Tư vấn lập quy hoạch tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM đề xuất bốn ga hàng hóa chính, chạy tàu hàng theo tuyến vành đai.
Tại báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, liên danh tư vấn Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI South) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) đề xuất các ga hàng hóa chính đầu mối thành phố.
Theo đó, ga An Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là ga lập tàu hàng, điều hành cho toàn mạng đường sắt khu đầu mối TP.HCM; đồng thời là ga hàng hóa chính TP.HCM và tỉnh Bình Dương; định hướng là ga kết hợp chức năng liên vận quốc tế.
Ga An Bình có chức năng là ga đầu mối cho cả hành khách và hàng hóa cho tuyến xây dựng mới khổ 1.435mm và đường sắt Bắc - Nam hiện hữu khổ 1.000mm. Tại ga cũng quy hoạch xây dựng các cơ sở sửa chữa, chỉnh bị, vận dụng đầu máy, toa xe cho hàng hóa; tác nghiệp đón và gửi các đoàn tàu hàng; là ga khách kỹ thuật cho tàu khách và tàu hàng khổ 1.000mm.
Dự kiến ga hàng hóa và kết nối cảng biển, ICD theo đề xuất của tư vấn.
Ga Trảng Bom (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) là ga lập tàu hàng bổ trợ phía bắc cho ga An Bình đối với các luồng hàng đi phía bắc; là ga đầu mối, trung chuyển hành hóa của tuyến đường sắt Thống Nhất Bắc - Nam (khổ 1.000mm) với toàn mạng đường sắt khu đầu mối TP.HCM (khổ 1.435mm). Là ga tham gia vận chuyển, kết nối đa phương thức từ cảng cạn (ICD) Trảng Bom ra cụm cảng biển quốc tế Cái Mép, Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tương lai khi có thể tổ chức hành khách nội - ngoại ô, tiếp chuyển hành khách quốc gia và đô thị.
Ga Thạnh Đức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là ga đầu mối hàng hóa dự kiến lập tàu hàng bổ trợ phía nam cho các ga An Bình, Tân Kiên đối với các luồng hàng giữa cảng Hiệp Phước và Cần Thơ trong tương lai, khi đường sắt theo đường vành đai 4 hình thành. Là ga nối ray của tuyến đường sắt chuyên dụng xuống cảng Hiệp Phước, cảng Long An phục vụ xếp dỡ hàng hóa cho các khu công nghiệp, công nghệ cao Bến Lức, Long An. Ga Thạnh Đức cũng là ga hỗn hợp hành khách và hàng hóa.
Ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) là ga đầu mối hành khách phía nam thành phố nhưng đồng thời là ga hỗn hợp hành khách - hàng hóa. Là ga lập tàu, giải thể tàu, vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi miền Tây, Tây Ninh, phía bắc và ngược lại; tổ chức sửa chữa, chỉnh bị, vận dụng đầu máy, toa xe hàng.
Theo đề xuất của tư vấn, các đoàn tàu hàng khi vào khu đầu mối TP.HCM sẽ chạy theo tuyến đường sắt vành đai: Tuyến song song với đường vành đai 2 (tuyến TP.HCM - Cần Thơ) hoặc theo tuyến đi theo đường Vành đai 4.
Trên tuyến đường sắt đi theo vành đai 4 sẽ quy hoạch các ga phục vụ xếp dỡ hàng hóa cho các khu công nghiệp, các cảng cạn ICD và cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu của thành phố. Hàng tiêu dùng sau khi xếp dỡ tại bãi hàng của các ga hàng hóa (hoặc tại tổng kho tiếp chuyển hàng hóa) sẽ được trung chuyển sang các xe tải nhỏ, theo vành đai đường bộ và các tuyến đường hướng tâm để vào trung tâm thành phố và phân bổ cho các khu vực trong nội đô.
Cùng với việc bố trí ga hàng hóa, tư vấn cũng đề xuất bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt kết nối tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu ra cảng Phước An (tỉnh Đồng Nai) và dự kiến các kết nối đường sắt vào cảng biển, cảng ICD.
Cụ thể, kết nối với các cảng biển: Phước An, Tiểu cảng Thị Vải, Thị Vải - Cái Mép, Hiệp Phước, Long An; các ICD: Tân Uyên, Long Bình, Trảng Bom, Tân Cảng Sóng Thần, Mộc Bài, Củ Chi, Tân Kiên, Bến Lức...