Cuộc sống người dân trong vùng phong tỏa

4 năm trước Nguồn: Báo Vnexpress

Đà NẵngGiấc ngủ đêm đầu tiên trong hoàn cảnh bị phong toả của gia đình chị Xuân trôi qua chập chờn vì tâm trạng lo lắng.

Chiều 28/7, chị Đinh Song Bách Xuân nghe loa của công an đi ngang qua ngõ trên đường Hải Phòng, thông báo thành phố sẽ cách ly toàn bộ khu dân cư xung quanh Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng. Lúc này, thành phố đã ghi nhận 15 ca mắc nCoV, liên quan đến 3 bệnh viện này.

Nhà chị Xuân cách cổng Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng khoảng 300 m. Nhiều người hỏi sao không về nhà ngoại trên đường Hà Huy Tập để khỏi bị phong toả, nhưng vợ chồng chị Xuân và hai con gái quyết định ở lại. "Mình di chuyển để tránh bị cách ly, nhỡ lại lây nhiễm thêm cho người thân, cộng đồng", chị Xuân nói.

0h, cảnh sát lập rào chắn, cách nhà chị Xuân khoảng 50 mét. Màn đêm buông một màu đen kịt. Không gian ở khu phố vốn nhộn nhịp người xe, với các quán ăn uống, phòng mạch của bác sĩ, điểm tham quan du lịch, được thay bằng tiếng còi hụ của xe cảnh sát. Ánh sáng xanh đỏ hắt vào những cánh cửa đã đóng kín.

Bên trong khu vực dân cư phải cách ly y tế quanh ba bệnh viện. Ảnh: Nguyễn Đông.

Chị Xuân kể, giấc ngủ đêm đầu tiên bị phong toả "nội bất xuất ngoại bất nhập" cứ chập chờn vì tâm trạng lo lắng. Nhưng rồi người phụ nữ 38 tuổi tự trấn an: "Tính ra ở đây bây giờ lại an toàn, vì đã khoanh vùng và sẽ được xét nghiệm sớm hơn những vùng dân cư bên ngoài".

Những ngày sau đó, mọi người xung quanh ý thức việc "có thể mình bị nhiễm virus" nên ai ở nhà nấy. Cổng thường đóng kín. Hàng xóm muốn hỏi thăm nhau cũng đứng xa gần chục mét, khẩu trang đeo kín mặt. Từng con ngõ nhỏ được quân đội phun khử khuẩn.

Quán cơm của chị Xuân đóng cửa mà không cần đến một tấm bảng thông báo nào. Anh Nguyễn Ngọc Bản (36 tuổi), chồng chị kiểm lại thực phẩm trong tủ lạnh, rồi bảo vợ "đủ đồ ăn cho cả tháng". Anh chỉ không nhận đồ tiếp tế vì nghĩ "nhiều người khác cần hơn".

Dịch Covid-19 lần trước, quán cơm cũng phải đóng cửa vì lệnh cách ly xã hội. Hai vợ chồng động viên nhau làm ăn có lúc này lúc khác, "chỉ mong hết dịch để làm lại từ đầu". Ba tháng qua, quán hoạt động cầm chừng vì chủ yếu bán cho khách quen mang về. Do giá cao hơn các quán cơm bình dân, không có người trong bệnh viện ra mua, chị yên tâm phần nào.

Những ngày này, mỗi sáng chị Xuân thức dậy lúc 10h vì không phải lo đi chợ, chuẩn bị cho quán cơm như trước. Bữa cơm trưa thành cơm chiều, lúc 15h. Hai vợ chồng dành thời gian trò chuyện, xem tin tức cho nhanh qua một ngày. "Hàng xóm tôi cũng vậy. Mọi người đều muốn sống chậm lại", chị nói.

Nhiều cư dân trong khu cách ly trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ra vỉa hè hỏi han các chiến sĩ làm nhiệm vụ gác chắn. Ảnh: Nguyễn Đông.

Lần thứ hai trong vòng 6 tháng chị đã quen với việc phải ở trong nhà để phòng chống dịch, nhưng bức bí nhất là hai đứa nhỏ, đang tuổi chơi và mong mãi mới được nghỉ hè, phải quanh quẩn trong nhà. Để giúp con giải khuây, ba mẹ con cùng nhau đọc sách, trồng cây trong nhà.

Bên Mỹ, bố mẹ ruột anh Bản đang trải qua cơn đại dịch. Lo lắng cho gia đình của con ở vùng phải cách ly, hàng ngày ông bà đều gọi điện thoại về dặn phải thường xuyên rửa mũi, súc miệng bằng nước muối, sáng và tối phải đo nhiệt độ để tự giám sát sức khoẻ.

Sáng 31/7, những cư dân trong vùng phong toả được gọi đi lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại trường THCS Nguyễn Huệ. Dù trời mưa rả rích và phải ngồi chờ hàng giờ, nhưng khoảng 1.700 người đều trật tự "vì được lấy mẫu sẽ yên tâm hơn", anh Trần Hữu Đức Nhật nói.

Nhà anh Nhật ở khu dân cư trên đường Quang Trung, giữa Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng. Ngay khi nghe trong bệnh viện có ca mắc Covid-19, anh dặn vợ con tuyệt đối không được ra đường. Đồ đạc trong nhà cũng được vệ sinh toàn bộ.

Cuộc sống bị thay đổi, bốn thành viên tự giới hạn không gian trong nhà, không ra khỏi cửa. Để an toàn hơn, anh từ chối tổ dân phố đến đo nhiệt độ. "Khu vực này vẫn chưa biết ai lây nhiễm, vì chưa có kết quả xét nghiệm. Mỗi cán bộ dân phố lại tiếp xúc cùng lúc với nhiều người", anh nói.

Trước thời điểm cách ly, anh Nhật tự mua máy đo thân nhiệt cầm tay để kiểm tra hàng ngày cho vợ và hai con. Việc khai báo y tế được anh điện thoại trực tiếp cho phường. "Thành phố cũng đã thông báo cho người dân việc khai báo y tế qua các ứng dụng điện thoại. Tôi thấy đây là việc cần thiết để hạn chế tối đa tiếp xúc", anh nói.

Ngày thứ 7 phải cách ly trong nhà, em Nguyễn Lê Minh Anh chưa thể hình dung kỳ thi THPT quốc gia sắp tới với mình sẽ như thế nào? Mỗi ngày, ngoài việc tất bật nấu cơm cho bà nội và bố, em lại ngồi vào bàn học nhưng thấp thỏm suy nghĩ "khi các bạn đi thi, mình có được ra khỏi khu cách ly".

Minh Anh học bài sau khi thay mẹ làm việc nhà. Ảnh: Anh Tuấn.

Đọc tin tức, nữ sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú biết thành phố đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo dừng kỳ thi này tại Đà Nẵng. "Nếu được hoãn thi, hoặc đặc cách cho tụi em xét hồ sơ và sát hạch để vào đại học khi đã hết dịch thì sẽ tốt hơn. Bây giờ ngồi ôn thi trong khu cách ly, tâm trạng rất bất an", Anh chia sẻ.

Nhà Anh ở cạnh gác chắn gần cuối đường Quang Trung. Phòng khám của gia đình đã đóng cửa từ ngày 26/7. Mẹ đi làm ở Trạm Y tế phường Thuận Phước, không được về nhà, thi thoảng tranh thủ chạy xe máy qua chợ mua ít đồ ăn rồi chạy về treo lên gác chắn cách nhà chưa đầy 10 mét, gọi điện thoại cho con xuống lấy.

"Em nhớ mẹ, nhưng không được nhìn rõ mặt vì phải đeo khẩu trang. Hai mẹ con hỏi han nhau vài câu rồi mẹ lại phải quay xe đi làm", Anh kể. Bố em làm bác sĩ ở Trung tâm Y tế quận Hải Châu, muốn ra ngoài khu phong toả để tăng cường cho đồng nghiệp, nhưng buộc phải ở yên trong nhà.

Mỗi ngày, Anh lo ba bữa cơm cho bố và bà nội, rồi lại tranh thủ ngồi vào bàn học. Những lúc căng thẳng, em xuống nhà, đứng từ xa hỏi chuyện mấy chú công an nơi gác chắn cho khuây khoả. "Các chú mời em uống nước mía. Nhưng con không dám nhận vì các chú cực khổ lắm rồi".

Chị Xuân nói, những ngày qua các cư dân bị phong toả dù bị thay đổi toàn bộ nhịp sống, nhưng nhìn các chiến sĩ công an đứng dưới mưa để đảm bảo không có người dân ra khỏi khu cách ly y tế, rồi xem tin tức thấy hình ảnh bác sĩ phải cắt tóc, ngủ tạm trên bìa carton... và "thấy mình chưa phải là người khổ nhất".

"Mình còn có lựa chọn là đeo hay không đeo khẩu trang khi ở yên trong nhà. Còn những người tuyến đầu thì bức bí vô cùng trong bộ đồ bảo hộ. Tôi từng chứng kiến, hai nhân viên y tế đi lấy mẫu cho người dân, phải tạm ra một khu vực vắng, tháo khẩu trang ra để thở, nên thấu cảm phần nào vất vả của họ", chị nói.

Trong 9 ngày qua, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 104 ca, Quảng Nam 26, TP HCM 8, Hà Nội hai, Quảng Ngãi hai, Thái Bình và Đăk Lăk mỗi nơi một. Tổng số ca nhiễm cả nước lên 590, trong đó 373 người đã khỏi, năm người tử vong, 212 bệnh nhân đang điều trị.

Nguyễn Đông

Núi Voi đầu nguồn Làng Nủ tiếp tục sạt lở

Lào CaiTại nơi bắt nguồn trận lũ quét Làng Nủ, xã Phúc Khánh, đất đá tiếp tục sạt gây nổ lớn, chính quyền phải cắm biển cảnh báo người dân không đến gần.

15 ngày trước

Thủ tướng: Vùng Đông Nam Bộ cần phấn đấu tăng trưởng 2 con số

Bà Rịa - Vũng TàuVùng Đông Nam Bộ cần hoàn thiện thể chế, tập trung giải ngân đầu tư công, bứt phá xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng để đạt tăng trưởng 2 con số, theo lãnh đạo Chính phủ.

15 ngày trước

Chàng trai biến gỗ vụn thành mô hình con vật

Thái NguyênTừ những mảnh gỗ tưởng như bỏ đi, anh Nguyễn Văn Huy mày mò ghép lại thành mô hình con vật cao tới cả mét, bán vài chục triệu đồng.

15 ngày trước

'Làm metro bằng ngân sách giúp TP HCM tự chủ công nghệ, nhà thầu'

Việc dùng ngân sách đầu tư metro giúp rút ngắn quy trình triển khai, chủ động công nghệ, nhưng thách thức lớn trước nguồn vốn hơn 47.000 tỷ, theo các chuyên gia.

15 ngày trước

Bị phạt vì dừng ôtô cho khách đi vệ sinh trên cao tốc

Bình ThuậnNam tài xế xe khách bị lập biên bản xử phạt do dừng xe ở làn khẩn cấp trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết để khách đi vệ sinh.

15 ngày trước

Tổng Bí thư: Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng khi sắp xếp bộ máy

Theo Tổng bí thư Tô Lâm, việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị sẽ thực hiện từ trên xuống với phương châm "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng, tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng".

15 ngày trước

Hải Phòng dự kiến xây thêm cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện 2 sẽ được xây dựng bên trái cầu hiện có vào giai đoạn 2026-2030 với tổng đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng.

15 ngày trước

25 tấn cá chết trên hồ thủy điện ở Kon Tum

Thủy điện xả nước làm lớp bùn lắng dưới lòng hồ thủy điện Ya Ly xáo trộn, khiến hơn 25 tấn cá nuôi trên hồ bị thiếu oxy, chết hàng loạt.

5 tháng trước