Cầu Thống Nhất (xã Ea Ô, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) bị sập, đứt gãy khiến việc đi lại, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn...
Cầu gãy, giao thông chia cắt
Cầu thôn Thống Nhất (hay còn gọi là cầu C10, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) có chiều dài 30m, chiều rộng 7m bắc qua sông Krông Pắk. Vào cuối tháng 11/2021, một cơn lũ đã cuốn trôi khoảng 12m cầu khiến giao thông bị chia cắt. Tuy nhiên, đến nay sự cố gãy cầu vẫn chưa được khắc phục, khiến giao thông bị ách tắc, hàng trăm hộ dân đi lại, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện trường cây cầu bị gãy. Ảnh: N.H
Qua quan sát, vị trí bị đứt gãy ở phía đầu cầu khu dân cư thôn 2A, một số tấm bê tông của mặt cầu đã bị nước cuốn trôi, phần lan can cũng bị uốn cong sà xuống mặt sông. Ở các vị trí còn lại, mặt cầu bong tróc nhiều mảng, lan can và trụ cầu bị hoen rỉ, việc đi lại trên công trình này sẽ rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Được biết, cầu Thống Nhất nằm trên đường liên xã Ea Ô - Ea Păl - Cư Bông (huyện Ea Kar), đây là tuyến giao thông huyết mạch phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất cho người dân ở 5 thôn phía Đông và Đông Nam của xã Ea Ô là: 1A, 1B, 2A, 2B và 2C, với khoảng 600 hộ dân (khoảng 3.000 nhân khẩu) và khu vực lân cận.
Ông Đặng Đình Hậu (người dân tại thôn 2A, xã Ea Ô) cho biết, cây cầu đưa vào sử dụng hàng chục năm nay, giúp việc đi lại, sản xuất của người dân được thuận lợi. Nhưng từ ngày cầu sập đến nay, mọi hoạt động đi lại đều khó khăn, do phải đi đường vòng rất xa.
Cũng theo ông Hậu, trước kia, ông chỉ mất khoảng 7km, theo đường bê tông qua cầu là tới ruộng lúa canh tác nhưng nay phải đi vòng xa hơn 20 km, tốn nhiều thời gian và chi phí.
Theo ông Đào Xuân Hùng, Trưởng thôn 2A (xã Ea Ô), cầu thôn 2A là con đường huyết mạch của người dân đi lại, sản xuất và kết nối với nhiều trường học cấp 2, cấp 3 tại địa phương. Hiện các em phía bên này cầu phải đi vòng rất xa, 5 giờ sáng phải dậy đạp xe đi học.
“Giao thông bị chia cắt khiến hàng hóa nông sản của bà con bị khó khăn trong tiêu thụ. Hiện trên địa bàn có đến hàng trăm tấn lúa chưa thể bán ra được vì bị thương lái chèn ép giá. So với các nơi khác, bà con bán lúa ở thời điểm này giá sẽ thấp hơn rất nhiều vì thương lái phải vận chuyển theo đường vòng”, ông Hùng chia sẻ
Sẽ bố trí khoảng 2 tỷ để sửa chữa tạm

Mặt cầu bị gãy khiến giao thông bị chia cắt, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: N.H
Ông Phùng Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô cho biết, cầu Thống Nhất được đưa vào sử dụng từ khoảng sau năm 1985. Đợt lũ đầu tiên vào đầu tháng 11/2021, cầu chưa bị sập hoàn toàn, mới chỉ sạt lở, UBND xã đã đề nghị với Ban Phòng, chống thiên tai của huyện kiểm tra, xem xét cho sửa chữa, khắc phục tạm bằng phương án lót rọ đá để bà con đi lại.
Sau đó, đợt lũ vào cuối tháng 11 vừa qua, cây cầu bị đứt gãy phần đầu phía khu dân cư thôn 2A, gây chia cắt cho đến thời điểm hiện tại, khiến việc đi lại, thông thương của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phạm Quang Tân, Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Ea Kar cho biết, sự cố xảy ra, UBND huyện đã kiểm tra hiện trường và đề nghị địa phương đặt biển cảnh báo, cấm các phương tiện và người dân đi lại gần khu vực trên.
“Về lâu dài, UBND huyện đã có tờ trình đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để khắc phục, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn về tính mạng cho người dân khi lưu thông qua cầu này”, ông Tân khẳng định.

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Đắk Lắk, dự kiến sẽ bố trí 2 tỷ đồng để khắc phục. Ảnh: N.H
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Đắk Lắk, cầu Thống Nhất nằm trên tuyến đường huyện ĐH07.4 có lý trình tại Km01+050, bắc qua sông Krông Pắk, được xây dựng trước năm 1985.
Đây là tuyến đường huyết mạch đi các xã Ea Ô - Cư Bông - Cư Yang, đi vào Khu tái định cư số 2 thuộc Hợp phần đền bù tái định cư Hồ chứa nước Krông Pắch thượng, đồng thời là tuyến đường phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.
Hiện trạng cầu có 3 nhịp, tổng chiều dài 30m, bề rộng mặt cầu 7m, kết cấu dầm thép, mặt cầu bằng BTCT. Do ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt là các đợt mưa lũ cuối tháng 10 và giữa tháng 11 đã gây sạt lở bờ sông, phần mố M2 bị sạt lở nghiêm trọng, chiều dài sạt lở phần mố và đường đầu cầu khoảng 12m, chiều sâu hố xói khoảng 6-7m. Ngoài ra, khoảng 50m lề đường bê tông đoạn tiếp giáp với mố cầu M1 bị xói phía hạ lưu, có nguy cơ gây sạt lở phần nền đường.
Hiện công tác bảo đảm giao thông tạm thời đã được triển khai, trước mắt đề nghị UBND huyện Ea Kar chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và chính quyền địa phương tiếp tục cắm biển cảnh báo theo quy định, hướng dẫn giao thông, không để người dân và các phương tiện lưu thông khi chưa có biện pháp an toàn.
“Đây là tuyến đường huyết mạch đi các xã Ea Ô - Cư Bông - Cư Yang, phục vụ học sinh cấp 2, 3 đến trường, lưu thông hàng hóa, nông sản của bà con nhân dân trong vùng (hiện nay phải đi đường vòng hơn 25km). Đề nghị UBND huyện Ea Kar đề xuất UBND tỉnh và các cơ quan liên quan về tình huống do thiên tại gây ra; khẩn trương lập và triển khai phương án khắc phục sự cố.
Sơ bộ dự kiến sử dụng rọ đá và đá xô bồ kết hợp với khung thép I để làm kết cấu gia cố, tăng cường kết cấu móng mố hiện trạng, gia cố mép bờ sông phía thượng và hạ lưu cầu khu vực hố xói; đắp đá và cấp phối đá dăm để làm mặt đường dẫn sau mố để làm đường đầu vào cầu. Kinh phí dự kiến khoảng 2,0 tỷ đồng”, Văn bản do ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Đắk Lắk nêu.
Cũng theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Đắk Lắk, về lâu dài đề nghị UBND huyện Ea Kar báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép lập báo các đề xuất đầu tư để đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua lại, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.