn lái xe cho cô. Khi bị lây nhiễm virus, anh thông cảm cho cô chủ bởi hiểu "đó là điều không ai muốn".
Phong cảm ơn đội ngũ y bác sĩ đã tận tình chăm sóc, điều trị cho mình. Anh sẽ thực hiện đúng quy định cách ly trong 14 ngày tới để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mình và những người thân xung quanh.
Nghìn lọ tro cốt lại dấy tranh cãi về số liệu Covid-19 Trung Quốc
Toàn cầu giành giật khẩu trang