Các nhà máy ở TP HCM lên phương án đón công nhân sống ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai... trở lại làm việc sau nới lỏng giãn cách.
Nhận tin nhắn "công nhân đủ tiêm đủ 2 liều vaccine chuẩn bị đi làm trở lại" của tổ trưởng, chị Huỳnh Trúc My Kha, 41 tuổi, làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) rất vui mừng. Sau gần 3 tháng "đóng băng", nhà máy nơi chị gắn bó 20 năm dần phục hồi sản xuất.
Làm tại TP HCM nhưng nhà ở huyện Tân Trụ (Long An) cách chừng 50 km, nhiều năm qua chị Kha đi làm bằng xe đưa đón của công ty. Suốt thời gian nghỉ việc, nhà máy vẫn hỗ trợ người lao động một phần lương đủ duy trì cuộc sống tối thiểu. "Tôi mong xe chạy lại để được đi làm, có lương đầy đủ lo cho hai con", người mẹ đơn thân bày tỏ. Bản thân chị đã được tiêm vaccine mũi một hồi đầu tháng 9 và chuẩn bị tiêm mũi 2.
Chị Kha là một trong 16.000 công nhân Công ty Pouyuen sống ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh đã nghỉ việc gần 3 tháng qua từ khi các địa phương hạn chế đi lại. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay nhà máy có hơn 56.000 người, trong đó lao động sống ở các tỉnh lân cận chiếm 30%. Trước đây, để đảm bảo yêu cầu phòng dịch, doanh nghiệp đã tăng cường thêm xe, đảm bảo mỗi ôtô 45 chỗ chở không quá 20 người, tuân thủ 5K, phun khử khuẩn trước và sau khi công nhân lên xuống xe.
"Hiện chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ lượng xe để đưa công nhân quay trở lại nhà máy, chỉ chờ các quyết định chính thức, thống nhất từ chính quyền TP HCM và các tỉnh", ông Nghiệp nói và giải thích phải đưa công nhân ở tỉnh lên, doanh nghiệp mới đảm bảo được công suất hoạt động, đáp ứng được các đơn hàng bị dồn ứ mấy tháng qua.
Cách nhà máy Pouyuen Việt Nam 35km, Công ty TNHH Datalogic Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) đang xoay xở đủ cách để 80 công nhân sinh sống ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu được tới nhà máy làm việc trong những ngày tới. Do số lao động này sống ở nhiều tỉnh, cách xa nhau nên nhà máy không thể tổ chức xe đưa đón, từ trước dịch người lao động chủ yếu đi lại bằng xe cá nhân.
Ông Trần Tiến Phát, Tổng giám đốc công ty nói rằng sau hơn 2,5 tháng thực hiện "3 tại chỗ", sáng 1/10 nhà máy cho hơn 400 người tiêm đủ 2 liều vaccine sống ở thành phố trở về nhà. Hơn 100 công nhân chưa đáp ứng đủ điều kiện phải ở lại, đa phần sống ở các tỉnh lân cận, giáp TP HCM. Một số công nhân sống ở Bình Dương vì quá nhớ nhà xin về nhưng không thể qua chốt liên tỉnh dù có giấy xét nghiệm âm tính, khai báo di chuyển và chứng nhận tiêm đủ 2 liều vaccine.
"Tình thế cuối cùng chúng tôi sẽ để lao động tiếp tục ăn ở tại nhà máy", ông Phát nói. Hiện tại thành phố đã "mở cửa" nhưng các địa phương khác "đang đóng", áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội người lao động chưa thể qua lại.
80 công nhân của Công ty Datalogic Việt Nam nằm trong số hơn 6.000 lao động sống ở các tỉnh lân cận làm việc tại Khu công nghệ cao. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, các địa phương siết đi lại, hầu hết số lao động này phải tạm nghỉ việc. Theo bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao (SHTP) ngoài gặp khó khăn đi lại, trong số này khoảng 3.000 người mới tiêm vaccine mũi một, rất cần được hỗ trợ tiêm đủ 2 liều, đảm bảo điều kiện trở lại phân xưởng.
Phó ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM (Hepza) Phạm Thanh Trực cho hay, có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các nhà máy ở các khu công nghiệp của thành phố nhưng sống ở 4 tỉnh lân cận. Một số nhà máy ở Khu chế xuất Linh Trung I, II (TP Thủ Đức) như Freetrend, Long Rich Việt Nam có đến vài ngàn công nhân sống Bình Dương, cách thành phố chỉ một con đường. Với khoảng cách không xa, số lao động sống ở các khu vực giáp ranh quay lại thành phố làm việc là khả quan.
Hepza đang ưu tiên phối hợp chính quyền thành phố và các tỉnh thành khác để đón người lao động quay lại làm việc và tính toán cách đưa đón thuận lợi nhất cho người lao động.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, ngoài được đưa đón tập trung bằng phương tiện của doanh nghiệp, công nhân sống ở 5 tỉnh lân cận làm việc ở TP HCM sẽ được tạo điều đi lại bằng phương tiện cá nhân trên cơ sở đã tiêm đủ hai liều vaccine và có mã QR đi đường.
"Thành phố sẽ làm việc với các tỉnh thống nhất cách thức, không chỉ tạo điều kiện người dân sống ở các địa phương này đến làm việc ở thành phố mà còn chiều ngược lại", ông Hoan nói. Với những công nhân chưa tiêm vaccine hoặc mới chỉ tiêm một mũi, doanh nghiệp lập danh sách để thành phố tổ chức tiêm.
Hôm qua, UBND thành phố đã gửi phương án tổ chức người lao động đi lại giữa 5 địa phương cho UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh xem xét, thống nhất trước 4/10.
Theo phương án này, người lái ôtô, xe máy cá nhân được đi giữa TP HCM và 4 tỉnh nói trên khi đủ một trong điều kiện: khỏi Covid-19 dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vaccine Covid-19 (ít nhất một mũi với loại vaccine 2 mũi và sau 14 ngày tiêm); xác nhận xét nghiệm âm tính nCoV còn hiệu lực trong 7 ngày.
Khi đi trên đường, những người này phải sử dụng mã QR khai báo qua ứng dụng VNEID và mã QR thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM, hoặc Sổ sức khỏe điện tử (khi ứng dụng PC-Covid chưa hoạt động). Nếu không có mã QR, cần xuất trình một trong các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện.
Trường hợp doanh nghiệp đưa đón công nhân, chuyên gia qua lại giữa TP HCM và 4 tỉnh, người lao động phải đáp ứng điều kiện đã tiêm vaccine mũi một sau 14 ngày hoặc khỏi Covid-19 dưới 6 tháng; xét nghiệm âm tính nCoV còn hiệu lực. Trong đó, đơn vị có trụ sở ở TP HCM lập phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua đơn vị đầu mối (Hepza, SHTP, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện) để đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian, tổng hợp gửi Sở Giao thông Vận tải để được cấp giấy cho đi lại.
Trường hợp trụ sở đóng trên địa bàn các tỉnh, các doanh nghiệp xây dựng phương án vận chuyển người lao động và đăng ký xe, lộ trình, thời gian gửi đến Sở Giao thông Vận tải địa phương để cấp cho di chuyển. Các hoạt động vận tải phải đáp ứng theo tiêu chí phòng chống dịch.
Ngoài tạo điều kiện đi lại cho lao động giữa TP HCM và 4 tỉnh, thành phố đã chốt phương án đón lao động từ các địa phương trở lại làm việc.
Lào CaiTại nơi bắt nguồn trận lũ quét Làng Nủ, xã Phúc Khánh, đất đá tiếp tục sạt gây nổ lớn, chính quyền phải cắm biển cảnh báo người dân không đến gần.
Bà Rịa - Vũng TàuVùng Đông Nam Bộ cần hoàn thiện thể chế, tập trung giải ngân đầu tư công, bứt phá xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng để đạt tăng trưởng 2 con số, theo lãnh đạo Chính phủ.
Việc dùng ngân sách đầu tư metro giúp rút ngắn quy trình triển khai, chủ động công nghệ, nhưng thách thức lớn trước nguồn vốn hơn 47.000 tỷ, theo các chuyên gia.
Theo Tổng bí thư Tô Lâm, việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị sẽ thực hiện từ trên xuống với phương châm "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng, tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng".