Các cơ quan nên áp dụng công nghệ để trích xuất dữ liệu cá nhân khi cần thiết, trong đó có dữ liệu về khen thưởng, kỷ luật, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân.
Thảo luận về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), sáng 28/10, ông Phạm Trọng Nhân, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương, cho rằng việc số hóa dữ liệu của cán bộ, công chức sẽ góp phần "bịt kẽ hở để người xấu không thể luồn lách, thăng tiến".
Theo ông, việc ứng dụng công nghệ giúp công tác thẩm định cán bộ khoa học hơn, qua đó phong trào thi đua, khen thưởng cũng trở nên thực chất, ý nghĩa hơn, tránh lọt lưới các trường hợp không đủ điều kiện. "Dự luật phải kích hoạt cơ chế phòng vệ trước thói quen háo danh, lan tỏa tinh thần hữu xạ tự nhiên hương trong xã hội", ông Nhân phát biểu.
Ông Nhân cũng nêu vấn đề, một trong những mục đích của công tác thi đua khen thưởng là ghi nhận, biểu dương, tôn vinh tập thể, cá nhân. Tuy nhiên, lâu nay những người muốn được tôn vinh phải viết báo cáo thành tích, "với yêu cầu này thì mục tiêu nêu trên chưa đạt được".
"Báo cáo này nhằm mục đích gì? Nếu như chỉ để cơ quan nhà nước biết thì có lẽ không ổn, có vấn đề về năng lực quản lý vì không nắm được các hoạt động, thành tích của người dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng", ông Nhân nói. Hơn nữa, nếu chỉ dựa vào báo cáo thành tích thì phải giải đáp thỏa đáng trường hợp nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, nhưng trong thời gian công tác đã nhận không ít danh hiệu thi đua, khen thưởng.
Ông dẫn chứng, mới đây, dư luận đã "dậy sóng" khi truyền thông liệt kê một số vấn đề nghi vấn vi phạm của một giám đốc sở mà trên cương vị của mình có không ít danh hiệu thi đua, khen thưởng. "Vậy công tác thẩm định thông qua các báo cáo thành tích đối với những trường hợp trên có hiệu lực, ý nghĩa ra sao?", ông Nhân nói thêm.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Chung băn khoăn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Ủy ban Tư pháp), bày tỏ cần quy định cụ thể về các tiêu chí thi đua, để đảm bảo đúng thành tích, không chạy theo phong trào.
Ông dẫn chứng, hàng năm các đơn vị đều có báo cáo đánh giá hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, trong đó hầu hết là hoàn thành tốt nhiệm vụ; một phần còn lại hoàn thành nhiệm vụ. "Cuối năm ai cũng được danh hiệu lao động tiên tiến, được giấy khen. Nhưng trên thực tế, có nhiều trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nên việc trao các danh hiệu này không có nhiều ý nghĩa", ông Thông nói.
Đại biểu này đề nghị bỏ danh hiệu thi đua lao động tiên tiến, chỉ giữ lại danh hiệu lao động xuất sắc. Đồng thời, cơ quan soạn thảo Luật cần siết chặt tiêu chí công nhận danh hiệu để việc này thực chất, có ý nghĩa động viên đúng người. Ông cũng cho rằng, cần quy định trường hợp cá nhân có vi phạm, bị tước danh hiệu thi đua, khen thưởng cao nhất thì các danh hiệu còn lại cũng bị tước theo.
Ở góc tiếp cận khác, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, cho rằng dự thảo chủ yếu tập trung vào nhóm cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, chưa bao quát được đông đảo người dân.
"Các quy định về khen thưởng còn chung chung, chưa cụ thể, định tính và phải điều chỉnh bằng các văn bản hướng dẫn. Do đó các văn bản cũng liên tục sửa đổi, bổ sung", bà nói.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang. Ảnh: Báo Bình Phước
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói trên cơ sở thảo luận của Quốc hội, Bộ sẽ tiếp thu để chỉnh sửa phù hợp. Theo bà Trà, nguyên tắc của dự thảo Luật lần này là tăng độ bao phủ phong trào thi đua, khen thưởng cả trong và ngoài khu vực nhà nước, người Việt Nam ở nước ngoài; người nước ngoài có đóng góp cho Việt Nam.
"Lần sửa đổi này, chúng tôi hết sức chú trọng việc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng tích lũy thành tích, có thể dẫn đến không công bằng và phần nào còn hình thức", bà nói.
Dự Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội lần đầu, có 8 chương và 98 điều, gồm các quy định về: Tổ chức thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định khen thưởng, trao tặng danh hiệu thi đua; hồ sơ xét đề nghị danh hiệu thi đua và khen thưởng...
Cơ quan soạn thảo đề xuất 6 loại hình khen thưởng, gồm: Khen thưởng theo công trạng, có thành tích thì khen đối với cả khu vực công và ngoài nhà nước; khen thưởng đột xuất áp dụng trong trường hợp có thành tích là khen; khen thưởng theo phong trào thi đua, gắn mối quan hệ giữa phong trào thi đua với khen thưởng; khen thưởng theo niên hạn, theo cống hiến và đối ngoại.
Chiều 11/2, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập 22 tổ chức đảng trực thuộc và công tác nhân sự.
Năm 2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ kiểm toán thu chi tài chính công đoàn cấp trên các khu công nghiệp, chế xuất, trọng tâm Hà Nội và TP HCM.
Đợt không khí lạnh cường độ không quá mạnh sẽ tràn xuống miền Bắc trong đêm nay và ngày mai, vùng núi cao có nơi rét đậm, Hà Nội thấp nhất xuống 16 độ C.
Long AnNgười dân không được tạt nước, ném bột mì, hột vịt thối... tại Lễ hội Làm Chay đang diễn ra ở huyện Châu Thành để bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người đi đường.