Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), các sàn giao dịch TMĐT cũng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sàn giao dịch điện tử chuyên về máy móc, thiết bị công nghiệp và phương tiện vận tải chưa có, trong khi nhu cầu mua, bán loại máy móc công nghiệp lại rất lớn.
Nhu cầu cấp thiết
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, TMĐT đang là điểm sáng của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với tốc độ phát triển cao từ 20 - 30% mỗi năm. Năm 2018, giá trị thị trường TMĐT Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017 và sẽ tăng lên 33 tỷ USD vào năm 2025.
Nhu cầu mua sắm máy công nghiệp trên sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp rất lớn. Ảnh: hanoma.vn
Bên cạnh đó, số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến cũng có sự tăng trưởng hàng năm, năm 2018 đạt mức gần 40 triệu người dân, trung bình hơn 2 người dân thì có 1 người mua hàng online. Chính vì vậy, thời gian gần đây, cùng với nhu cầu mua sắm và mở rộng phương thức kinh doanh đa phương tiện, nhiều doanh nghiệp tìm đến sàn TMĐT để “gửi gắm” sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng.
Số liệu thống kê hiện nay cho thấy, trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp ở Việt Nam thì có đến hơn 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực máy móc, thiết bị công nghiệp và 170.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và khai khoáng. Mặc dù, đã có các sàn TMĐT như vatgia, chotot… nhưng các sàn này đăng bán sản phẩm chung. Còn máy móc, thiết bị công nghiệp chưa có trang chuyên ngành với đầy đủ các thông tin để người bán, người mua giao lưu với nhau.
Ông Phạm Quang Đức - nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP iLott, đơn vị sở hữu nền tảng Hanoma.vn – cho biết: “Trước đây, vừa là người sử dụng máy móc, vừa là người buôn bán, có thời điểm, tôi phải mò mẫm, mất hàng tuần để tìm máy móc, phụ tùng thiết bị mình cần, nhưng để tìm được lại rất khó. Trong khi đó, hiện nay, TMĐT Việt Nam đã phát triển, có thể mua bán trên mạng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, sản phẩm có giá trị lớn như máy móc, thiết bị công nghiệp, phương tiện vận tải lại ít, thậm chí chưa được lên “sàn” tại Việt Nam”.
Đổi mới tư duy
Hiện nay, Nhà nước tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển tiếp cận công nghệ, doanh nghiệp có thể “thỏa sức” quảng bá, phát triển sản phẩm của mình trên mạng Internet. Theo ông Phạm Quang Đức, sở dĩ chưa có sàn chuyên ngành về các loại máy móc công nghiệp, phương tiện vận tải… do đây là mặt hàng đặc thù, bán hàng online rất khó. Nhất là đặc trưng kinh doanh của người Việt Nam càng khó hơn, đó là người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt vẫn có thói quen đến tận nơi để xem hàng.
Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng dễ tìm để đến tận nơi xem và kiểm tra chất lượng. Trong bối cảnh TMĐT phát triển mạnh mẽ và nhu cầu tìm kiếm lớn của người tiêu dùng hiện nay, sàn TMĐT về máy móc, thiết bị công nghiệp và phương tiện vận tải lớn là nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt. Trên cơ sở đó, ý tưởng về sàn TMĐT về mặt hàng này cũng được một số doanh nghiệp “bắt tay” vào triển khai. Đơn cử như Công ty CP iLott với cơ sở nền tảng Hanoma.vn.
Ông Phạm Quang Đức - nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP iLott, đơn vị sở hữu nền tảng Hanoma.vn
Theo nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP iLott, thực tế hiện nay trình độ công nghệ trong giới chủ kinh doanh đến thợ, người lao động chưa cao. Họ hiểu công nghệ và ứng dụng ở mức đơn giản. Có một số chủ doanh nghiệp mới chỉ hiểu công nghệ ở việc gửi email, kiểm tra nhận hàng. Cách marketing sản phẩm còn hạn chế.
“Để giúp doanh nghiệp khắc phục những điểm yếu đó và người mua hàng có các thông tin chính xác, nhanh chóng về sản phẩm cần tìm, hệ sinh thái Hanoma.vn sẽ cung cấp kiến thức kinh doanh online, hướng dẫn đưa sản phẩm lên web, zalo, facebook… Đồng thời kết nối cung cấp thợ lái xe, thợ lái máy xúc, cẩu, thợ xây dựng… đến doanh nghiệp cần tìm người lao động” – ông Phạm Quang Đức chia sẻ thêm.
Ngoài ra, thị trường máy xây dựng thế giới hiện rất sôi động, bài bản, chuyên nghiệp. Nhiều nước mua bán máy móc qua đấu thầu chứ không có bãi bán lẻ như ở Việt Nam. Một công ty xây dựng sử dụng máy cũ nay không có nhu cầu dùng nữa cũng có khả năng tự đăng bán sản phẩm trên Hanoma.vn, tiết kiệm thời gian và chi phí trung gian.
Với những ưu điểm đó, đến nay, Hanoma.vn đã có khoảng trên 1.100 doanh nghiệp, cửa hàng đăng ký đưa thông tin bán hàng. Tại đây, người bán có thể cung cấp thông tin đầy đủ chuẩn xác máy móc cần bán từ hãng, xuất xứ, model… đến giá cả, chất lượng. Hiện Hanoma.vn đang nỗ lực để các doanh nghiệp này xuất hiện trên Google Map, Web, Zalo, Facebook, Youtube và trên gian hàng của Hanoma.vn; giúp người mua xem xét, đánh giá kỹ trước khi mua. Đồng thời có địa chỉ, số điện thoại người bán hàng nên người mua và người bán có thể liên lạc, trao đổi trực tiếp để mua bán.
“Thời gian tới, chúng tôi hướng đến có đơn vị thẩm định chất lượng (là bên thứ 3) để thẩm định chất lượng sản phẩm và giá của các sản phẩm đăng trên Hanoma.vn. Điều này ở nước ngoài họ đã làm rất tốt nhưng ở Việt Nam thì tương đối mới mẻ. Chúng tôi cùng doanh nghiệp từng bước xây dựng văn hóa kinh doanh online trong lĩnh vựa máy móc, thiết bị và thuyết phục khách hàng bằng lợi ích của chính họ. Từ lời nói - chất lượng sản phẩm đều cam kết chuẩn” - ông Phạm Quang Đức nhấn mạnh.
Thông tin chi tiết bài viết gốc tại congthuong.vn >>>