Gần 10 năm chưa khai thác được đất hiếm

1 năm trước Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho doanh nghiệp khai thác hai mỏ đất hiếm ở Lai Châu và Yên Bái từ năm 2014, nhưng đến nay chưa mỏ nào hoạt động.

Với sự hợp tác của Nhật Bản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tìm thấy đất hiếm dạng hấp phụ ion ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Sau đó, nhiều mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng.

Đến tháng 12/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu (Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam) cùng đối tác Nhật Bản khai thác mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Lý do mỏ này có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác ngay theo quy mô công nghiệp.

Ngoài Đông Pao, Bộ đã cấp phép cho mỏ đất hiếm ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Mỏ này trữ lượng ít hơn và cũng chưa đưa vào khai thác.

Mỏ đất hiếm án binh bất động

Mỏ Đông Pao là các dãy núi liền kề rộng hơn 132 ha, nằm cách thị trấn Tam Đường, tỉnh Lai Châu, khoảng 10 km. Để quản lý, cơ quan chức năng ký hiệu bốn khu vực đồi dựa trên trữ lượng, khu lớn nhất 60 ha, nhỏ nhất 8,7 ha.

Cuối tháng 11, tức 8 năm sau khi được cấp phép khai thác, mỏ Đông Pao vẫn án binh bất động, không có sự xuất hiện của máy móc, công trường. Trên các dãy núi, xen lẫn cây rừng là những nương ngô, chè, nhà sàn của đồng bào Lự.

Bảo vệ Lò Văn Én chỉ về khu vực mỏ đất hiếm. Ảnh: Gia Chính

Cách khu đất hiếm lớn nhất khoảng 2 km là trạm gác bảo vệ được xây dựng từ năm 2014. Trong trạm gác, ngoài nhà ở của bảo vệ là nhà kho luôn khóa cửa. Đây là nơi chứa các mẫu đất được thu về phục vụ công tác nghiên cứu hơn 10 năm trước. Do lâu ngày không sử dụng, mối mọt đã xông lên ở nhiều vị trí.

Suốt thời qua, Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu duy trì đội bảo vệ gồm 6 người bản địa. Bảo vệ Lò Văn Én cho hay, trước năm 2015, tình trạng xúc trộm đất đi bán diễn ra phổ biến, mỗi kg bán được 2.000-3.000 đồng. Đội anh Én chia làm ba nhóm nhỏ thay nhau tuần tra ngày đêm, điểm gần thì đi bộ đường rừng một km, điểm xa hơn 5 km.

"Có lúc chúng tôi phát hiện cả chục người đang xúc đất hiếm vào bao tải đem bán. Nhưng anh em cũng chỉ gọi công an đến cùng phối hợp thu giữ phương tiện, chứ không bắt được người", anh Én kể.

Sau này, để hạn chế tình trạng trộm đất, Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu đã phối hợp với Công an huyện Tam Đường lắp camera ở các trục đường và vận động người dân không xâm phạm tài sản. Công việc của nhóm bảo vệ vì thế đỡ vất vả hơn.

Bảo vệ Én đi tuần tra bảo vệ mỏ đất hiếm. Ảnh: Gia Chính

Cũng vì không thể khai thác, Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu lâm cảnh đình trệ. Tỉnh Lai Châu đã cấp 1,5 ha đất cho công ty ngay trục đường trung tâm thị trấn Tam Đường để xây dựng tổ hợp gồm nhà điều hành, văn phòng, khu nghiên cứu và khu ăn ở tập thể của cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, hiện duy nhất tòa nhà văn phòng hai tầng được xây dựng, còn lại để cỏ lau mọc tốt um.

Từ bốn phòng ban khi thành lập, đến nay công ty chỉ còn hai phòng ban để duy trì các hoạt động tối thiểu. Mỗi ngày khoảng 4-5 nhân viên công ty đi làm qua cổng phụ, do cổng chính nằm ở xa và đã nhiều năm không mở.

Thị trường đói đất hiếm

Cách mỏ Đông Pao hơn 400 km, tại khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam, mỗi tháng Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam phải nhập khẩu hàng tấn đất hiếm đã qua sơ chế từ các nước như Nga, Australia để tiếp tục phân tách ra 17 nguyên tố phục vụ lắp ráp các thiết bị công nghệ cao.

Nhà máy sản xuất được xây dựng trên quy mô 3 ha đất, kinh phí hơn 100 triệu USD, gồm nhiều phân xưởng, phân tách quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, do vẫn phải nhập khẩu đất hiếm nên công ty chưa bao giờ hoạt động hết công suất.

17 loại đất hiếm đã được Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam phân tách. Ảnh: Gia Chính

Ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam, cho biết doanh nghiệp là một trong số ít công ty trên thế giới có thể chế biến đất hiếm với tỷ lệ đạt trên 99,5%, thậm chí 99,99%. Việc phải nhập khẩu nguyên liệu gây khó khăn về nguồn cung và giá cả. Nếu Việt Nam có thể tự chủ khai thác đất hiếm thì sẽ giảm được giá thành sản phẩm, tạo thêm việc làm.

Thị trường đất hiếm quốc tế cũng rất rộng mở. Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) tính toán, riêng thị trường đất hiếm toàn cầu có giá trị khoảng 10 tỷ USD, thị trường cho các sản phẩm sử dụng đất hiếm hơn 1.000 tỷ USD. Nhu cầu đất hiếm đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản xuất pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, tuabin điện gió, máy bay, điện thoại, máy và công nghiệp quốc phòng đang tăng.

Trong khi đó, nguồn cung ngoài Trung Quốc chỉ có một số cơ sở sản xuất như Lynas (Australia), MP Materials (Mỹ), Neo Silmet (Estonia), Toyota Tsusho (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam... Điều này khiến đất hiếm trở nên khan hiếm ngay ở Việt Nam - quốc gia được đánh giá có trữ lượng tài nguyên này lớn thứ hai thế giới - 22 triệu tấn.

Nút thắt công nghệ

Lý giải nghịch lý được cấp phép, nhưng không thể khai thác, ông Vũ Tiến Tú, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu, cho biết từ năm 2016 đối tác Nhật Bản nắm công nghệ bản quyền đã rút khỏi liên danh. Công ty của Việt Nam chỉ có thể chế biến sâu đất hiếm đạt 40% trong khi quy định xuất khẩu tối thiểu của Bộ Công Thương là 95% và yêu cầu của Chính phủ là không được bán đất hiếm dạng thô.

Những năm qua, công ty đã làm việc với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để có thể khai thác. Tuy nhiên, các nỗ lực đều không thành công do đối tác không chứng minh được năng lực công nghệ. "Hầu hết đơn vị trong nước đến làm việc thì kết quả chế biến mới thành công ở quy mô phòng thí nghiệm. Để có thể khai thác được cần đầu tư quá trình thử nghiệm tốn rất nhiều tiền của", ông Tú nói.

Việc phân tách đất hiếm vẫn là bí mật công nghệ trên thế giới. Ảnh: Gia Chính

Lần gần nhất chứng kiến nỗ lực không thành của Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu là vào ngày 8/11. Theo chương trình phối hợp của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Lai Châu, doanh nghiệp dự kiến ký biên bản ghi nhớ hợp tác khai thác đất hiếm với Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam.

Tuy nhiên, việc ký kết bị hủy vào phút chót do không thống nhất được điều khoản chuyển giao công nghệ. Ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam, giải thích chế biến sâu đất hiếm là bí mật công nghệ, doanh nghiệp đã mất nhiều công sức nghiên cứu nên không dễ chuyển giao.

Vì vậy, để khai thác đất hiếm, công ty trong nước phải đưa ra hai lựa chọn. Một là tự nghiên cứu công nghệ, hai là hợp tác chuyển giao với đối tác nước ngoài.

>>Bài tiếp: Giải pháp nào khai thác đất hiếm?

Gia Chính

Công viên trước UBND TP HCM mang diện mạo mới

Hàng cây sứ ở Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở UBND thành phố được thay bằng nhiều loại hoa, mai tứ quý... tạo cảnh quan mới cho khu vực.

1 tháng trước

Đề xuất nâng cấp cao tốc qua Ninh Bình lên 4 làn xe hoàn chỉnh

Tỉnh Ninh Bình đề xuất mở rộng đoạn cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 14 km với 4 làn xe hạn chế thành 4 làn hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp.

1 tháng trước

Miền Bắc sẽ mưa lạnh dịp Tết Giáp Thìn

Ngày 27-28 tháng chạp, không khí lạnh sẽ tràn đến miền Bắc, mùng 1 Tết thêm đợt tăng cường khiến trời mưa lạnh, vùng đồng bằng dao động 14-23 độ C.

2 tháng trước

Sửa miễn phí hơn nghìn xe máy cho công nhân về Tết

TP HCMNhiều doanh nghiệp, nhà máy tổ chức sửa xe, thay nhớt, phụ tùng miễn phí để công nhân về Tết an toàn.

2 tháng trước

GS Võ Tòng Xuân: Miền Tây có thể sản xuất 4 vụ lúa một năm

GS Võ Tòng Xuân nêu các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long với lợi thế nước ngọt quanh năm có thể làm 4 vụ lúa, song một số chuyên gia cho rằng tăng vụ ẩn chứa rủi ro.

2 tháng trước

Bến phà Gót ra đảo Cát Bà sẽ dừng hoạt động từ 1/3

UBND TP Hải Phòng vừa thống nhất dừng bến phà Gót chở khách từ đất liền ra đảo Cát Bà từ ngày 1/3 để thực hiện dự án khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế.

2 tháng trước

Khuyến cáo chủ xe đăng kiểm trước hạn

Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo chủ phương tiện tận dụng thời điểm tháng hai và tháng ba đi đăng kiểm sớm trước thời hạn để tránh ùn tắc tại các thành phố lớn.

2 tháng trước

Đà Nẵng khánh thành 3 dự án giao thông gần 2.500 tỷ đồng

Ba dự án giao thông trọng điểm của thành phố đều nằm ở phía Tây, giúp kết nối hệ thống giao thông, cứu hộ cứu nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

2 tháng trước