Đề xuất gói củng cố hệ thống y tế 76.000 tỷ đồng

2 năm trước Nguồn: Báo Vnexpress

Củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, dự phòng với 76.000 tỷ đồng "phải là ưu tiên hàng đầu", theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Sáng 5/12, phát biểu tại diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, ông Bùi Quang Tuấn (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) đại diện nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nêu quan điểm, hiện nay, các gói phục hồi kinh tế cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc. Nguyên nhân là dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, hệ thống y tế là tuyến phòng thủ đầu tiên và quan trọng nhất của không chỉ nền kinh tế mà còn cả quốc gia.

Bác sĩ điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19 tại Trung tâm hồi sức Covid-19 ở Bệnh viện Ưng Bướu TP HCM (TP Thủ Đức), ngày 13/9. Ảnh: Quỳnh Trần

"Chúng ta cần đảm bảo nguồn cung vaccine rộng rãi cho cả nước, không chỉ mũi 2 mà cả mũi 3, mũi 4 trong thời gian tới; đồng thời, lên kế hoạch mua các loại thuốc điều trị Covid-19", ông Tuấn nói.

Đề xuất gói củng cố hệ thống y tế khoảng 76.000 tỷ đồng được ông Tuấn và các đồng nghiệp tính toán dựa trên báo cáo của Bộ Y tế về các khoản chi ứng phó với đại dịch, gồm 6 hạng mục. Đó là chi cho phòng dịch, hỗ trợ lực lượng dân phòng, công an, quân đội...; chi hỗ trợ người nhiễm bệnh cách ly (xây dựng bệnh viện dã chiến, khu cách ly, chi trực tiếp cho điều trị bệnh nhân) khoảng 14.000 tỷ đồng; chi xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, mua vaccine để thực hiện chương trình tiêm chủng toàn dân khoảng 32.000 tỷ đồng; chi nghiên cứu vaccine, thuốc chữa bệnh khoảng 8,8 tỷ đồng; chi y tế cho phòng dịch và điều trị F0 khoảng 18.500 tỷ đồng.

Ông Bùi Quang Tuấn (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) đại diện nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn kinh tế sáng 5/12. Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Ông Tuấn đề nghị thứ tự ưu tiên của gói củng cố hệ thống y tế cần theo trọng tâm: Mua vaccine và thuốc điều trị; nghiên cứu, chuyển giao sản xuất vaccine, thuốc chữa, thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm trong nước; nâng cao năng lực điều trị cho tuyến y tế cấp xã, phường để điều trị được F0 ngay tại chỗ; đầu tư cho y tế dự phòng.

Bên cạnh việc củng cố năng lực y tế, ông Tuấn cho rằng cần có gói an sinh xã hội, gói hỗ trợ doanh nghiệp với tổng giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhiều nước châu Á cũng đang có xu hướng đặt trọng tâm hỗ trợ của chính sách tài khóa vào hệ thống y tế nhằm đối phó với dịch bệnh. Các nội dung bao gồm hỗ trợ đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ y tế phòng, chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm cho các cơ sở y tế; đẩy mạnh truy vết tiếp xúc và xét nghiệm; phát triển hệ thống tiêm chủng vaccine, khảo sát tình hình dịch bệnh; đồng thời nâng cao phúc lợi cho đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu.

Ông Cường nói các khó khăn lần này xuất phát từ dịch bệnh chứ không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, nên về lý luận cũng như thực tiễn, để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn về y tế "mang tính quyết định và chủ yếu", còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.

"Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân ", ông Cường nói.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói kỳ họp Quốc hội vừa qua đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng, triển khai theo thẩm quyền chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ 2 chương trình này.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức, nhằm lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống Covid-19; phân tích, dự báo về diễn biến, tác động của dịch bệnh, thực trạng nền kinh tế thế giới hiện nay, xu hướng thời gian tới; đồng thời gợi ý chính sách, kiến nghị với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội...

Diễn đàn tiếp tục diễn ra trong chiều nay 5/12.

Hoàng Thùy

Công viên trước UBND TP HCM mang diện mạo mới

Hàng cây sứ ở Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở UBND thành phố được thay bằng nhiều loại hoa, mai tứ quý... tạo cảnh quan mới cho khu vực.

1 tháng trước

Đề xuất nâng cấp cao tốc qua Ninh Bình lên 4 làn xe hoàn chỉnh

Tỉnh Ninh Bình đề xuất mở rộng đoạn cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 14 km với 4 làn xe hạn chế thành 4 làn hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp.

1 tháng trước

Miền Bắc sẽ mưa lạnh dịp Tết Giáp Thìn

Ngày 27-28 tháng chạp, không khí lạnh sẽ tràn đến miền Bắc, mùng 1 Tết thêm đợt tăng cường khiến trời mưa lạnh, vùng đồng bằng dao động 14-23 độ C.

2 tháng trước

Sửa miễn phí hơn nghìn xe máy cho công nhân về Tết

TP HCMNhiều doanh nghiệp, nhà máy tổ chức sửa xe, thay nhớt, phụ tùng miễn phí để công nhân về Tết an toàn.

2 tháng trước

GS Võ Tòng Xuân: Miền Tây có thể sản xuất 4 vụ lúa một năm

GS Võ Tòng Xuân nêu các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long với lợi thế nước ngọt quanh năm có thể làm 4 vụ lúa, song một số chuyên gia cho rằng tăng vụ ẩn chứa rủi ro.

2 tháng trước

Bến phà Gót ra đảo Cát Bà sẽ dừng hoạt động từ 1/3

UBND TP Hải Phòng vừa thống nhất dừng bến phà Gót chở khách từ đất liền ra đảo Cát Bà từ ngày 1/3 để thực hiện dự án khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế.

2 tháng trước

Khuyến cáo chủ xe đăng kiểm trước hạn

Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo chủ phương tiện tận dụng thời điểm tháng hai và tháng ba đi đăng kiểm sớm trước thời hạn để tránh ùn tắc tại các thành phố lớn.

2 tháng trước

Đà Nẵng khánh thành 3 dự án giao thông gần 2.500 tỷ đồng

Ba dự án giao thông trọng điểm của thành phố đều nằm ở phía Tây, giúp kết nối hệ thống giao thông, cứu hộ cứu nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

2 tháng trước