Dù được đánh giá có tiềm năng lớn, song phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là lĩnh vực mới mẻ. Do đó, còn nhiều vấn đề cần được đặt ra và giải quyết như việc xây dựng các cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện, phát triển chuỗi cung ứng nội địa...
Hướng đến xuất khẩu
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngành năng lượng đối với sự phát triển của đất nước tại Hội thảo “Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam”, chiều 16/12, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, trong vòng 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trung bình của sản lượng điện năng tại Việt Nam đạt mức 10-12%/năm, gấp từ 1,5 - 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Đặc biệt, thời gian qua, Việt Nam đã luôn quan tâm đến phát triển năng lượng quốc gia và thực hiện chủ trương năng lượng cần phải đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã xác định rõ việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là xu hướng lớn mang tính toàn cầu với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển nền kinh tế bền vững, bảo đảm yêu cầu chống biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Đức Hiển cũng chỉ ra, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển sản xuất và tiêu thụ các nguồn năng lượng hoá thạch truyền thống với mức độ phát thải cao. Tuy nhiên, theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, với mục tiêu giảm phát thải ròng dần từng năm và sẽ bằng 0 vào năm 2050 đã mang đến nhiều cơ hội to lớn cho sự phát triển lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo, trong đó có điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
|
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu trực tuyến tại hội thảo |
Tính đến 31/10/2021, Việt Nam đã có 88 dự án điện gió hoà lưới với tổng công suất đặt khoảng 4,2 GW; đối với điện gió ngoài khơi, hiện đã có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW. Điều này cho thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi của chúng ta là rất lớn, hoàn toàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện năng trong tương lai.
"Bên cạnh đó, cùng với năng lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí hiện nay, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic trong những năm tới" - ông Nguyễn Đức Hiển thông tin.
Từ một số kết quả nghiên cứu và thực tiễn về chuyển đổi năng lượng đã chứng minh rằng việc phát triển điện gió ngoài khơi để sản xuất hydro và amoniac để phục vụ thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu là sự kết hợp khá hoàn hảo nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng và lợi thế quy mô để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên gió và sản xuất năng lượng, sản phẩm sạch hơn.
Tuy nhiên, đến nay điện gió ngoài khơi vẫn được coi là lĩnh vực mới ở Việt Nam; việc thể chế hóa, cụ thể hóa chỉ đạo yêu cầu “xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam” nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị của các cấp, các ngành còn chậm.
Theo đó, ông Nguyễn Đức Hiển đã nêu ra một số vấn đề trọng tâm đang được đặt ra trong quá trình phát triển điện gió ngoài khơi. Cụ thể như cần đánh giá về tiềm năng và điều kiện, cơ sở cho phát triển điện gió ngoài khơi; Các kịch bản cho phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2030 (khuyến nghị cho hoàn thiện Quy hoạch điện VIII); Đánh giá về chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, khuyến nghị các chính sách và giải pháp phát triển điện gió ngoài khơi (tập trung vào các các nội dung về thu hút vốn; xây dựng chuỗi giá trị về công nghiệp chế tạo, xây lắp và các dịch vụ liên quan đến phát triển công nghiệp điện gió tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong nước và hướng tới xuất khẩu; phát triển các cảng biển để hỗ trợ thúc đẩy điện gió ngoài khơi; về quy hoạch không gian biển quốc gia, giao khu vực biển…).
"Đặc biệt, cần làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án phát triển điện gió ngoài khơi" - ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Cần cơ chế thúc đẩy
Chia sẻ về định hướng phát triển điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: Là một trong các nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu khu vực Đông Nam Á, dân số gần 100 triệu người, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam luôn tăng ở mức cao nhiều năm liên tục. Tốc độ tăng trưởng điện từ năm 2011-2019 là 10.5%.
|
Hội thảo có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các ban ngành, các địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học tham dự |
"Chỉ riêng năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng điện giảm xuống. Theo tính toán của Bộ Công Thương, dự báo trong những năm tới, khi nền kinh tế hồi phục sau đại dịch, nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng nhanh ở mức cao" - Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển năng lượng, phát triển điện tại Việt Nam thời gian vừa qua đã cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước thiếu hụt và bắt đầu phải nhập khẩu năng lượng.
Theo đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định: Đứng trước các khó khăn về đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng thì việc chú trọng tới chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu được xác định là mục tiêu then chốt và xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt Nam về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu: Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên phát triển điện gió và điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý.
Tính tới cuối năm 2020, tổng công suất điện gió ngoài khơi đạt khoảng 35 GW, cao hơn 14 lần so với 10 năm trước đây. Với hơn 3.200 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên ở mức cao, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Theo đó, vừa qua, nhiều địa phương đang đề xuất phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tới Bộ Công Thương và Chính phủ.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Đặng Hoàng An thông tin, hiện Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó dự kiến đề xuất quy mô các dự án điện gió ngoài khơi đạt khoảng 5.000 MW vào năm 2030 và tăng dần tới quy mô trên 40.000 MW vào năm 2045. Nếu điều kiện kinh tế và kỹ thuật cho phép thì có thể phát triển nhiều hơn nữa.
"Theo đánh giá, điện gió ngoài khơi có thể (và cần phải) đóng vai trò quan trọng trong tổng cung năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn giúp lan tỏa, góp phần tạo ra công ăn việc làm và từng bước hình thành ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho lĩnh vực phát triển điện gió tại Việt Nam. Có thể nói đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức rất lớn đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam" - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội thảo |
Để tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp điện gió phát triển trong tương lai, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét thúc đẩy tiến trình xã hội hóa phát triển lưới điện truyền tải, khuyến khích doanh nghiệp chủ động huy động vốn để đầu tư vào lưới điện truyền tải. Đây được kỳ vọng là giải pháp để tăng tốc đầu tư cho hạ tầng lưới điện truyền tải khu vực ven biển, phục vụ phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.
Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là lĩnh vực còn mới mẻ. Vì vậy, còn nhiều vấn đề cần được đặt ra và giải quyết bao gồm việc xây dựng các cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện, nâng cao năng lực thi công, xây lắp và phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Mục tiêu trên hết vẫn là đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế và người dân Việt Nam với chi phí hợp lý.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của điện gió ngoài khơi với ngành năng lượng Việt Nam trong tương lai, ông Ben Backwell - Chủ tịch GWEC cho hay: "Đây là một thời điểm tuyệt vời cho ngành điện gió Việt Nam. Điện gió trên bờ đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua, với hơn 3,98 GW công suất được bổ sung trong năm 2021. Chúng tôi cho rằng việc nhanh chóng phát triển nguồn điện tuyệt vời này là hết sức cấp thiết cho tham vọng giảm phát thải ròng của Việt Nam".
Bên cạnh đó, ông Ben cũng nhấn mạnh về sự cấp thiết của việc xây dựng khung chính sách hoàn chỉnh cho phát triển điện gió ngoài khơi, theo đó, để đạt được mức phát thải bằng 0 vào 2050, việc huy động nguồn tài chính trong giai đoạn khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cần có sự chuẩn bị kĩ càng về mặt khung chính sách, bao gồm cơ chế hỗ trợ, thủ tục cấp phép, cũng như hợp đồng mua bán điện phù hợp với quy chuẩn quốc tế.
"Với cơ chế hỗ trợ phù hợp, điện gió ngoài khơi có thể nhanh chóng phát triển và cạnh tranh về giá với các nguồn điện khác. Kinh nghiệm thế giới cho thấy với việc hỗ trợ 4-5 GW đầu tiên thông qua cơ chế giá cố định sẽ đem lại những hiệu quả rõ rệt về giảm chi phí trong dài hạn, lên đến 40-60%" - Chủ tịch GWEC chỉ ra.
Cũng theo ông Ben Backwell, ngành điện gió ngoài khơi cũng đang hết sức quan tâm đến quá trình xây dựng Quy hoạch Điện VIII. Việc đưa ra quy mô công suất lắp đặt cao, cũng như lộ trình triển khai rõ ràng và minh bạch, sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư cũng như nguồn tài chính tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã có nhiều chia sẻ về các kinh nghiệm, bài học thực tiễn và các khuyến nghị, cũng như làm rõ hơn về tiềm năng, thách thức của ngành công nghiệp hết sức quan trọng này trong tương lai.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để khai thác và tận dụng hiệu quả tiềm năng của điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, cần phát huy năng lực hạ tầng hiện có để thực hiện tốt yêu cầu của Bộ Chính trị về xây dựng cơ chế, chính sách đột phá cho điện gió ngoài khơi. Đây là tiền đề cũng là cơ hội để thúc đẩy nhanh ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, hướng đến xây dựng một nền năng lượng xanh, sạch và bền vững.