Nghệ AnÔng Nguyễn Xuân Hoa, 68 tuổi, giúp nhiều gia đình có con mắc bệnh tim bẩm sinh kết nối với các tổ chức từ thiện để được tài trợ mổ tim tại bệnh viện.
Ông Hoa trước đây là chủ lò gạch thủ công, nay đã nghỉ, hiện sống cùng gia đình trong căn nhà hai tầng bên quốc lộ 7, thuộc xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu. Cơ duyên đưa ông đến công việc thiện nguyện bắt nguồn từ ca bệnh của cháu họ.
Năm 2005, cháu họ 7 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ thông báo chi phí ca mổ hơn 40 triệu đồng, bố mẹ nhà nghèo không kham nổi. Nhìn cháu bị dày vò bởi những cơn đau, ông Hoa chạy vạy khắp nơi dò tìm thông tin của các tổ chức từ thiện chuyên giúp trẻ em nghèo mổ tim để xin tài trợ kinh phí.
Vài tuần tìm hiểu, ông Hoa biết có tổ chức phi chính phủ thường tài trợ mổ tim tại Bệnh viện Trung ương Huế nên bắt xe khách đưa cháu vào thăm khám, đặt vấn đề xin tài trợ. "Tổ chức từ thiện đồng ý hỗ trợ. Ca phẫu thuật thành công, chi phí hết 24 triệu đồng", ông Hoa nói.
Trở về từ Huế, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đưa con 1-16 tuổi đến gặp ông Hoa nhờ giúp đỡ. Đa số mắc bệnh tim bẩm sinh với các chứng như hẹp van động mạch chủ, dị tật vách ngăn, tứ chứng Fallot..., gia cảnh nghèo khó, thu nhập của bố mẹ chỉ dựa vào vài sào ruộng, không có tích lũy.
Thời điểm đó việc điều hành lò gạch bận rộn nên ông Hoa băn khoăn, sợ không đủ thời gian giúp mọi người. Nhưng nhớ tới khuôn mặt khắc khổ, mắt ngấn lệ của những ông bố bà mẹ ngày đêm lo cho bệnh tật của con, ông Hoa nhận lời.
Lần thứ hai đi xin tài trợ, ông Hoa gặp khó khăn tưởng chừng phải tạm gác công việc này. Bé gái 11 tuổi mắc bệnh tim được ông Hoa đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế, các bên liên quan đều đồng ý cấp kinh phí phẫu thuật. Tuy nhiên, do bệnh của em rất nặng, khi mổ cần 11 lít máu, người nhà phải tự tìm nguồn máu.
Nhẩm tính nếu mỗi người cho 250 ml máu thì cần kết nối với 44 người, ông Hoa rảo bước khắp đất Huế, tìm cả nguồn mua máu chợ đen, nhưng suốt một tuần không có kết quả khả quan. Ông đành để bé gái ở lại bệnh viện nhờ bác sĩ chăm sóc, còn mình bắt xe khách về Nghệ An tìm cách huy động nguồn máu.
Khi xe đến Hà Tĩnh, ông Hoa trò chuyện với người đàn ông nhiều hơn mình khoảng 5 tuổi đang ngồi ghế bên cạnh. Sau những câu hỏi xã giao, ông kể mình đang gặp khó trong tìm kiếm máu để giúp một bé gái mổ tim. Người bên cạnh đã tiết lộ mình là giáo sư, lãnh đạo một khoa huyết học ở miền Trung.
"Tôi tìm được một kho máu luôn", ông Hoa kể. Vị giáo sư cũng là đồng hương Diễn Châu, sau khi nghe ông Hoa trình bày nguyện vọng đã bày tỏ cảm kích và nhận lời giúp đỡ, đồng ý cung cấp nguồn máu cho ca mổ tim của bé gái mà không lấy tiền. Ông Hoa sau đó xuống xe, quay lại Huế. Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân được chữa khỏi, nay đã lập gia đình và có 3 con.
"Đó là thử thách rất lớn. Nếu ca mổ không thành công, chắc tôi dừng việc thiện nguyện, bởi cảm thấy khả năng cũng như sự may mắn của mình chưa đủ. Rất vui là điều kỳ diệu đã đến ở lúc tuyệt vọng nhất", ông Hoa nói.
Những năm về sau, ông Hoa luôn sắp xếp công việc kinh doanh hợp lý để có nhiều thời gian hơn cho thiện nguyện. Vợ và 4 người con đều ủng hộ, nhiều lúc còn giúp ông kết nối với một số bệnh nhân.
Thông thường khi có người nhờ kết nối mổ tim, ông Hoa trực tiếp đến nhà xác minh gia cảnh, sau đó lập hồ sơ chuyển cho các đơn vị từ thiện. Ngoài ra, ông còn gặp chính quyền địa phương, vận động các mạnh thường quân tài trợ cho họ một ít chi phí đi lại.
Trung bình mỗi ca mổ tim tốn khoảng 60 triệu đồng. Trước đây ông Hoa thường kết nối với các tổ chức phi chính phủ, gần đây thì liên kết với quỹ từ thiện của các bệnh viện, nhiều nhất là Bệnh viện Trung ương Huế. Khi nhận hồ sơ, các tổ chức tài trợ sẽ xác minh cụ thể từng trường hợp, nếu đúng thực tế thì thông báo cho bệnh nhân để họ vào bệnh viện chữa trị. Chi phí phẫu thuật thường được nhà tài trợ chuyển thẳng về bệnh viện, không qua trung gian.
Khoảng 5 năm trước, một bé gái 10 tuổi bị suy tim độ 4, gia cảnh khó khăn, mẹ liệt nửa người, bố tâm thần. Bệnh viện báo chi phí mổ tim hết 70 triệu đồng, trong khi đó tổ chức từ thiện chỉ đồng ý hỗ trợ 35 triệu đồng.
Thấy hoàn cảnh của bệnh nhân quá bi đát, ông Hoa định lo khoản còn lại nhưng chưa xoay xở ra tiền. Ông tiếp tục gõ cửa một nhà tài trợ khác, thuyết phục họ bổ sung kinh phí. Thấy sự quyết tâm của ông, đơn vị này đồng ý giúp đỡ. Bé gái được phẫu thuật chữa dứt điểm bệnh tim.
Bà Đinh Thị Trầm, 51 tuổi, trú xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu, cho biết nhờ sự kết nối của ông Hoa, hơn 4 năm trước con gái 15 tuổi của bà đã được chữa khỏi chứng thông liên thất. "Tôi chẳng có tiền, mang con gà đến biếu thì ông ấy từ chối, bảo đưa về tẩm bổ cho con. Ngày Tết chở thùng nước ngọt đến mừng tuổi song ông ấy không nhận, còn gửi thêm quà", bà Trầm kể.
Đại diện Bệnh viện Trung ương Huế cho biết nhiều năm qua chứng kiến ông Hoa đưa các cháu bé mắc bệnh tim vào thăm khám, sau đó gửi hồ sơ xác minh hoàn cảnh để các tổ chức xem xét mổ tim theo diện tài trợ. Qua sự kết nối của ông Hoa, một số bệnh nhân có gia cảnh khó khăn đã được mổ tim miễn phí.
Bà Hồ Thị Tâm, Chủ tịch xã Diễn Thành, đánh giá ông Hoa tận tâm, nhiệt huyết, luôn hết mình với các công việc ngoài xã hội. "Hàng chục trẻ em nghèo mắc bệnh tim trong xã đã được ông Hoa kết nối với các nhà tài trợ để phẫu thuật. Việc làm này đáng quý, chính quyền nhiều lần biểu dương", bà Tâm cho hay.
Gần 20 năm, ông Hoa giúp được hơn 100 trẻ em mắc bệnh tim được phẫu thuật. Con số này thể hiện qua sổ ghi chép và những lá thư bệnh nhân gửi cảm ơn ông sau khi khỏi bệnh. Nhiều gia đình xem ông Hoa như người thân. "Cảm ơn bác Hoa đã giúp đỡ để cháu có cơ hội được sống. Gia đình không biết lấy gì đền đáp công lao của bác. Chúc bác luôn mạnh khỏe để tiếp tục giúp đỡ những cháu bé khác bị bệnh tim", thư của một bệnh nhân gửi ông Hoa.
Lào CaiTại nơi bắt nguồn trận lũ quét Làng Nủ, xã Phúc Khánh, đất đá tiếp tục sạt gây nổ lớn, chính quyền phải cắm biển cảnh báo người dân không đến gần.
Bà Rịa - Vũng TàuVùng Đông Nam Bộ cần hoàn thiện thể chế, tập trung giải ngân đầu tư công, bứt phá xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng để đạt tăng trưởng 2 con số, theo lãnh đạo Chính phủ.
Việc dùng ngân sách đầu tư metro giúp rút ngắn quy trình triển khai, chủ động công nghệ, nhưng thách thức lớn trước nguồn vốn hơn 47.000 tỷ, theo các chuyên gia.
Theo Tổng bí thư Tô Lâm, việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị sẽ thực hiện từ trên xuống với phương châm "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng, tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng".