Bà Nguyễn Thị Hồng Nga bị cáo buộc trong quá trình làm nhiệm vụ ở kỳ thi THPT 2018 đã nhận 1,04 tỷ đồng tiền cảm ơn vì nâng điểm cho bốn thí sinh.
Chiều 21/5, trước khi bắt đầu xét hỏi các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT, TAND tỉnh Sơn La cách ly tất cả nhân chứng có mặt tại toà.
Trả lời thẩm vấn đầu tiên, bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) nói không đồng tình với một số điều trong cáo trạng. Tuy nhiên, bà thừa nhận đã sai khi sửa chữa đáp án bài thi và xoá dữ liệu trong phần mềm theo chỉ đạo của Cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Yến.
Trước kỳ thi THPT 2018, bà được ông Yến gọi vào phòng trao đổi về việc nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho một số con em trong cơ quan và một số người, trong đó có ông Hoàng Tiến Đức (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La). Bà Nga nói với ông Yến cách thức thực hiện và nhắc "muốn thành công phải có sự hỗ trợ của cán bộ công an làm nhiệm vụ bảo vệ".
"Việc trao đổi với ông Yến có ai biết không?", chủ toạ truy vấn. Bà Nga cho hay hai người trao đổi riêng tại phòng làm việc của ông Yến nên không ai biết. Bà Nga sau có cùng Đặng Hữu Thuỷ thực hiện việc rút bài thi của thí sinh, nâng điểm.
"Bị cáo trực tiếp nhận thông tin của những ai để sửa điểm?", HĐXX truy vấn. Bà Nga trình bày, trước và trong thời gian chấm thi đều trực tiếp nhận thông tin nhờ nâng điểm cho 39 thí sinh. Cụ thể, bà trực tiếp nhận thông tin 4 thí sinh của bị cáo Trần Văn Điện (giáo viên), 8 thí sinh từ ông Nguyễn Ngọc Hà (cựu Trưởng phòng giáo dục THPT) và nhiều người khác. Trong số này có một trường hợp do em dâu nhờ nâng điểm cho con trai.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga. Ảnh: Phạm Dự.
Bà Nga cho rằng nhận thông tin thí sinh chỉ vì nể nang chứ "không thoả thuận về vật chất". Sau khi nâng điểm thành công, chỉ ông Trần Văn Điện tự đưa cho bà 1,04 tỷ đồng tiền cảm ơn của gia đình bốn thí sinh. Số tiền này bà đã nộp cơ quan điều tra.
Với các trường hợp còn lại, bà "chỉ giúp đỡ không công". "Giúp đỡ vì lý do gì?", chủ toạ lớn giọng. Bà Nga đáp: "Vì quan hệ cấp trên, cấp dưới trong cơ quan và là quan hệ bạn bè trong cuộc sống".
Do số tiền nhận hối lộ hơn một tỷ đồng, bà Nga bị truy tố khung hình phạt lên tới án tử hình, theo khoản 4 điều 354 Bộ luật hình sự 2015.
Trình bày sau bà Nga, bị cáo Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) phản bác cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Sơn La. Ông cho rằng chỉ nhờ xem trước điểm thi chứ không nhờ nâng điểm như bà Nga nói. Ông nhận nhờ xem điểm chỉ do nể nang cựu giám đốc sở Hoàng Tiến Đức. Hơn nữa, ông cũng không đồng thuận cho cấp dưới rút bài, sửa điểm.
"Khi đưa danh sách cho Nga, bị cáo trao đổi như thế nào?", chủ toạ hỏi. Ông Yến đáp "chỉ nói xem điểm", không nói rõ ai nhờ, bởi muốn biết kết quả thi trước ngày công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bị cáo Trần Xuân Yến đến toà hôm nay. Ảnh: Phạm Dự.
Cáo trạng xác định, với vai trò tổ trưởng xử lý bài thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT 2018, ông Yến có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong tổ theo quy chế. Ông phải chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi trắc nghiệm của tổ.
Tuy nhiên, ông đã làm trái với nhiệm vụ được giao, nhận thông tin của 13 thí sinh sau đó chuyển cho cấp dưới để sửa bài thi nâng điểm. Ông không trực tiếp sửa bài thi nhưng đã không chỉ đạo "quét" bài thi xong phải niêm phong lại ngay để tạo điều kiện cho cấp dưới dễ dàng thực hiện việc rút, sửa bài thi nâng điểm. Khi có đoàn kiểm tra, ông Yến chỉ đạo bà Nga che giấu hành vi phạm tội bằng cách xóa dữ liệu trên máy tính.
Phiên xét xử vụ án gian lận điểm thi được TAND tỉnh Sơn La dự kiến xét xử trong một tuần, từ ngày 21/5. 12 bị cáo bị truy tố về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, Nhận hối lộ, Đưa hối lộ.
Việt Nam có 458 người siêu giàu, 4 tỉ phú USD: Họ là ai?
Cận cảnh máy cắt lưỡi kim cương cắt nóc tầng 18 tòa nhà 8B Lê Trực