Cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống huyện, xã, ấp tại Đồng Nai đã cùng gõ cửa từng nhà, vận động người dân sớm di dời, nhường đất phục vụ dự án.
Cán bộ không làm khó, dân mới đồng thuận
Ông Lê Văn Tiếp (người đứng, mặc áo trắng), Chủ tịch UBND huyện Long Thành đến gặp các hộ dân ở xã Suối Trầu để vận động bàn giao mặt bằng sân bay Long Thành.
Những ngày cuối tháng 4/2023 đến cuối tháng 6/2023 là giai đoạn chạy đua nước rút trong công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 tại sân bay Long Thành.
Thời điểm này nắng mưa thất thường, khiến đại công trường khi lầy lội, khi bụi bay không thấy mặt người.
Tuần nào cũng vậy, ông Lê Văn Trung, Trưởng ban Dân vận huyện Long Thành cùng nhiều cán bộ tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành, xã Bình Sơn… đều lặn lội đến nhà những hộ dân còn lại để vận động di dời.
Trên con xe bị bám đầy bụi đỏ, ông Trung cố gắng lách giữa những cung đường mòn để tìm đến gia đình ông Đỗ Hồng Giang, một trong những hộ bám trụ lâu nhất giữa đại công trường.
Ông Giang có 5.000m2 đất thuộc diện tranh chấp thừa kế với bà Đoàn Thị M (đã mất). Trong khi con cháu bà M đồng thuận giao đất thì ông Giang không đồng ý.
Ông Giang đưa ra yêu cầu được cấp tái định cư hộ chính, nhưng yêu cầu này không đúng quy định. Vì vậy ông trì hoãn chuyện bàn giao mặt bằng, nhiều lần hứa hẹn nhưng không thực hiện.
“Chúng tôi phải đến gần chục lần. Nắng đã khổ, mưa đường lầy lội, anh em vẫn động viên nhau phải đến. Ban đầu ông Giang né tránh, nhiều lần thấy chúng tôi là khua tay không muốn tiếp.
Anh em trong tổ công tác phải dùng đủ mọi cách từ năn nỉ, động viên. Thậm chí, phải báo cáo tỉnh ra quyết định cưỡng chế.
Cuối cùng mưa dầm thấm lâu, ông ấy tự nguyện vui vẻ tháo dỡ nhà, di dời”, ông Trung nói và kể thêm, có những hôm trời mưa, đường đi vào trơn trượt, cán bộ té ngã như trâu lấm bùn. Nắng thì bụi bám đầy người, chỉ còn 2 con mắt. Có lẽ vì thế mà người dân phần nào chia sẻ.
Theo ông Trung, khi đến gặp người dân, cán bộ phải đặt mình vào vị trí của họ, lắng nghe, hiểu cặn kẽ và ghi nhận lại câu chuyện của từng gia đình để đưa ra hướng xử lý phù hợp.
“Việc vận động di dời người dân gặp khó khăn, xin gia hạn một vài lần vẫn đồng ý để tạo điều kiện cho họ. Cán bộ không làm khó dân và cuối cùng nhận được sự đồng thuận, chấp hành”, ông Trung kể thêm.
Kiên trì thuyết phục
Toàn cảnh thi công san mặt bằng sân bay Long Thành. Để có mặt bằng này, những cán bộ của huyện Long Thành ngày đêm lặn lội đến gõ từng nhà dân vận động.
Cũng thường xuyên xuống hiện trường, một cán bộ xã Bình Sơn kể lại, đến tháng 6/2023 vẫn còn hơn chục hộ chưa đồng ý di dời như gia đình ông Lê Minh Quang; Đỗ Hồng Giang; Ngô Quang Hạnh; Hoàng Thị Thúy; Lê Văn Thành… khiến địa phương ai cũng sốt ruột.
Áp lực từ trên tỉnh, huyện ngày càng lớn nhưng người dân vẫn cố bám trụ.
Khối lượng thi công trên đại công trường sân bay Long Thành lúc này đã rất lớn. Nhà của các hộ dân bị lọt thỏm, che khuất bởi đất và bụi. Điều đó khiến cán bộ xã vừa lo tiến độ nhưng cũng lo mất an toàn cho người dân.
Vị cán bộ này kể lại, phải đến nhà ông Lê Minh Quang 3 lần mới gặp được, mấy lần tỉ tê thì ông này mới chịu mở lòng.
Ông Quang trình bày, gia đình ông có 2 thửa đất (trong đó có 600m2 đất thổ cư) nhưng phần đất có nhà kiên cố lại đứng tên vợ. Năm 2021 vợ chồng ông ly hôn, vợ và con ông được bồi thường, hỗ trợ tái định cư nên đã rời đi.
Riêng ông Quang do không có thêm suất tái định cư nên ở tạm nhà cũ trên công trường để chờ xin thêm.
Mặc dù khá xót xa với hoàn cảnh của ông Quang, nhưng đây thực sự là một tình huống éo le. Sau thời điểm thông báo thu hồi đất (ngày 28/12/2018), tài sản chung đã xem xét tái định cư.
Cán bộ đã giải thích cho ông Quang phải chờ sau khi giải quyết cho toàn bộ đất tái định cư cho người dân đủ điều kiện, sau đó mới được xem xét cho những trường hợp đặc biệt. Dù vậy người đàn ông này vẫn nhất quyết phải được bốc thăm đất tái định cư mới chịu di dời.
Sau nhiều lần thấy cán bộ vì mình vất vả, lặn lội giữa đại công trường đến vận động nên ông Quang hiểu, chấp nhận bàn giao mặt bằng.
Vừa giải quyết xong trường hợp của ông Quang, tổ vận động tiếp tục chuyển sang hộ ông Lê Văn Thành và bà Hoàng Thị Thúy. Đây cũng là những hộ có nhà bị bụi phủ dày nhiều lớp, lọt thỏm giữa bùn đất vẫn không chịu di dời.
Theo phương án tái định cư của của tỉnh Đồng Nai đã được duyệt, tất cả người dân đều phải bốc thăm như nhau, nhưng ông Thành và bà Thúy không chịu bốc thăm lô 250m2 theo quy định mà muốn bốc thăm lô đất vườn có diện tích 300m2.
Đòi hỏi này không phù hợp với phương án đã được duyệt nên nhiều lần cả hai vắng mặt ở các buổi bốc thăm vị trí đất tái định cư cũng như không chịu di dời.
“Trường hợp này chúng tôi đến vận động nhiều lần, đưa ra các lý lẽ, căn cứ để thuyết phục. Ban đầu họ không đồng tình, cứ khăng khăng phải được khu đất 300m2. Sau 8 lần gặp, họ đã đồng ý, chịu bốc thăm khu đất 250m2 để an cư lạc nghiệp”, cán bộ xã Bình Sơn cho hay.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, ở chặng đua cuối thuộc giai đoạn 1, khoảng từ tháng 4/2023 đến hết tháng 6/2023 cán bộ từ xã đến tỉnh tiếp tục dốc toàn lực, thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân.
Những trường hợp nào đưa ra những lý do thiếu thuyết phục, cán bộ phải giải thích rõ chủ trương của Nhà nước.
Ông Tiếp cho hay, ngoài lực lượng vận động nòng cốt là các ban ngành, đoàn thể, bản thân ông cũng dành thời gian tiếp người dân tại trụ sở UBND huyện, mỗi tuần đều cùng một số anh em đến trực tiếp gặp gỡ vận động các hộ dân di dời. Có nhiều hộ dân phải đến thuyết phục hàng chục lần mới chấp nhận phương án của cơ quan chức năng đưa ra.
“Có những hộ chúng tôi không nhớ nổi đã đến bao nhiêu lần, gặp bao nhiêu khó khăn nhưng anh em vẫn chấp nhận gõ cửa liên tục, không nản chí.
Nhiều lần thuyết phục không được cũng buồn, nhưng ai cũng hiểu người dân có tâm tư riêng nên cùng tháo gỡ. May mắn lần lượt các hộ dân cuối cùng cũng đồng thuận di dời để địa phương bàn giao cho chủ đầu tư đúng hẹn”, ông Tiếp nói.
Dự án sân bay Long Thành có diện tích 5.000ha, ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 4.900 hộ với gần 16.000 nhân khẩu thuộc 5 xã Suối Trầu, Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn.
Trong đó từ ngày 1/6/2019, xã Suối Trầu bị giải tỏa trắng do có gần 1.360ha nằm trong dự án xây dựng sân bay và 126ha được sáp nhập vào ấp 3, xã Bàu Cạn.
Đến nay toàn bộ diện tích khu vực 1.810ha xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 và 722ha khu vực dự trữ đất dôi dư đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và UBND huyện Long Thành đã bàn giao cho các đơn vị liên quan.