Bình Định hiện đã quy hoạch nhiều vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) với nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi và đang hoạt động rất hiệu quả.
Dưa chuột thơm do Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ chọn tạo là giống cây trồng có giá trị cao có thể ứng dụng nông nghiệp 4.0.
Đó chính là “bệ phóng” để tỉnh tiếp cận với nông nghiệp 4.0, dần tiến đến tự động hóa trong hoạt động SX.
Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp (KHKTNN) Duyên hải nam Trung bộ, nông nghiệp 4.0 có thể hiểu là hoạt động trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy hải sản được tự động hóa, kết nối qua mạng điện tử. Nếu áp dụng công nghệ 4.0 vào các lĩnh vực SX, giá thành sản phẩm sẽ giảm thấp, tạo ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng và cạnh canh trên thị trường, cả với thị trường thế giới.
Còn theo TS Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện KHKTNN miền Nam, hiện Việt Nam mới có một số nơi, một số lĩnh vực áp dụng từng thành phần của nông nghiệp 4.0, chứ chưa có điều kiện áp dụng nhiều thành phần và đại trà. Bởi vậy, giá thành nhiều loại nông sản của Việt Nam cao hơn nhiều lần so với các nước.
Cũng theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu và tiến bộ ngông nghiệp 4.0 trên thế giới chính là thách thức lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Đó chính là điều kiện để chúng ta tính đến chuyện phát triển nông nghiệp 4.0 thông qua các doanh nghiệp, trang trại có đủ điều kiện đầu tư ban đầu làm dịch vụ cho nông dân trong vùng; phối hợp, trợ giúp nông dân hiểu được các ứng dụng của smartphone trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Từ đó, dần hướng tới quy trình SX giảm thiểu phân bón vô cơ, giảm thiểu thuốc BVTV hóa chất, đảm bảo môi trường trong sạch, hạ giá thành sản phẩm. Khi ấy, nông dân có thể tiếp cận kết nối cung cầu về SX, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp 4.0 một cách minh bạch, đơn giản, tuân thủ đầy đủ pháp luật.
Theo TS Hồ Huy Cường, Bình Định đã quy hoạch nhiều vùng nông nghiệp CNC và đang hoạt động hiệu quả, đó là “bệ phóng” để tiếp cận với nông nghiệp 4.0.
TS Cường nêu ví dụ về Tập đoàn Việt - Úc đang nuôi tôm thương phẩm và SX tôm giống tại khu nông nghiệp CNC ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ). Đơn vị đã đầu tư xây hệ thống xử lý nước tuần hoàn theo công nghệ của Đức và Mỹ để kiểm soát tự động các thông số môi trường trong ao nuôi. Với việc áp dụng các công nghệ hiện đại vào nuôi tôm, có thể thả nuôi với mật độ dày, từ 200 - 500 con/m2 mặt nước.
Tất cả các ao nuôi tôm đều áp dụng quy trình nuôi trong nhà màng của Israel, đảm bảo yêu cầu kết cấu bền vững, cơ giới hóa ở mức cao nhất trong các công đoạn SX. Quy trình công nghệ đáp ứng các yêu cầu kiểm soát ở mức cao nhất về “tiểu khí hậu nhà kính”, “sinh học nhà kính” và “dịch hại nhà kính”, nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Khu phức hợp SX tôm chất lượng cao tại xã Mỹ Thành sẽ SX trên 8.400 tấn tôm thương phẩm/năm. Với quy trình SX, chế biến khép kín hiện đại, sản phẩm của tập đoàn không lo ngại các rào cản kỹ thuật cũng như các tiêu chuẩn khắt khe khi XK sang thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và châu Âu. Việt – Úc cam kết phối hợp với tỉnh nhân rộng quy trình SX tôm chất lượng cao quy mô nhỏ, đồng thời tổ chức thu mua để chế biến XK.
“Đó chính là làm nông nghiệp 4.0, và hiệu quả của nó là rất rõ. Tuy nhiên, cần phải bắt đầu từ các doanh nghiệp có điều kiện, sau đó mới nhân rộng chứ nếu bắt đầu từ người dân thì sẽ rất khó”, TS Cường bộc bạch. Bình Định có quỹ đất lớn, có nhiều tiểu vùng sinh thái, đặc biệt là đất cát còn nhiều, đây là thế mạnh để xây dựng nông nghiệp hữu cơ, bởi đất cát là giá thể sạch.
“Muốn tiếp cận với nông nghiệp 4.0, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị cao để phát triển. Hoặc có thể chọn vùng đặc thù về cây ăn quả như huyện Hoài Ân và quy hoạch vùng trồng cỏ khép kín để phục vụ chăn nuôi bò chât lượng cao để phát triển nông nghiệp 4.0. Tiến tới nông nghiệp 4.0 là hướng tất yếu để bắt kịp xu thế phát triển, nhưng cần có kế hoạch thực hiện từng bước, tạo chuyển biến dần dần”, TS Hồ Huy Cường nói.
“Trắc trở lớn nhất trong phát triển nông nghiệp 4.0 ở Bình Định là tư duy SX kiểu truyền thống của nông dân chưa được phá bỏ, chi phí đầu tư ban đầu cao nên các DN trong lĩnh vực nông nghiệp ở Bình Định không kham nổi, do đó cần có sự tiếp sức từ các chính sách Nhà nước”, bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH - CN (Sở KH - CN Bình Định).