Gỡ khó cứu doanh nghiệp vận tải

2 năm trước Nguồn: Báo Giao Thông

Thực tế doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn do dịch Covid-19 cần hỗ trợ gì và Nhà nước có thể hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp?

Gỡ khó cứu doanh nghiệp vận tải 1

Bộ GTVT đang sửa đổi Thông tư số 70/2015 theo hướng điều chỉnh chu kỳ kiểm định ô tô chở người đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 tháng lên 12 tháng đối với chu kỳ định kỳ. Ảnh minh họa: Huy Lộc

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ GTVT chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền. Thực tế doanh nghiệp vận tải cần hỗ trợ gì? Ngược lại Nhà nước có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp?

Gánh nặng thuế, phí

Ông Phạm Văn Tải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải bộ Tân Cảng (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) chia sẻ, thời gian qua sản lượng và doanh thu của doanh nghiệp giảm hơn 60%, rất nhiều người lao động không có việc làm.

Đối với công tác quản lý, giám sát giá cước vận tải, lưu kho… hiện do Bộ GTVT quản lý, Bộ Tài chính phối hợp quản lý, giám sát dưới khía cạnh các doanh nghiệp có thực hiện đăng ký kê khai giá không và khi thực hiện trên thực tế có theo đúng giá đã kê khai hay không, vì đây không phải là mặt hàng nằm trong diện bình ổn giá.
Hiện Bộ Tài chính đã cử người phối hợp tham gia cùng đoàn kiểm tra, giám sát do Bộ GTVT thành lập và chủ trì, đang thực hiện việc kiểm tra tại phía Nam theo kế hoạch của Bộ GTVT. Phức tạp nhất là việc kiểm tra, giám sát là trong lĩnh vực cảng biển, liên quan tới chi phí logistics và hoạt động xuất, nhập khẩu. Sau khi có kết quả, đoàn kiểm tra sẽ thông tin cụ thể.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)


“Cả trăm đầu xe phải ngừng chạy do không có hàng nhưng chúng tôi vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ. Để giảm thuế phí, nhiều tài xế chấp nhận đi tuyến đường xấu và xa hơn để không phải đóng phí BOT.

Tới đây, TP.HCM lại chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển, khó khăn chồng chất khó khăn”, ông Tải than.

Cũng theo ông Tải, quy định gắn camera theo Nghị định 10 cũng khiến doanh nghiệp tốn kém thêm chi phí.

Mỗi xe bình quân 5.000.000 đồng/bộ camera và phí dịch vụ, với doanh nghiệp có hàng trăm xe mất khoản tiền lớn.

“Chi phí kiểm định định kỳ phương tiện 6 tháng 1 lần như hiện nay cũng cần tháo gỡ cho doanh nghiệp. Dịch bệnh xe hoạt động không nhiều, nên tăng thời gian kiểm định lên 1 năm nhưng giữ nguyên đơn giá kiểm định”, ông Tải nói và cho biết, giá xăng dầu đang chiếm 35% chi phí vận chuyển, trong khi giá xăng liên tục tăng những ngày gần đây.

Cơ quan chức năng nên sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này.

Là doanh nghiệp vận tải với 250 đầu xe container, ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng đại diện phía Bắc, Công ty CP Vận tải giao nhận và Thương mại Quang Châu cho hay, dịch bệnh bùng phát, 70% số xe dừng hoạt động do hàng hóa khan hiếm, giá cước giảm sâu nhưng vẫn phải gánh nhiều loại thuế, phí, lãi ngân hàng, các loại phí bảo hiểm...

Không những vậy, chi phí kho bãi cũng tăng cao. Trước khi có dịch, một chuyến xe chở hàng đi cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chỉ hết 6 ngày nhưng nay phải nằm cả tháng, chi phí xe nằm bãi từ 200.000 đồng/ngày tăng lên đến 400.000 đồng/ngày.

“Do dịch bệnh, để hàng hóa qua được cửa khẩu, doanh nghiệp phải thuê một “đội lái xe đặc biệt” của nước bạn với chi phí 6.000.000 đồng/chuyến. Do không quản lý được lái xe, nhiều khi hàng hóa hư hỏng phải bồi thường, không lấy được tiền cước lại còn phải bỏ tiền chuộc xe về”, ông Thảo chia sẻ.

Vẫn khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương tạo luồng xanh để xe chở hàng hóa của các địa phương được chạy thẳng qua các chốt kiểm dịch. Ảnh: PV

Là doanh nghiệp vận tải khách lớn của tỉnh Quảng Ninh, ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên cho hay, doanh nghiệp có trên 300 xe dừng hoạt động nhưng vẫn chưa được miễn phí bảo trì đường bộ vì thủ tục rườm rà.

Để được miễn theo quy định của Bộ Tài chính, xe phải dừng hoạt động 30 ngày trở lên, sau đó phải trả lại phù hiệu và phải có xác nhận của sở GTVT.

“Có thể dịch chưa đến 30 ngày đã được chạy, sau đó lại phải xin cấp đổi phù hiệu mới. Nhiều doanh nghiệp vẫn “cắn răng” trả tiền dù xe không chạy vì ngại thủ tục.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chỉ cần “chớm” nợ tiền thuế, cục thuế sẽ chuyển ngay sang ngân hàng phong tỏa tài khoản. Bảo hiểm xã hội cũng vậy, quá hạn nộp họ cũng có văn bản đề nghị thanh kiểm tra, phong tỏa tài khoản”, ông Xuyên nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho hay, thời gian qua lượng xe khách hoạt động chỉ đạt 50% so với trước dịch, vận tải taxi còn thảm hơn với 20%.

Trong khi một số chi phí cho xe hoạt động tăng, lượng khách được phép chở bị khống chế dưới 50%, các đơn vị vận tải khách đều đang chịu thua lỗ nặng nề.

Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần nghiên cứu quy định cụ thể cho những lĩnh vực chịu tác động nặng nề, mức hỗ trợ cần cao hơn, các điều kiện cũng cần đơn giản hơn.

Theo ông Quyền, một số chính sách đã ban hành thời gian qua nhưng các doanh nghiệp rất khó tiếp cận.

Đơn cử, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 112/2020 về giảm phí sử dụng đường bộ nhưng các nhà đầu tư BOT không thực hiện, vì cho rằng nếu giảm phí thì Bộ Tài chính cần có các cơ chế chính sách đối với nhà đầu tư...

Cũng theo ông Quyền, Chính phủ cũng cần có quy định giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe ô tô về 0% trong cả năm 2021. Lý do hiện nay các doanh nghiệp vận tải ô tô hầu hết đang thua lỗ trầm trọng.

Các ngân hàng tiếp tục cho vay các gói chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt để các đơn vị vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh.

“Chính phủ cũng cần cho phép tăng thời gian của chu kỳ kiểm định xe kinh doanh taxi từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ lần I và từ 6 tháng lên 12 tháng đối với chu kỳ lần II, vì từ năm 2020 đến nay xe taxi hoạt động trong ngày chỉ bằng 20% so với trước dịch.

Bên cạnh đó, cho phép lùi thời hạn thực hiện lắp camera trên xe khách, xe đầu kéo đến ngày 31/7/2023”, ông Quyền nói.

Đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó doanh nghiệp

Gỡ khó cứu doanh nghiệp vận tải 3

Người và phương tiện qua chốt cầu Vàng Chua (xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) được kiểm soát chặt chẽ để phòng dịch

Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ GTVT chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền trong thị trường nội địa.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, kể từ khi bùng phát dịch, Bộ GTVT đã đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập DN cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch. Bên cạnh đó, cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021 và không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách. Giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến ngày 31/12/2021.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT)


Về đề xuất giảm phí BOT, ông Ngọc cho hay, Thông tư số 112 quy định mức phí sử dụng đường bộ (phí thu trên đầu phương tiện) đối với xe ô tô kinh doanh vận tải.

Việc thu phí dịch vụ đường bộ không thuộc đối tượng quy định tại Thông tư này nên các nhà đầu tư không phải thực hiện.

“Hiện nhiều dự án đã miễn, giảm phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo Nghị quyết số 35 của Chính phủ đối với các vùng lân cận trạm thu phí và một số dự án BOT chưa được xem xét tăng giá sử dụng đường bộ mặc dù đã đến thời điểm tăng giá.

Nhà đầu tư BOT cũng là các doanh nghiệp và cũng đều chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do giảm lưu lượng phương tiện lưu thông qua trạm làm giảm doanh thu, ảnh hưởng đến khả năng cân đối tài chính của doanh nghiệp”, ông Ngọc cho hay.

Liên quan giải pháp tháo gỡ chu kỳ kiểm định xe, Bộ GTVT đang sửa đổi Thông tư số 70/2015 theo hướng sẽ điều chỉnh chu kỳ kiểm định của ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 lên 12 tháng đối với chu kỳ định kỳ.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm xử phạt doanh nghiệp vận tải không lắp camera giám sát do tác động của dịch Covid-19.

Đối với đề xuất miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm nay, ông Ngọc cho hay, để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thông tư 112/2020 của Bộ Tài chính cho phép giảm mức thu phí sử dụng đường bộ từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/6/2021.

“Việc gia hạn thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính để góp ý nội dung các dự thảo thông tư liên quan đến quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh”, ông Ngọc cho hay.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112 đến hết năm nay. Bên cạnh đó, kéo dài Thông tư số 74/2020 của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách được giảm 30%; xe ô tô tải kinh doanh vận tải được giảm 10% đến hết ngày 31/12/2021.

“Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương tạo luồng xanh để xe chở hàng hóa của các địa phương được chạy thẳng qua các chốt kiểm dịch nhằm đảm bảo cho hàng hóa nông sản không bị hư hỏng”, ông Ngọc nói và cho biết, Bộ GTVT cũng đã đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho các đối tượng nguy cơ cao thuộc ngành GTVT đã được quy định tại Nghị quyết số 21 của Chính phủ.

Lo thiếu nhân lực khi vận tải phục hồi

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, hiện nay mỗi chuyến xe doanh nghiệp vận tải đang phải chịu rất nhiều chi phí như: Chi phí vận tải, khấu hao bảo dưỡng phương tiện, nhiên liệu, hóa đơn chứng từ về hàng hóa, cầu đường, bảo trì đường bộ...

Tất cả đã tác động lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó đẩy giá cước vận chuyển lên cao. Doanh thu mỗi chuyến hàng, chuyến xe hiện chỉ đủ trang trải chi phí vận hành, nhân lực… dẫn đến các đơn vị kinh doanh vận tải ngày càng gặp nhiều khó khăn, tìm cách thu hẹp và buộc phải giảm bớt phương tiện, giảm bớt nhân công.

“Tuy nhiên đó chưa phải là nỗi lo lớn của ngành vận tải, mà điều đáng lo là khi vận tải phục hồi, sẽ không có đủ nhân lực để tham gia sản xuất. Để tồn tại, nhiều đơn vị đã chủ động sử dụng nhiều biện pháp để khắc phục trước mắt như: Cắt giảm mọi chi phí không cần thiết, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, điều chỉnh lại luồng tuyến để từ đó tìm cách giữ chân người lao động, sớm ổn định hoạt động kinh doanh”, bà Hiền cho hay.

Trước tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp vận tải, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, thời gian sắp tới, bên cạnh những nhiệm vụ mang tính dài hơi, Bộ Công thương sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và Bộ Tài chính trong việc rà soát, kiểm tra các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng đường biển bao gồm các hãng tàu trong việc thực hiện các quy định về giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển.

Đồng thời, bám sát diễn biến tình hình giá cước tàu biển và phản ánh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa để có các giải pháp, kiến nghị, đề xuất hướng xử lý phù hợp…

Bộ cũng sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa do Bộ Công thương quản lý. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, triển khai quy hoạch phát triển trung tâm logistics trên địa bàn cả nước.

Đặc biệt, thường xuyên cập nhật tình hình xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề có liên quan khác, qua đó kịp thời thông tin khuyến cáo tới các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp chủ động có phương án, giải pháp ứng phó, hạn chế tình trạng ùn ứ cục bộ tại các cửa khẩu.

T. Duy- H. Hạnh

Kiến nghị tiêm vaccine cho lái xe đường dài

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM, cho biết, Hiệp hội đã gửi văn bản kiến nghị Sở GTVT, UBND TP xem xét hỗ trợ giảm lãi suất và giãn nợ, miễn hoặc giảm phí bảo trì đường bộ cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Những nội dung trên hiện đang được xem xét.

Riêng đề xuất xin lùi thời hạn lắp camera trên xe khách và xe tải, ông Quản cho biết, một số doanh nghiệp kiến nghị thời gian nên kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.

“Phí bảo trì đường bộ cũng nên miễn giảm cho doanh nghiệp. Bởi giãn cách xã hội toàn TP, xe không hoạt động, không chạy thì không có thu. Đồng thời cũng nên hỗ trợ miễn hoặc giảm phí BHXH, bởi hiện nay công nhân không có việc làm, thu nhập bấp bênh”, ông Quản kiến nghị.

Ngoài ra, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở GTVT phối hợp Sở Y tế xem xét tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các tài xế lái xe đường dài.

Bởi đây là đối tượng vận chuyển hàng hóa qua các tỉnh thành trên cả nước, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao nếu không được tiêm sớm. Mặt khác, một số tỉnh thành yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm mới được chở hàng qua địa phương.

Đỗ Loan

Đề xuất giảm 50% lãi vay, giãn nợ gốc

Theo ông Văn Công Điểm, Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines, hiện nay các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Vì thế, các kiến nghị của Bộ GTVT như giảm thuế giá trị gia tăng về 0%; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021 (không tính lãi nộp chậm)... là rất cần thiết.

“Với lãi suất vay, đề nghị giảm 50% cho các khoản lãi phải trả, trong số này Nhà nước hỗ trợ 25%, ngân hàng hỗ trợ 25%. Bên cạnh đó, giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 - 12 tháng cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; giảm lãi và có các gói chính sách hỗ trợ lãi suất. Đối với chính sách trả lương cho người lao động duy trì lãi vay bằng 0%”, ông Điểm đề xuất.

Yên Trang

Hoàn thành nạo vét khu bến Lạch Huyện, sẵn sàng đón tàu lớn

Độ sâu luồng và khu nước trước bến cảng Lạch Huyện hiện tại đáp ứng cho việc tiếp nhận tàu có trọng tải đến 145.000 DWT vào rời bến cảng.

7 tháng trước

Vì sao hai liên danh không trúng gói thầu 35.000 tỷ sân bay Long Thành?

Ngoài công bố đơn vị trúng thầu, ACV cũng thông tin về hai liên danh nhà thầu trượt gói thầu gần 35.000 tỷ đồng nhà ga sân bay Long Thành.

7 tháng trước

Chuyện “gõ cửa từng nhà” để dân nhường đất làm sân bay Long Thành

Cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống huyện, xã, ấp tại Đồng Nai đã cùng gõ cửa từng nhà, vận động người dân sớm di dời, nhường đất phục vụ dự án.

7 tháng trước

Hơn 410 nghìn khách qua sân bay Nội Bài 4 ngày nghỉ lễ 2/9

Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, sân bay Nội Bài dự kiến sẽ đón 410 nghìn lượt khách.

7 tháng trước

Xây dựng phương án chạy chung tàu đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia

Bộ GTVT yêu cầu tư vấn lập quy hoạch xây dựng phương án chạy tàu chung đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia khu vực Hà Nội.

7 tháng trước

Vietur chính thức trúng gói thầu 5.10 sân bay Long Thành gần 35.000 tỷ

Sau thời gian chấm thầu, đến nay gói thầu 5.10 sân bay Long Thành gần 35.000 tỷ chính thức về tay liên danh nhà thầu Vietur.

7 tháng trước

Thu không đủ chi, nhiều trung tâm đăng kiểm nguy cơ đóng cửa

Lượng xe đăng kiểm sụt giảm nghiêm trọng, trong khi giá dịch vụ kiểm định đã không đổi 10 năm qua khiến nhiều trung tâm đăng kiểm lao đao.

7 tháng trước

Người dân thích thú trải nghiệm xe đạp công cộng ở Hà Nội

Ở các điểm cho thuê xe đạp công cộng trong ngày đầu Hà Nội tổ chức thí điểm đã thu hút đông người dân biết tới và sử dụng.

7 tháng trước