"Không còn tâm trạng để làm việc", Phượng, công nhân KCN Vân Trung, Bắc Giang, nói qua điện thoại khi biết tin đồng nghiệp dương tính Covid-19.
Chiều 8/5 sau giờ tan ca, cô công nhân 29 tuổi thấy điện thoại báo hơn chục tin nhắn, gọi nhỡ của bạn bè hỏi về ca nghi nhiễm Covid-19 gần nơi làm việc. Cô không hiểu mô tê gì, vội lướt mạng xem tin tức.
Da đầu tê rần khi thấy ca nghi nhiễm là nữ công nhân Công ty TNHH MTV Shin Young. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất linh kiện điện tử, thuê nhà xưởng của Công ty TNHH SJ Tech. Nơi đó cách nhà máy Phượng làm việc "khoảng ba công ty". Cô là công nhân gia công linh kiện điện tử trong Khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên), nơi tập trung hơn 90.000 lao động, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc.
Lực lượng y tế Bắc Giang xuyên đêm lấy mẫu cho công nhân Shin Young, đêm 8/5. Ảnh: CDC Bắc Giang
Về nhà, Phượng bàn ngay với chồng đưa con trai sang nhà bà ngoại ở huyện Yên Sơn cách nơi vợ chồng cô ở Bích Động (Việt Yên) gần 40 km để gửi. Khi nào hết dịch thì về. Sáng 9/5 trước khi vào nhà máy, Phượng gói ghém bịch quần áo, nhét thêm lốc sữa rồi xua tay bảo chồng nhanh mang con đi. Thằng bé khóc ré lên đòi mẹ, nhưng cô quay lưng vào nhà sửa soạn đi làm, không dám nhìn con. Chồng cô là thợ chuyên đi sửa điện nước quanh vùng nghe vợ phổ biến "hàng ngày phải đọc tin tức, xem nơi nào đã có ca nhiễm thì né ngay".
Cũng trong sáng ấy, Bộ Y tế chính thức thông tin "bệnh nhân 3243", nữ công nhân 34 tuổi ở Bắc Giang. Buổi chiều, thêm 26 F1 của chị được công bố mã số bệnh nhân. Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bắc Giang đánh giá ổ dịch ở Công ty TNHH MTV Shin Young "phức tạp, nguy cơ lây lan cộng đồng lớn". Lo ngại của chính quyền trong bối cảnh dịch xảy ra tại khu công nghiệp, mật độ công nhân tập trung cao, di chuyển rộng, đặc biệt nhiều F0 đi bằng phương tiện công cộng khiến tốc độ lây lan virus nhanh.
Vân Trung là khu công nghiệp lớn thứ nhì trong số 6 khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang, nằm cạnh quốc lộ 1A, cách TP Bắc Giang chưa đầy 10 km, cách Hà Nội 40 km. Bắc Giang đã yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp lập danh sách công nhân theo từng địa phương, nơi lưu trú, những người đi làm bằng xe đưa đón để truy vết nếu có ca nhiễm.
Trong ngày 9/5, công ty nơi Phượng làm thông báo những người hàng ngày di chuyển bằng xe ôtô đưa đón tạm nghỉ việc cách ly ở nhà, hưởng 70% lương. Còn công nhân đi làm bằng xe máy vào xưởng bình thường. Một phần ba lao động trong xưởng đang phải cách ly ở nhà. Mỗi sáng bước chân vào nhà máy, Phượng phải làm thêm một việc là liệt kê thông tin đi đâu, gặp những ai sau giờ làm để phục vụ điều tra dịch tễ cần thiết sau này. "Về thẳng nhà, chỉ tiếp xúc với chồng và con trai 3 tuổi", Phượng ghi.
Cách ba tiếng một lần, loa phát thanh lại vang lên tuyên truyền phòng bệnh. Nhà xưởng phần đông là nữ, tan ca, các quản lý dặn dò "về thẳng nhà, đi lại càng ít càng tốt".
Phun khử trùng tại Công ty Shin Young. Ảnh: Bộ Y tế
Thống kê của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nửa đầu năm 2020, khoảng 1,4 triệu lao động đã mất việc làm, giãn việc do doanh nghiệp phá sản, nhà máy ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất. Công nhân bị ảnh hưởng trực tiếp, giãn ca, giảm thu nhập, thậm chí bị sa thải khi doanh nghiệp hết đơn hàng. Họ đối mặt với nguy cơ cao hơn trở thành bệnh nhân, hoặc các F khi dịch bùng phát trong nhà máy. Ổ dịch Poyun tại Hải Dương đợt đầu năm là bài học lớn, khi hơn 2.000 công nhân phải cách ly tập trung, hàng trăm công nhân mắc bệnh.
"Hồi đó thấy Covid-19 còn ở đâu xa lắm. Có ai nghĩ là một ngày nó bùng ngay bên hông mình đâu", cô cảm thán. Khi ấy, Bắc Giang dù nằm cạnh tâm dịch, nhưng công việc của Phượng hầu như không xáo trộn, bởi tỉnh có biện pháp giám sát người về từ vùng dịch.
Trong xưởng chưa ghi nhận F1, song lác đác có người được công ty cho nghỉ ở nhà hoặc gọi điện đến báo tổ trưởng xóm làng vừa bị phong tỏa. Mỗi lần thấy tổ trưởng nhắn là Phượng thót tim, không biết khi nào đến lượt mình. Bốn ngày qua, trong đầu nữ công nhân suy tính đủ loại tình huống không may, phải đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà nếu là F, thậm chí xấu nhất là nhiễm bệnh. Cô không sợ nhiễm, vì nghĩ còn trẻ khỏe chắc sẽ chóng khỏi, mà lo đồng nghiệp phải đi cách ly, phân xưởng ngừng hoạt động thì sau này khó còn đường quay lại nhà máy. Nhưng Phượng sợ nhất là ảnh hưởng tới gia đình, "mang dịch về quê thì không sống nổi với làng xóm".
Tâm trạng cô được giải tỏa phần nào chiều qua, khi nghe công ty nói sẽ cho toàn bộ công nhân xét nghiệm tầm soát Covid-19 vì nằm ở khu vực nguy cơ cao. Nhưng rồi Phượng cũng thấp thỏm, nếu chẳng may nhận kết quả dương tính.
"Tỉnh sẽ lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ 90.000 công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Vân Trung", ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết. Khu trọ phát hiện ca nhiễm, tập trung đông công nhân như My Điền 1, My Điền 2, My Điền 3 thuộc thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên) đã bị phong tỏa và lấy mẫu 15.000 người. Dự kiến sẽ có kết quả xét nghiệm trong ngày 13/5.
Theo ông Dương, về lâu dài Bắc Giang sẽ có phương án đánh giá an toàn trong khu công nghiệp, doanh nghiệp đảm bảo phòng chống dịch cho công nhân mới được hoạt động tiếp.
Công nhân Khu công nghiệp Vân Trung vào nhà máy, tháng 9/2020. Ảnh: Tùng Sơn
Đối diện Khu công nghiệp Vân Trung, bên kia quốc lộ là Khu công nghiệp Đình Trámhoạt động lâu đời nhất Bắc Giang, sản xuất đa ngành, từ may mặc cho đến điện tử. "Như trong những bộ phim chiến tranh mà mình đã xem ấy", Ngọc, nữ công nhân may mặc 23 tuổi, mô tả qua điện thoại không khí quanh nơi mình làm việc, cách ổ dịch 4 km.
Qua cửa kính chiếc xe 45 chỗ đưa đón công nhân tan ca lúc 18h, cô thấy ai nấy hối hả trên đường gom cao tốc để về nhà. Không còn tắc đường, không bị tiếng còi xe đưa đón công nhân giục nhau dội vào tai. Hàng quán đóng cửa, không còn cảnh công nhân mua bán ở chợ chiều sửa soạn cơm nước như trước khi dịch bùng. Ngọc tranh thủ chợp mắt suốt quãng đường 30 km về tới nhà. Trên xe tắt điều hòa, nóng ran, công nhân bịt kín khẩu trang, không ai nói với nhau câu nào cho tới lúc bước xuống.
Ngọc về thẳng nhà, tắm rửa, ăn uống và trèo lên giường lúc 21h. Cô giở màn hình điện thoại ra, xem cả nước thêm bao nhiêu ca nhiễm, Bắc Giang bao nhiêu ca, ở những nơi nào. Cho đến chiều hôm qua, khi Bắc Giang thông báo toàn tỉnh ghi nhận 67 ca nhiễm, 62 ca trong số đó liên quan tới ổ dịch Công ty TNHH MTV Shin Young thì Ngọc không muốn đọc tin nữa.
Xưởng may bây giờ vài trăm công nhân ngồi cùng sàn, chục chiếc quạt công nghiệp chạy hết công suất. Cái nóng trong nhà xưởng từng khiến cô khó chịu giờ lại phần nào an tâm vì "nghe nói, ngồi điều hòa rất dễ lây nhiễm". Nhà ăn công ty đã lắp màng ngăn cách từng bàn, đặt ghế ngồi cách nhau gần một mét. Bữa ăn đã được chia làm hai ca dù buổi trưa chỉ được nghỉ một tiếng. Ai nấy hối hả ăn trong vòng 15 phút, rồi về ngồi ngay ghế máy may chợp mắt.
"Nghỉ đi, về tao nuôi", mẹ cô bảo mất việc còn hơn bị bệnh, khiến cô con gái đắn đo có nên xin tạm nghỉ ở nhà ít ngày. Nhưng sợ nghỉ sẽ khó kiếm được việc trong thời đại dịch này, dù lương công nhân của cô hơn 7 triệu đồng. Ngọc vẫn quyết định đi làm. Cô sắm thêm hai hộp khẩu trang, loại 50.000 đồng mỗi hộp.
Ngọc chợt nhớ chiếc váy hoa mua tháng trước, giờ cất trong tủ. Đầu tháng 4, công ty đã lên kế hoạch cho hơn 500 công nhân đi nghỉ mát sau vài lần trì hoãn vì các đợt dịch liên tiếp bùng phát. Nghe nói sẽ đi biển, Ngọc trích tiền lương sắm một chiếc váy hoa để mặc trong lần đi chơi đầu tiên sau một năm vào nhà máy. Nhưng một tuần trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, công ty phát tin hoãn du lịch, dặn công nhân hạn chế đi chơi bởi "dịch bệnh nguy cơ bùng phát rất cao". Giờ nghe tin hàng chục ca mỗi ngày, Ngọc thấy may mà không đi, "nếu đi thì không biết bây giờ xảy ra chuyện gì".
Chiều 11/2, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập 22 tổ chức đảng trực thuộc và công tác nhân sự.
Năm 2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ kiểm toán thu chi tài chính công đoàn cấp trên các khu công nghiệp, chế xuất, trọng tâm Hà Nội và TP HCM.
Đợt không khí lạnh cường độ không quá mạnh sẽ tràn xuống miền Bắc trong đêm nay và ngày mai, vùng núi cao có nơi rét đậm, Hà Nội thấp nhất xuống 16 độ C.
Long AnNgười dân không được tạt nước, ném bột mì, hột vịt thối... tại Lễ hội Làm Chay đang diễn ra ở huyện Châu Thành để bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người đi đường.