Cột mốc quan trọng tăng tốc đưa metro số 1 về đích

3 năm trước Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

TTO - Sau hơn 10 năm chờ đợi, đoàn tàu đầu tiên (trong tổng số 17 đoàn) của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã cập cảng Sài Gòn (khu Khánh Hội, Q.4, TP.HCM) vào sáng 8-10.

Cột mốc quan trọng tăng tốc đưa metro số 1 về đích - Ảnh 1.

Các toa tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cập cảng Sài Gòn, TP.HCM sáng 8-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng để tăng tốc đưa tuyến metro đầu tiên của TP về đích.

Xuất phát từ cảng Osaka (Nhật Bản), sau 8 ngày lênh đênh trên biển, tàu Bayani chở đoàn tàu metro số 1 đã vào đến phao số 0 trên vùng biển Vũng Tàu sáng sớm 8-10. Đồng hồ chỉ 3h sáng. Chúng tôi có mặt để chứng kiến thời khắc đáng nhớ này.

Đoàn tàu cảm xúc

Từ TP Vũng Tàu, anh Đoàn Anh Duy (hoa tiêu hạng nhất) cùng một đồng nghiệp Công ty TNHH Hoa tiêu hàng hải khu vực I được giao nhiệm vụ lên tàu Bayani dẫn đường. Anh Duy cho biết đơn vị anh từng được giao lai dắt những chuyến tàu chở các thiết bị phục vụ cho một số công trình quan trọng của TP. Điển hình như lai dắt cả đoàn tàu chuyên chở đốt hầm Thủ Thiêm. "Lần này, mình cũng được vinh dự lai dắt con tàu chở metro cho TP. Tàu metro TP đã được người dân chờ đợi lâu lắm rồi, đây là công trình quan trọng, tạo điểm nhấn cho TP mình" - anh Duy nói.

Đứng trên cabin tàu, anh Duy liên tục hướng dẫn qua bộ đàm để các bộ phận đưa tàu Bayani đi đúng luồng lạch. Con tàu Bayani lừng lững tiến về phía trước. Từ ngoài vùng biển Vũng Tàu, Bayani đi vào sông Lòng Tàu, vượt qua những địa danh như cầu Phú Mỹ, đảo Kim Cương, cảng Bến Nghé, Tân Thuận... Tất cả thủy thủ và các hoa tiêu làm nhiệm vụ đều tập trung cao độ để đưa tàu vào cảng Sài Gòn an toàn.

Cột mốc quan trọng tăng tốc đưa metro số 1 về đích - Ảnh 2.

3 toa tàu metro số 1 đầu tiên đã cập cảng Sài Gòn sáng 8-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đúng 8h sáng 8-10, tàu cập cảng Sài Gòn. Các thủy thủ và hoa tiêu dẫn đường thở phào nhẹ nhõm. Gắn bó với dự án metro số 1 gần 10 năm, chứng kiến toa tàu đầu tiên được bốc xuống từ tàu Bayani, anh Hoàng Hải Tùng (kỹ sư điều phối tuyến metro số 1) không giấu được sự vui mừng. Từ khi được phân công tham gia thực hiện một số việc để đón tiếp đoàn tàu từ Nhật Bản về, hơn một tháng qua anh rất hồi hộp cho tiến độ đưa đoàn tàu về TP.HCM. 

"Tàu cập bến an toàn, mình thở phào nhẹ nhõm. Với sự nỗ lực của nhiều đơn vị liên quan, cuối cùng đã đạt thành quả bước đầu. Đây là bước quan trọng đánh dấu sự thay đổi của dự án metro số 1 từ thi công sang vận hành thử nghiệm" - anh Tùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hưng - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - cho biết rất vinh dự và tự hào khi được các lãnh đạo tin tưởng, lựa chọn Cảng Sài Gòn để tiếp nhận các toa tàu phục vụ dự án trọng điểm. "Với trách nhiệm, khả năng, năng lực của mình, Cảng Sài Gòn đã tiếp nhận cũng như bốc xếp các toa tàu an toàn theo yêu cầu của nhà thầu và các chuyên gia" - ông Hưng khẳng định.

Chiều cùng ngày, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư dự án metro số 1) cho biết đã hoàn thành việc đưa đoàn tàu lên các xe chuyên dụng. Dự kiến, 23h đêm 9-10 các xe chuyên dụng chở các toa tàu bắt đầu rời cảng và 3h sáng sẽ tới trạm bảo dưỡng đầu máy, toa xe - depot Long Bình.

Ông Đoàn Văn Tuyến - giám đốc dự án của Công ty Gemadept (đơn vị chịu trách nhiệm vận chuyển tàu từ cảng về depot Long Bình) - cho biết mọi việc vận chuyển đã được cơ quan chức năng hỗ trợ. Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và các bên liên quan đã hỗ trợ, tham gia để đảm bảo việc vận chuyển các toa tàu về depot an toàn nhất. "Sáng 10-10, chúng tôi sẽ chuyển toa tàu lên đường ray và lắp đặt các hệ thống sẵn sàng cho việc vận hành" - ông Tuyến nói.

Cũng theo ông Tuyến, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cấp phép lộ trình di chuyển cho đoàn xe chở các toa tàu metro đi từ cảng Sài Gòn qua đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - cầu Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - đường 11 rồi về depot Long Bình.

Cột mốc quan trọng tăng tốc đưa metro số 1 về đích - Ảnh 3.

Bước chuyển mình của TP.HCM

Ngay từ đầu năm 2020, tại lễ phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 1, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã khẳng định dự án metro số 1 mang tính biểu tượng là công trình đánh dấu sự chuyển mình phát triển của TP.HCM hôm nay và tương lai. Chính quyền và nhân dân TP rất kỳ vọng công trình này sớm hoàn thành. 

"Chúng ta đã chậm rồi. Nên năm 2020 phải nói là năm của sự tăng tốc để hoàn thành công trình sớm hơn dự kiến" - ông Hoan nói và cho biết TP.HCM đã chuẩn bị mọi nguồn lực, trong đó có tài chính để dồn lực về đích.

Trong những tháng qua, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc xin nhập cảnh cho đội ngũ chuyên gia nước ngoài và nhập khẩu vật liệu, trang thiết bị đã bị gián đoạn. Dịch COVID-19 cũng là một trong những lý do khiến đoàn tàu metro số 1 phải dời thời điểm về Việt Nam từ tháng 6 lên tháng 10 như hiện tại. Để vượt qua những khó khăn, một cán bộ Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho hay từ chủ đầu tư đến nhà thầu, cán bộ đều cố gắng, không ngồi chờ hết dịch mới làm. 

"Trên công trường, anh em vừa nâng cao tinh thần chống dịch, giãn cách xã hội, vừa tăng tốc thi công để đáp ứng tiến độ đề ra. Đối với những vị trí thiếu vật liệu, các anh em công nhân chuyển qua làm việc trên các công trình khác, cùng chạy đua với thời gian" - cán bộ này nói.

Cột mốc quan trọng tăng tốc đưa metro số 1 về đích - Ảnh 4.

Toa tàu đầu tiên được đưa xuống xe chuyên dụng tại cảng Sài Gòn, TP.HCM sáng 8-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngoài việc vượt khó trên công trường, chủ đầu tư và TP.HCM cũng liên tục kiến nghị tháo gỡ vướng mắc sớm đưa các chuyên gia Nhật sang Việt Nam để đảm bảo tiến độ thi công cho công trình. Sau một thời gian phối hợp các bên, ngày 18-9, 6 chuyên gia phụ trách vận chuyển tàu đã được nhập cảnh vào Việt Nam. Từ đó mới có kết quả của ngày hôm nay, đoàn tàu metro đầu tiên của dự án metro số 1 đã về tới TP.

Đến nay, theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, dự án đang có những bước khả quan. Các gói thầu như đoạn trên cao và các depot, đoạn ngầm cũng đã đạt đích từ 80 - 90% khối lượng công việc. Dự kiến cuối năm nay, toàn dự án sẽ đạt 85% khối lượng công việc. Nhằm đảm bảo nhân lực vận hành, hiện Ban quản lý đường sắt đô thị TP phối hợp Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 và Trường cao đẳng Đường sắt đào tạo nhân sự phục vụ vận hành, bảo dưỡng đoàn tàu.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị TP cũng tỏ ra lo lắng vì cho rằng hiện dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại ở một số nước châu Âu. Đây cũng là một trong những khó khăn cho việc nhập khẩu một số thiết bị từ các nhà máy về thực hiện dự án. "Biết là khó khăn nhưng chúng tôi và các nhà thầu đang cố gắng tháo gỡ vướng mắc để giữ vững tiến độ đề ra" - vị này bày tỏ quyết tâm.

Tuyến metro số 1 có 17 đoàn tàu

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng cộng 17 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu bao gồm 3 toa. Tốc độ thiết kế tối đa của đoàn tàu là 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Đoàn tàu có thể chở tổng cộng 930 khách, trong đó có 147 khách ngồi ghế, 783 khách đứng.

Quy mô metro số 1

Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài khoảng 19,7km (2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao) và 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao). Depot đặt tại phường Long Bình, quận 9 với diện tích 20ha.

* Hướng tuyến: Bến Thành (tại quảng trường Quách Thị Trang) - Lê Lợi - Nguyễn Siêu - Ngô Văn Năm - Tôn Đức Thắng - Ba Son - Nguyễn Hữu Cảnh - Văn Thánh - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn - xa lộ Hà Nội và kết thúc tại depot Long Bình.

Metro số 1 định hướng kéo dài từ ga Suối Tiên đến Bình Dương và đến Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong tương lai.

Dự án metro số 1 có 4 gói thầu chính:

* Gói số 1: Xây dựng đoạn đi ngầm gồm 2 gói thầu. Đầu tiên là gói thầu số 1a (từ ga Bến Thành - ga Nhà hát TP) bao gồm nhà ga ngầm Bến Thành và đoạn hầm metro dài 515m. Gói số 1b từ ga Nhà hát TP - ga Ba Son, bao gồm 2 nhà ga ngầm và đoạn hầm metro dài 1.315m.

* Gói số 2: Xây dựng đoạn đi trên cao và depot: dài 17,1km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương.

* Gói số 3: Mua thiết bị cơ điện, đường ray, toa xe và bảo dưỡng.

* Gói số 4: Hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng Công ty Khai thác vận hành.

Sông Công (Thái Nguyên): Công bố Quy hoạch chi tiết phần mở rộng Khu nghĩa trang Cải Đan

(Xây dựng) – Mới đây, UBND thành phố Sông Công tỉnh Thái Nguyên đã chính thức công bố Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nghĩa trang Cải Đan (phần mở rộng), theo Quyết định số 2458/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 của UBND thành phố Sông Công.

3 tháng trước

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch 12 địa phương

(Xây dựng) – Ngày 23 tháng 10 năm 2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 430/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tuyến với 12 địa phương về đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

5 tháng trước

Viện Kiến trúc quốc gia hoàn thành tốt nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2023

(Xây dựng) – Vừa qua, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023.

5 tháng trước

Lạng Sơn: Đẩy nhanh tiến độ, chất lượng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030

(Xây dựng) – Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Công văn số 4986/VP-KT thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu về việc đẩy nhanh tiến độ, chất lượng quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

5 tháng trước

Bà Rịa – Vũng Tàu: Đã tìm ra phương án thiết kế cầu Cỏ May 3

(Xây dựng) – UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Cỏ May 3 thuộc Dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Cuộc thi đã có 1 giải Nhất và 2 giải Ba.

6 tháng trước

Hà Tĩnh: Quy hoạch thị trấn Đức Thọ theo chuẩn kỹ thuật đô thị loại III đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững

(Xây dựng) - UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vừa tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch mở rộng thị trấn Đức Thọ và vùng phụ cận đến năm 2035, theo đó, quy hoạch đảm bảo tính kết nối đồng bộ, phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật đô thị loại III, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, lâu dài của thị trấn Đức Thọ.

6 tháng trước

Chuyển đổi số lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc: Tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và áp dụng GIS

(Xây dựng) – Chuyển đổi số là một nhiệm vụ tất yếu đối với lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc để thay đổi toàn diện chất lượng quy hoạch – kiến trúc, qua đó góp phần phát triển ngành Xây dựng tiên tiến, hiện đại và bền vững.

6 tháng trước

Thành phố Hồ Chí Minh: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch dọc tuyến Vành đai 3

(Xây dựng) - UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch rà soát quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch dọc 2 bên tuyến và vùng phụ cận dọc đường Vành đai 3 để khai thác hiệu quả quỹ đất, mang lại nguồn thu cho ngân sách Thành phố.

6 tháng trước