Chuyên gia: Gói hỗ trợ mới nên hướng đến lao động phi chính thức

2 năm trước Nguồn: Báo Vnexpress

Các chuyên gia góp ý gói hỗ trợ mới vẫn nên đặt trọng tâm vào người lao động, nhất là khu vực phi chính thức, song thủ tục cần đơn giản hơn.

Chính phủ đang giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẩn trương tiếp thu ý kiến bộ ngành, hoàn thiện dự thảo nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ hai nhà nước tung gói an sinh, sau gói 62.000 tỷ đồng.

Hồi tháng 8/2020, Bộ Lao động Thương binh Xã hội từng đề xuất thêm một gói 18.000 tỷ tập trung vào lao động mất việc đang thuê nhà, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, song chưa có kết quả.

Gần đây, gói hỗ trợ lần hai được dự kiến tổng kinh phí trên 27.580 tỷ đồng, tuy nhiên, đang trong quá trình hoàn thiện nên thông tin chi tiết chưa được công bố.

Theo dự thảo ban đầu, các nhóm chính sách sẽ hướng vào giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng để doanh nghiệp có thêm kinh phí phòng chống dịch bệnh; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động; hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hộ kinh doanh cá thể và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch...

Hà Nội vắng vẻ trong đợt cách ly xã hội hồi tháng 4/2020. Ảnh: Giang Huy

Đánh giá sau hơn một năm triển khai các gói hỗ trợ và đưa ra khuyến nghị cho gói mới, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hôm 15/6 cho rằng một số chính sách thời gian qua chưa thực sự tiếp cận được người dân, doanh nghiệp dễ bị tổn thương vì dịch. Gói vay không lãi suất 16.000 tỷ hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương, chỉ có 245 đơn vị tiếp cận được với số tiền 42 tỷ đồng, chiếm 0,26%; gói hỗ trợ qua chính sách tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất mới giải ngân được 12%...

Theo Ủy ban, Chính phủ cần có đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ và đưa ra dự báo, kịch bản với những đề xuất phù hợp để gói hỗ trợ lần hai hiệu quả hơn.

Đây cũng là ý kiến chung của nhiều chuyên gia. Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội, nói sắp xếp thứ tự ưu tiên của các chính sách hỗ trợ lần này nên là khu vực phi chính thức; tiếp đến là công nhân mất việc, làm cầm chừng, giảm sút thu nhập, đặc biệt trong vùng cách ly, giãn cách xã hội.

Ông Huân phân tích, kết quả giải ngân gói 62.000 tỷ đồng cho thấy hướng nhiều đến nhóm chính sách xã hội gồm hộ nghèo, cận nghèo, người có công, người nhận bảo trợ (83% người được hỗ trợ thuộc 4 nhóm này), còn với số lao động khu vực phi chính thức và chính thức bị mất việc, giãn việc thì sự hỗ trợ "chưa thực sự thấm vào đâu".

Trong hai đợt dịch từ đầu năm 2021 đến nay, các địa phương dù giãn cách hay không đã tạm ngừng kinh doanh nhiều dịch vụ, cấm tập trung đông người; quán xá vì thế vắng vẻ, hàng rong hầu như đã "biến mất" khỏi nhiều nơi ở vỉa hè đô thị. Hỗ trợ khẩn cấp cho nhóm này, ngoài an sinh còn liên quan đến những tiềm ẩn an ninh xã hội khi họ bị mất thu nhập kéo dài.

Theo chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng, cách hỗ trợ nhanh nhất là rút gọn thủ tục và ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, chia nhóm, đối chiếu dữ liệu để chống gian lận. Chính phủ có thể lập ra một cổng thông tin, hướng dẫn chi tiết để người lao động cần hỗ trợ đăng ký. Mỗi nhóm có tiêu chí riêng chứ không áp dụng công thức chung cho tất cả.

Nhóm kinh doanh dịch vụ theo hộ gia đình có địa chỉ cố định như quán cà phê, quán ăn sử dụng lao động phải nghỉ việc trong thời gian giãn cách hoặc cách ly xã hội sẽ có thông tin, số liệu đăng kí với cơ quan chức năng tại địa phương. Nhà nước có thể dùng dữ liệu của ngành thuế, chính quyền phường... để rà soát ai là người chịu ảnh hưởng.

Người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, tháng 6/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Nhóm lái xe hợp đồng, giáo viên mầm non tư thục, có thể hướng dẫn chủ sử dụng lao động lập danh sách trước khi đăng kí thông tin. Nhóm này có thể chứng minh lịch sử làm việc bằng hợp đồng hoặc thỏa thuận với chủ sử dụng lao động, kê khai bằng tiền mặt hay trả lương qua ngân hàng. "Có thể dùng thông tin này để chứng minh công việc việc bị ảnh hưởng, mất thu nhập do dịch bệnh ra sao nhưng phải cam kết bảo mật cho người lao động", ông Đồng nói.

Nhóm lao động phi chính thức di cư từ địa phương lên thành phố lớn hoặc di chuyển thường xuyên giữa các nơi, vẫn cần sự xác nhận của chính quyền tại nơi thường trú, nơi tạm trú và hỗ trợ của công nghệ thông tin để nhập dữ liệu rà soát, đối soát.

"Nếu vẫn làm thủ công với hệ thống giấy tờ xác nhận của bộ ngành thì mất thời gian, dễ lỡ thời điểm cần hỗ trợ", ông Đồng nhìn nhận.

Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực qua các đợt dịch từ đầu năm 2020 đến nay. Đồ họa: Tạ Lư

Gói an sinh 62.000 tỷ đồng từng đưa nhóm hàng rong vào hỗ trợ, song nhiều địa phương trong quá trình xét duyệt lúng túng vì cho rằng nhóm này vi phạm trật tự, văn minh đô thị. Các chuyên gia cho rằng hỗ trợ khẩn cấp thì không nên lấy tiêu chí vi phạm để loại bỏ họ ra khỏi mạng lưới an sinh xã hội thời điểm này. Bộ Lao động Thương binh Xã hội nên có hướng dẫn cụ thể, kiểm tra thường xuyên các địa phương trong quá trình thực hiện, không nên để khúc mắc tái diễn như gói trước.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận gói chính sách hỗ trợ nên tùy biến theo từng địa phương. Các tỉnh chủ động lập danh sách từng nhóm lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất rồi báo cáo lên Chính phủ để đề xuất chính sách, "đồng nghĩa với việc từ thực tiễn đi lên chứ không phải tự trên đi xuống".

Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh vẫn nên ưu tiên vaccine cho người lao động, tạo miễn dịch để sản xuất, sinh hoạt bình thường. Covid-19 không biết bao giờ chấm dứt, không thể mỗi đợt bùng phát lại tung ra gói hỗ trợ, trong khi dịch vẫn đe dọa công việc, tính mạng của cộng đồng. "Vaccine quan trọng hơn là triển khai cứu trợ với muôn vàn thủ tục phức tạp", ông Huân nói.

Việt Nam có khoảng 19,5 triệu lao động phi chính thức làm việc tự do hoặc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, đặc trưng không có hợp đồng, không hưởng lương cố định, không tham gia BHXH bắt buộc..

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và Tổ chức lao động thế giới, phần lớn lao động phi chính thức tại Việt Nam làm việc trong 3 nhóm ngành: "Công nghiệp chế biến, chế tạo", "Xây dựng" và "Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy". Tỷ trọng lao động phi chính thức của 3 ngành này chiếm tới gần 70% tổng số lao động phi chính thức. Tiếp theo đó, nhóm ngành "Dịch vụ lưu trú và ăn uống" cũng chiếm tỷ trọng khá lớn với khoảng 11%.

Hồng Chiêu

Công viên trước UBND TP HCM mang diện mạo mới

Hàng cây sứ ở Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở UBND thành phố được thay bằng nhiều loại hoa, mai tứ quý... tạo cảnh quan mới cho khu vực.

1 tháng trước

Đề xuất nâng cấp cao tốc qua Ninh Bình lên 4 làn xe hoàn chỉnh

Tỉnh Ninh Bình đề xuất mở rộng đoạn cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 14 km với 4 làn xe hạn chế thành 4 làn hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp.

1 tháng trước

Miền Bắc sẽ mưa lạnh dịp Tết Giáp Thìn

Ngày 27-28 tháng chạp, không khí lạnh sẽ tràn đến miền Bắc, mùng 1 Tết thêm đợt tăng cường khiến trời mưa lạnh, vùng đồng bằng dao động 14-23 độ C.

2 tháng trước

Sửa miễn phí hơn nghìn xe máy cho công nhân về Tết

TP HCMNhiều doanh nghiệp, nhà máy tổ chức sửa xe, thay nhớt, phụ tùng miễn phí để công nhân về Tết an toàn.

2 tháng trước

GS Võ Tòng Xuân: Miền Tây có thể sản xuất 4 vụ lúa một năm

GS Võ Tòng Xuân nêu các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long với lợi thế nước ngọt quanh năm có thể làm 4 vụ lúa, song một số chuyên gia cho rằng tăng vụ ẩn chứa rủi ro.

2 tháng trước

Bến phà Gót ra đảo Cát Bà sẽ dừng hoạt động từ 1/3

UBND TP Hải Phòng vừa thống nhất dừng bến phà Gót chở khách từ đất liền ra đảo Cát Bà từ ngày 1/3 để thực hiện dự án khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế.

2 tháng trước

Khuyến cáo chủ xe đăng kiểm trước hạn

Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo chủ phương tiện tận dụng thời điểm tháng hai và tháng ba đi đăng kiểm sớm trước thời hạn để tránh ùn tắc tại các thành phố lớn.

2 tháng trước

Đà Nẵng khánh thành 3 dự án giao thông gần 2.500 tỷ đồng

Ba dự án giao thông trọng điểm của thành phố đều nằm ở phía Tây, giúp kết nối hệ thống giao thông, cứu hộ cứu nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

2 tháng trước