Giúp hộ nghèo: trao cần câu, bớt cho không

3 năm trước Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

TTO - Xung quanh thông tin sẽ bỏ một số chính sách 'cho không' hộ nghèo trong chương trình, mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, ông Tô Đức - vụ trưởng, chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) - cho rằng sẽ có nhiều điểm đột phá.

Giúp hộ nghèo: Trao cần câu, bớt cho không - Ảnh 1.

Người nghèo rất cần vốn để làm ăn, tự thoát nghèo. Trong ảnh: người nghèo quận 8, TP.HCM được vay vốn từ quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm thuộc LĐLĐ TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Trong đó, sẽ tập trung đầu tư con người, tiếp tục tăng nguồn lực, tăng mức đầu tư nhưng sẽ giảm tối đa việc "cho không".

* Ông đánh giá thế nào về kết quả giảm nghèo trong 5 năm vừa qua (2016-2020)?

- Các mục tiêu giảm nghèo do Quốc hội và Chính phủ đề ra đều hoàn thành. Tỉ lệ giảm nghèo chung cả nước, tỉ lệ giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, tỉ lệ giảm hộ nghèo người dân tộc đều đạt. Ví dụ như tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ xuống dưới 26%. Năm 2016, tỉ lệ này trên 40%, có những địa bàn từ 50-70%.

Đến thời điểm này, địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo (thuộc chương trình 30a), các xã đặc biệt khó khăn; thôn, ấp đặc biệt khó khăn (chương trình 135) đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình điện, đường, trường, trạm và các hạng mục thiết yếu phục vụ dân sinh đã được ưu tiên đầu tư. 

Với các chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới thì ở địa bàn những huyện nghèo, vùng miền núi, dân tộc như khu vực Tây Bắc có những công trình trọng điểm phục vụ tuyến xã, tuyến huyện được đầu tư, nhiều nơi tốt hơn vùng đồng bằng.

* Đó là đầu tư về hạ tầng, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã hỗ trợ gì cho người dân?

- Chính sách hỗ trợ người nghèo đã đầy đủ, toàn diện, từ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sạch, thông tin, dạy nghề, việc làm... Hộ nghèo được vay đến 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra còn có những chính sách, cơ chế, mô hình, nguồn lực để hỗ trợ những người nghèo có khả năng lao động, hướng đến các mô hình sinh kế, mô hình sản xuất như chăn nuôi và trồng trọt.

Tuy nhiên, cũng chính từ sự quan tâm đầy đủ của Nhà nước nên dẫn đến một bộ phận người nghèo, thậm chí cả chính quyền địa phương có tâm lý ỷ lại, trông chờ chính sách, không muốn vươn lên thoát nghèo, nhất là hỗ trợ không có điều kiện, nghiễm nhiên coi đó là khoản miễn phí.

Từ hạn chế này, tới đây việc thiết kế chính sách sẽ phải tính toán việc hỗ trợ làm sao để người nghèo chủ động thoát nghèo, nỗ lực vươn lên.

* Lãnh đạo một số địa phương cho rằng giảm nghèo giai đoạn tới cần thay đổi, ví dụ như cắt giảm việc hỗ trợ tiền trực tiếp, giảm cho không. Ông nghĩ sao về việc này?

- Điểm đột phá mới trong giai đoạn tới là tập trung đầu tư con người, đặc biệt là người nghèo. Đây là mục tiêu, chiến lược.

Chúng ta phải phân loại người nghèo, làm rõ nguyên nhân nghèo. Hiện nay, tỉ lệ chung cả nước có 2% hộ nghèo là đối tượng bảo trợ xã hội (người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em...) - đây là nhóm khó có khả năng thoát nghèo.

Bên cạnh đó là xác định nhóm hộ nghèo có khả năng lao động. Thậm chí phân loại trong nhóm này thành các nhóm nghèo do lười lao động, nghèo do vướng tệ nạn xã hội, nghèo do thiếu sự hỗ trợ (thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn...). Việc phân loại này sẽ đưa ra được các biện pháp tác động phù hợp. Giảm nghèo gắn với đối tượng cụ thể, đặc điểm hộ gia đình cụ thể thì mới áp dụng các biện pháp thoát nghèo bền vững.

Để giúp người dân thoát nghèo bền vững thì cần có kế hoạch thoát nghèo cho mỗi nhóm đối tượng. Tức là sau khi xác định hộ nghèo, nguyên nhân nghèo thì phải giúp người dân xây dựng kế hoạch thoát nghèo thiết thực, đơn giản.

Ví dụ, đối với các đối tượng nghèo mà lười lao động, không có ý chí thoát nghèo, nhưng hộ nghèo có người vướng vào tệ nạn xã hội cũng cần xác định trong hộ đó ai là lao động chính để từ đó có những tác động tích cực. Có những tác động tích cực vào lao động chính trong các hộ nghèo để họ lôi kéo, tác động tới các thành viên còn lại trong gia đình cùng tham gia quá trình giảm nghèo.

* Những điều ông nói trên sẽ được đưa vào chương trình, mục tiêu giảm nghèo giai đoạn tới 2021-2025?

- Thứ nhất, sắp tới việc chuẩn hóa sẽ có trong văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ tướng ban hành quy trình rà soát hộ nghèo, xác định bộ công cụ và kế hoạch rà soát.

Thứ hai, trọng tâm chính sách giai đoạn tới là hỗ trợ có điều kiện. Nghĩa là tất cả các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo không được nhận chính sách cho không mà phải có tham gia đóng góp. 

Ví dụ bảo hiểm y tế, đối với hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% còn người dân đóng 30%. Tất cả hỗ trợ sẽ theo kiểu "Nhà nước cùng nhân dân", tức Nhà nước sẽ hỗ trợ khoảng 60-70%, còn lại là người dân đóng góp, huy động cộng đồng chứ ngân sách không hỗ trợ bao cấp. Toàn bộ cơ chế chính sách đi theo hướng hỗ trợ có điều kiện.

Thứ ba, mục tiêu chương trình quốc gia đi vào hỗ trợ người nghèo có sinh kế, có việc làm, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt... Có thu nhập mới nâng cao được chất lượng cuộc sống.

Thứ tư, phải hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (đường giao thông, điện nước, nhà ở, giáo dục, y tế...). Việc đầu tư dịch vụ công phải có lộ trình.

Thêm nữa, những vùng đã được đầu tư tương đối thì chuyển sang ưu tiên các vùng người dân không tiếp cận dịch vụ cơ bản. Công tác giảm nghèo phải làm cuốn chiếu, thực sự đem đến sự thay đổi, thay da đổi thịt chứ không cào bằng, bình quân. Tức là sẽ tính đến hệ số khó khăn để tính suất đầu tư. 

Ví dụ vùng nhiều đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, tỉ lệ nghèo cao thì suất đầu tư cao hơn. Trong số đó, nơi nào làm tốt (đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉ lệ người dân tiếp cận dịch vụ xã hội cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm bền vững...) thì sẽ có chính sách, cơ chế ưu tiên để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo sớm hơn.

Nơi nào không làm, ỷ lại, trông chờ sẽ giảm nguồn lực hỗ trợ, kiện toàn lại bộ máy cán bộ. Phải có chế tài, có phương pháp, phân định rõ ràng nơi nào làm tốt, hiệu quả sẽ ưu tiên để thoát hẳn nghèo. Cụ thể, sẽ phân chia tầng nấc. Anh thuộc chương trình hỗ trợ 135 thì khi thoát khỏi 135 sẽ sang chương trình hỗ trợ 30a. Khi thoát khỏi 30a thì chuyển tiếp sang chương trình nông thôn mới.

Một số giải pháp chính trong giảm nghèo 5 năm tới

- Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Có chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đường giao thông, điện lưới để kết nối với các khu vực trung tâm, vùng động lực phát triển.

- Ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động thuộc hộ nghèo, lao động người dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho lao động thuộc hộ nghèo, lao động người dân tộc thiểu số làm việc tại các doanh nghiệp, hỗ trợ điều kiện sinh kế tạo việc làm tại chỗ gắn với chuỗi giá trị.

- Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ với vai trò "bà đỡ" cho người nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc; có chính sách khuyến khích doanh nhân hỗ trợ người nghèo thông qua các hoạt động tiếp nhận lao động nghèo, đào tạo nguồn nhân lực…

- Thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính gắn với kết quả đầu ra (trung ương phân bổ vốn theo tiêu chí, giải ngân theo kết quả đầu ra, theo tiến độ đối ứng của ngân sách địa phương); đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương không giao chi tiết, cho phép địa phương chủ động xây dựng đề án bố trí vốn thực hiện trên địa bàn; tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình giảm nghèo...

* Ông Vòng A Lộc (quận Tân Phú, TP.HCM):

Cán bộ cơ sở phải theo sát

Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo hiện nay như vay vốn đóng học phí, giới thiệu việc làm, dạy nghề khi làm đúng đối tượng, đến nơi đến chốn đều rất thiết thực đối với hộ nghèo. Đặc biệt là chính sách vay vốn, miễn giảm học phí và giới thiệu việc làm. Đây là hai chính sách hỗ trợ giảm nghèo có thể xem là giải pháp bền vững nhất.

Ở đô thị như TP.HCM, về căn bản chỉ cần có việc làm, thu nhập ổn định là sẽ thoát nghèo. Vấn đề việc làm không quá khó bởi có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chỉ cần tay nghề phổ thông.

Tuy nhiên đối với người nghèo cần có sự động viên, theo sát của cán bộ cơ sở. Tôi từng gặp nhiều trường hợp người nghèo khi mới đưa đến công ty để giới thiệu vào làm việc đã chê lương thấp, không muốn làm. Chúng tôi phải thuyết phục, động viên đồng thời phải có sự chia sẻ của chủ doanh nghiệp để người lao động an tâm rằng nếu họ làm tốt, khi đó sẽ được trả lương cao hơn, thu nhập sẽ dần tăng lên.

* Ông Lê Văn Thành (nguyên trưởng phòng văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Cần xem lại hệ thống chính sách

Chúng ta cần xem xét lại toàn bộ các chính sách hỗ trợ người nghèo. Ở TP.HCM, dù đang thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, đo lường các chiều nghèo về thu nhập, nhà ở, y tế, đào tạo... nhưng cũng đang bộc lộ nhược điểm.

Các chính sách đang mang tính chất hỗ trợ xã hội và đang được làm một cách đại trà hơn là các giải pháp để hộ nghèo cải thiện đời sống một cách căn cơ. Điều đó khiến luôn có một bộ phận người dân ỷ lại, hoặc lợi dụng chính sách dẫn đến việc có những hộ nghèo "bền vững", một thời gian dài vẫn ở trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo.

Chẳng hạn nói về chương trình hỗ trợ mua BHYT, trước đây chúng ta chỉ có hộ nghèo, nhưng sau khi có thêm tiềm lực đã mở rộng thêm đối tượng cận nghèo, hằng năm tiêu tốn rất nhiều ngân sách.

Tuy nhiên, đối với nhiều hộ cận nghèo, vấn đề thuộc về nhận thức, họ không muốn mua BHYT không hẳn là không có tiền. Hoặc nói về chính sách sửa chữa nhà ở, hỗ trợ từ 17-20 triệu đồng cho hộ nghèo và cận nghèo nhưng không thực sự giải quyết được câu chuyện nghèo của người nghèo.

Các chính sách hỗ trợ vẫn là cần thiết, đặc biệt là đối với chương trình cho vay vốn, miễn giảm học phí nhưng cần xem lại cách hỗ trợ, xác định đúng đối tượng và nâng mức hỗ trợ ở một số chính sách như sửa chữa nhà ở, vay vốn... thay vì đại trà như hiện nay.

VŨ THỦY ghi

Sông Công (Thái Nguyên): Công bố Quy hoạch chi tiết phần mở rộng Khu nghĩa trang Cải Đan

(Xây dựng) – Mới đây, UBND thành phố Sông Công tỉnh Thái Nguyên đã chính thức công bố Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nghĩa trang Cải Đan (phần mở rộng), theo Quyết định số 2458/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 của UBND thành phố Sông Công.

3 tháng trước

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch 12 địa phương

(Xây dựng) – Ngày 23 tháng 10 năm 2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 430/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tuyến với 12 địa phương về đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

6 tháng trước

Viện Kiến trúc quốc gia hoàn thành tốt nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2023

(Xây dựng) – Vừa qua, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023.

6 tháng trước

Lạng Sơn: Đẩy nhanh tiến độ, chất lượng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030

(Xây dựng) – Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Công văn số 4986/VP-KT thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu về việc đẩy nhanh tiến độ, chất lượng quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

6 tháng trước

Bà Rịa – Vũng Tàu: Đã tìm ra phương án thiết kế cầu Cỏ May 3

(Xây dựng) – UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Cỏ May 3 thuộc Dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Cuộc thi đã có 1 giải Nhất và 2 giải Ba.

6 tháng trước

Hà Tĩnh: Quy hoạch thị trấn Đức Thọ theo chuẩn kỹ thuật đô thị loại III đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững

(Xây dựng) - UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vừa tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch mở rộng thị trấn Đức Thọ và vùng phụ cận đến năm 2035, theo đó, quy hoạch đảm bảo tính kết nối đồng bộ, phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật đô thị loại III, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, lâu dài của thị trấn Đức Thọ.

6 tháng trước

Chuyển đổi số lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc: Tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và áp dụng GIS

(Xây dựng) – Chuyển đổi số là một nhiệm vụ tất yếu đối với lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc để thay đổi toàn diện chất lượng quy hoạch – kiến trúc, qua đó góp phần phát triển ngành Xây dựng tiên tiến, hiện đại và bền vững.

6 tháng trước

Thành phố Hồ Chí Minh: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch dọc tuyến Vành đai 3

(Xây dựng) - UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch rà soát quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch dọc 2 bên tuyến và vùng phụ cận dọc đường Vành đai 3 để khai thác hiệu quả quỹ đất, mang lại nguồn thu cho ngân sách Thành phố.

6 tháng trước