Băn khoăn việc tách luật riêng về bảo đảm trật tự ATGT

3 năm trước Nguồn: Báo Giao Thông

Nhiều đại biểu đề xuất cần cân nhắc kỹ khi tách Luật GTĐB để xây dựng thêm 1 luật nữa là Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi tại phiên họp 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/9, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn việc tách luật riêng về bảo đảm trật tự ATGT.

Sửa đổi Luật GTĐB là cần thiết

Trình bày tờ trình tóm tắt dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, so với Luật GTĐB năm 2008, dự thảo lần này có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh, quy định về GTĐB gồm: Kết cấu hạ tầng GTĐB, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về GTĐB.

Ngay cả vấn đề đào tạo lái xe, sát hạch, cấp GPLX, chúng ta cần đánh giá kỹ. Tại sao trước năm 1995, ngành công an làm việc này, nhưng từ 1995 đến nay, Quốc hội và Chính phủ lại giao cho Bộ GTVT? Công tác này đúng là có kết quả nhưng cũng có bất cập, hạn chế và tồn tại. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta chuyển đi 1 vấn đề đã có cơ sở lý luận thực tiễn. Chúng ta cần xác định cái gì ngành công an làm công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, cấp biển số xe, còn những vấn đề khác thì trách nhiệm của Bộ GTVT, các bộ ngành liên quan và UBND các cấp…
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Dự thảo Luật bổ sung quy định thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện sử dụng đường bộ cao tốc, đường vành đai đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, cầu, hầm có quy mô lớn với mục tiêu tạo nguồn tài chính cho đầu tư, quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ do Nhà nước đầu tư; Bổ sung các quy định về cơ chế đầu tư xây dựng, kinh doanh đường cao tốc để phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam...

Bộ trưởng cũng cho biết, so với Luật GTĐB năm 2008, các quy định về quy tắc GTĐB, người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB, đăng ký phương tiện GTĐB, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định tại dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi).

Tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật GTĐB, tuy nhiên đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, một số quy định trong dự thảo Luật GTĐB đang trùng lặp với quy định của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình về sự cần thiết sửa đổi Luật GTĐB. “Chúng ta thấy rất rõ, từ luật 2001, rồi đến luật 2008 và đến bây giờ đã hơn 12 năm, cái áo quá chật so với sự phát triển của thực tiễn. Nhiều quy định của Luật GTĐB hiện nay cũng đã quá hẹp so với sự phát triển của GTVT, chưa cụ thể, đầy đủ, phù hợp với hiện trạng giao thông hiện nay”, ông Uông Chu Lưu nói.

Cần sự thống nhất

Tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn, đề xuất nghiên cứu kỹ việc có nên tách Luật GTĐB thành hai luật: GTĐB (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự ATGT.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phân tích, hệ thống luật pháp hiện nay có trường hợp trong 1 tổng thể, chúng ta tách 2 luật để 2 Bộ quản lý khác nhau. Nhưng có những lĩnh vực tách ra và đi theo 2 hướng khác nhau thì tính thống nhất sau này rất khó. Do đó, ông Bình đề nghị nghiên cứu về việc tách Luật GTĐB ra cho dễ quản lý hay làm 1 luật điều chỉnh chung tổng thể và Chính phủ điều phối cụ thể ngành, lĩnh vực.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện nay chúng ta có các Luật liên quan tới giao thông là Luật GTĐB, Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng, Luật Giao thông ĐTNĐ… Các luật này có kết cấu tổng thể và mục tiêu là đảm bảo trật tự ATGT. Đây là một tổng thể thống nhất, một kết cấu khó có thể tách rời ra được.

“Nếu Luật GTĐB tách ra vậy, những luật còn lại có tách ra không? Quan điểm cá nhân tôi cho rằng không nên tách ra thành 2 luật mà nên để trong 1 luật để đảm bảo kết cấu tổng thể. Trong đó, luật nên phân công trách nhiệm từng bộ, ngành”, bà Nga nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích, GTĐB là 1 sự kết hợp giữa 2 nội dung, 2 yếu tố là giao thông tĩnh và giao thông động. Nếu tách ra thì không còn tổng thể cái gọi là GTĐB. “Không phải ngẫu nhiên Quốc hội phê duyệt phạm vi điều chỉnh GTĐB cả giao thông tĩnh và giao thông động, vì đều đảm bảo trật tự ATGT cả”, ông Lưu nói và bày tỏ băn khoăn vì thấy dự thảo Luật GTĐB và Luật Bảo đảm trật tự ATGT có sự chồng lấn.

Lấy ví dụ, trong Luật GTĐB hiện nay, ở chương Vận tải đường bộ quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ, ông Lưu cho rằng, quy định đó để đảm bảo ATGT chứ không phải chỉ là xây dựng quy định vận tải thuần tuý. Nếu chỉ thuần tuý vận tải thì đã có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp điều chỉnh.

“Chúng ta phải tính đến tính hệ thống, thống nhất của quy định pháp luật chứ không phải chỉ nhìn từ 1 góc độ nào đó để xây dựng pháp luật. Tới đây, Luật Giao thông ĐTNĐ, Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng có tách phần ATGT thành riêng như thế này không? Tôi đọc kỹ thấy Luật Bảo đảm trật tự ATGT rất công phu, đưa ra nhiều quyết định cụ thể, nhưng không cần thiết tách ra, để trong 1 luật là Luật GTĐB vẫn có thể điều chỉnh, chỉ cần phân định rõ chủ thể quản lý Nhà nước ở đây, tách ra chỉ làm công tác quản lý Nhà nước thêm rối”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.

Tiếp tục tiếp thu, điều chỉnh

Ngày 15/9, lãnh đạo Bộ Công an - đơn vị được giao chủ trì soạn thảo xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ sẽ báo cáo đầy đủ và sẽ có những thông tin rõ ràng. Một trong những nguyên tắc Chính phủ yêu cầu đối với 2 Ban soạn thảo là phải đảm bảo sự thống nhất, xuyên suốt và không được chồng chéo, phải được phân định rõ ràng. Chúng tôi tiếp thu ý kiến tại phiên thảo luận và sẽ tiếp tục làm việc để làm rõ hơn nữa những vấn đề Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đặt ra.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an

Tại phiên họp, bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, việc tách hay không tách hai luật này đã được Chính phủ bàn rất kỹ, đến bây giờ Bộ GTVT và Bộ Công an đã thống nhất về việc tách thành hai luật.

“Về ý kiến một số đại biểu hỏi là có tách ở các luật khác như: Luật Hàng không dân dụng, Luật Đường sắt, Luật Giao thông ĐTNĐ hay không, thì theo báo cáo của Bộ Công an cho thấy hơn 90% vụ TNGT xảy ra trong lĩnh vực giao thông đường bộ, còn lĩnh vực đường không, đường thủy… xảy ra rất ít. Việc có tách các luật khác hay không thì phải dựa trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn trong việc thi hành của các luật kia”, bà Oanh nói.

Về nội dung này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục rà soát, chỉnh sửa để làm sao có sự đồng nhất, nhưng không chồng chéo.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật GTĐB 2008 như đã nêu trong tờ trình. Luật sửa đổi sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để điều chỉnh và đảm bảo giao thông bộ thông suốt, an toàn và hiệu quả.

“Về hồ sơ, dự án Luật GTĐB (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng quy định luật ban hành, văn bản quy phạm pháp luật, đã được thẩm định và lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương”, ông Tỵ nói.

Đánh giá phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB sửa đổi đã phân tách, đảm bảo được mức độ nhất định, tính riêng biệt so với Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, ông Đỗ Bá Tỵ lưu ý, theo báo cáo thẩm tra và các ý kiến đại biểu, thì cần phải tiếp tục rà soát hai dự thảo luật này để tránh chồng chéo, trùng lắp.

Những vấn đề liên quan, bổ trợ cho nhau giữa hai lĩnh vực cũng cần phải quy định, để đảm bảo có tính liên thông, đồng bộ chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ nói chung.

Hoàn thành nạo vét khu bến Lạch Huyện, sẵn sàng đón tàu lớn

Độ sâu luồng và khu nước trước bến cảng Lạch Huyện hiện tại đáp ứng cho việc tiếp nhận tàu có trọng tải đến 145.000 DWT vào rời bến cảng.

7 tháng trước

Vì sao hai liên danh không trúng gói thầu 35.000 tỷ sân bay Long Thành?

Ngoài công bố đơn vị trúng thầu, ACV cũng thông tin về hai liên danh nhà thầu trượt gói thầu gần 35.000 tỷ đồng nhà ga sân bay Long Thành.

7 tháng trước

Chuyện “gõ cửa từng nhà” để dân nhường đất làm sân bay Long Thành

Cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống huyện, xã, ấp tại Đồng Nai đã cùng gõ cửa từng nhà, vận động người dân sớm di dời, nhường đất phục vụ dự án.

7 tháng trước

Hơn 410 nghìn khách qua sân bay Nội Bài 4 ngày nghỉ lễ 2/9

Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, sân bay Nội Bài dự kiến sẽ đón 410 nghìn lượt khách.

7 tháng trước

Xây dựng phương án chạy chung tàu đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia

Bộ GTVT yêu cầu tư vấn lập quy hoạch xây dựng phương án chạy tàu chung đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia khu vực Hà Nội.

7 tháng trước

Vietur chính thức trúng gói thầu 5.10 sân bay Long Thành gần 35.000 tỷ

Sau thời gian chấm thầu, đến nay gói thầu 5.10 sân bay Long Thành gần 35.000 tỷ chính thức về tay liên danh nhà thầu Vietur.

7 tháng trước

Thu không đủ chi, nhiều trung tâm đăng kiểm nguy cơ đóng cửa

Lượng xe đăng kiểm sụt giảm nghiêm trọng, trong khi giá dịch vụ kiểm định đã không đổi 10 năm qua khiến nhiều trung tâm đăng kiểm lao đao.

7 tháng trước

Người dân thích thú trải nghiệm xe đạp công cộng ở Hà Nội

Ở các điểm cho thuê xe đạp công cộng trong ngày đầu Hà Nội tổ chức thí điểm đã thu hút đông người dân biết tới và sử dụng.

7 tháng trước