Chị Nguyễn Thị Dung, 32 tuổi, được coi là một "siêu sao" trong làng gà nhờ khả năng phân loại gà trống, gà mái khi mới nở với độ chính xác gần tuyệt đối.
Sáng 28/5, lò ấp của gia đình chị Dung ở xã Đức Giang, Hoài Đức đón lứa gà mới. Gần chục nghìn con gà mới ra lò, kêu lích chích xen lẫn tiếng quạt ù ù. Nhà Dung chuyên cung cấp giống gà lấy thịt nhưng cũng cần tách trống mái cho các trang trại có nhu cầu. Đó là nhiệm vụ của Dung. Hôm nay chị chỉ phải phân loại 4.000 con.
Nhẹ nhàng cầm một chú gà con lên tay phải, tay trái nặn phân và soi lỗ huyệt ở hậu môn dưới bóng đèn, chỉ mất 2 giây chị đã nhìn ra đây là con trống hay mái. Khi xác định chú gà trên tay là mái, Dung thả sang giỏ bên phải mình. Đồng thời tay trái chị ngay lập tức thế chỗ dưới bóng đèn sợi đốt. Vẫn nặn phân, soi hậu môn, chú gà này được thả sang giỏ bên trái, nơi đặt gà trống. Toàn bộ quá trình nhanh như một cái chớp mắt.
"Căn cứ phân biệt đơn giản nhất là dựa vào lỗ huyệt gà. Con trống sẽ có gai giao phối, đó là một cái nốt tròn, bóng, đỏ, còn gà mái thì không có", chị Dung tiết lộ bí quyết. Bắt đầu từ 7h sáng, sau khoảng một tiếng chị đã phân loại được khoảng 1.200 con.
Một chú gà trống có gai giao cấu điển hình ở hậu môn. Ảnh: Phan Dương.
Ngồi cách Dung một đoạn là Nguyễn Thị Thúy, 25 tuổi, cô gái từng theo học nghề soi lỗ huyệt gà của Dung, nay được gia đình thuê làm cùng để kịp giờ giao gà đi tỉnh. Mới vào nghề, tốc độ của Thúy chậm hơn. Một tiếng trôi qua, cô tách được 700 con.
Theo nghề này, Dung tách được trung bình 4.000 con mỗi buổi, tính ra thu nhập từ 60-100 triệu đồng mỗi tháng.
Bước vào nghề năm 2009, lúc đó Nguyễn Thị Dung không nghĩ nó lại "hái ra tiền" như thế. "Ngày ấy vừa sinh xong hai con, chẳng có nghề ngỗng gì. Nhà có lò ấp, bố mẹ chồng bảo đi học thì đi, chứ có thích đâu", Dung thành thật.
Vóc dáng dong dỏng, Dung nhanh tay, nhanh mắt. Đôi tay thon dài cầm con gà mới nở nhẹ nhàng mà dứt khoát. Sau 3 tháng Dung đã nắm được kỹ thuật soi. Từ lúc ấy, ngoài làm cho nhà, chị còn được mời làm thêm cho các lò ấp khác.
Tuy nhiên giai đoạn đầu, tay nghề của Dung chưa cao nên thi thoảng vẫn làm gà chết và độ chính xác không cao. "Bị mất điểm với khách hàng tôi cũng nản, có nhiều lần còn định bỏ nghề", chị nói.
Sau đó cô quyết tâm tự học lại. Dung đi hỏi chuyện và quan sát cách làm của những người đi trước. Cùng với đó, cô xem và học thao tác qua các video của Hàn Quốc, Trung Quốc, từ đó tạo phương pháp của riêng mình.
"Trước đây cô giáo dạy tôi dùng 3 ngón tay để làm, tỷ lệ chính xác không cao, gây chết nhiều gà. Tôi sáng tạo ra dùng 2 ngón, nhanh hơn, thuận tiện thao tác", tay thoăn thoắt trên những chú gà nặng chừng 30 gram, Dung vừa làm vừa nói.
Chị Dung dùng ngón 2 và 3 để kẹp cổ gà, ngón 4 và 5 để xem lỗ huyệt, so le hai bàn tay nên chỉ chừng 2 giây đã phân biệt được trống/mái. Ảnh: Phan Dương.
Thời ấy số người biết phân biệt giới tính gà qua lỗ huyệt chưa đếm đủ một bàn tay nên Dung được các lò ấp trong huyện Hoài Đức và cả Đông Anh mời làm. Năm 2013, một trại ấp ở Yên Phong, Bắc Ninh mời Dung về. Ban đầu họ không tin nên hỏi: "Em có thể làm chính xác bao nhiêu phần trăm?". "Không biết gia đình anh chị yêu cầu từng nào, còn trên thị trường em đang nhận phân loại chính xác từ 97-99%", Dung trả lời.
Họ ra điều kiện sẽ theo dõi đàn gà, sau đó mới ký hợp đồng lâu dài. Sau một tháng rưỡi, trong 1.000 chú gà mái của trại này chỉ lẫn có 5 gà trống. Điều này đồng nghĩa Dung đã phân biệt chính xác 99,5%.
Từ đó Dung được xem như "siêu sao" trong làng phân loại gà. Rất nhiều trại giành giật chị về bằng được. Dung làm không hết việc. Có những đợt gà nở nhiều, chị phải làm từ sáng sớm tới đêm. Đỉnh điểm có ngày chị đã tách tới 18.000 con, nhận về khoảng 5 triệu đồng tiền công.
Nhìn qua có thể nghĩ công việc này nhẹ nhàng, lương cao, song thực tế không phải ai cũng theo được. Tiến sĩ Trần Ngọc Tiến, Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) cho biết, đối với gà một ngày tuổi, hiện có 2 phương pháp phân biệt giới tính.
Thứ nhất là phương pháp bấm lỗ huyệt, cho độ chính xác cao, song khó thực hiện, yêu cầu người làm phải có chuyên môn. Bởi lẽ để bóp gà, giúp gà bài tiết mà không làm nó đau cần phải được đào tạo bài bản. Thứ hai là phương pháp phân biệt giới tính bằng máy, thịnh hành ở các nước phương tây. "Bạn Dung nổi tiếng trong làng phân biệt giới tính gà nhiều năm nay. Tại Viện chúng tôi cũng chỉ có vài thầy cô biết phương pháp này", anh Tiến cho biết.
Những ngày tháng 5, tháng 6, nhiệt độ trong lò ấp lên đến 40 độ, Nguyễn Thị Dung vẫn phải ngồi làm trong không gian đông đặc mùi hôi hám, mồ hôi chảy thành dòng. Hay như những ngày mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, chị vẫn phải vượt quãng đường vài chục km đến chỗ làm. "Khó khăn nhất của nghề này là người làm phải phụ thuộc vào con gà, mà con gà lại nở theo thời tiết", Dung nói.
Thời gian xác định giới tính gà tốt nhất là 2-3 tiếng sau khi nở. Lúc này hậu môn của gà "còn tươi" nên dễ phân biệt. Những khi gà nở sớm, Dung buộc phải đi sớm hơn, về khuya hơn để làm. Nếu quá khung giờ "hoàng đạo" này thì hậu môn của con gà đã khô. Không còn dấu hiệu đặc trưng, chị sẽ phải mất nhiều thời gian hơn, mắt căng hơn để nhìn, đồng thời phải dùng kết hợp các thủ thuật khác mới nhìn ra được giới tính chú gà. Những lúc như vậy, cô chỉ làm được 700-800 con mỗi giờ.
Hiện tại ngoài làm cho trại gia đình, Dung còn làm cho 3 trại gà khác ở Đông Anh, Bắc Từ Liêm và Bắc Ninh. Cứ 4 ngày một trại ra lò nên hầu như Dung không có ngày nghỉ.
"Tôi đi làm từ lúc con chưa ngủ dậy, về nhà lúc con đã ngủ. Có những lần tới 3 ngày không được nói với con một câu. Điều khiến tôi áy náy nhất là nhiều lúc các con ốm đau nhưng không có mẹ ở bên", Dung giãi bày. Đến giờ hai bé đã lớn, hiểu công việc của mẹ, nhưng vẫn bịn rịn, chỉ mong mẹ nghỉ việc để ở nhà với con. Sáng nào chúng cũng hỏi: "Nay mẹ có phải đi làm không?"
Tay nghề của Dung nổi tiếng trong làng gà nên có nhiều học viên theo học. Ảnh: Đinh Quyết.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến Dung học nghề. Tháng 9/2019, Nguyễn Tấn Giang, 24 tuổi, lặn lội từ Tiền Giang ra "bái sư". Chàng trai từng học ngành Chăn nuôi - Thú y, Đại học Cần Thơ và đang làm cho một trại giống chia sẻ, từng thử nhiều cách khác nhau để phân biệt giới tính gà song tỷ lệ chính xác không cao.
Anh theo dõi Facebook chị Dung suốt 3 năm mới dần tin vào phương pháp này. Sau 3 tháng học nghề, với học phí 30 triệu đồng, Giang đã nắm được cơ bản phương pháp soi lỗ huyệt gà xác định trống/mái. Tại thị trường miền Nam, tiền công phân biệt một chú gà dao động từ 400-500 đồng/con. Bước đầu ngoài làm cho trại mình, Giang bắt đầu làm thêm cho các trại khác.
Ngoài Giang, Thúy, chị Dung còn dạy nghề cho hơn 20 người khác và vẫn mong muốn có thể truyền nghề cho nhiều người hơn nữa. "Tôi chỉ nhận những người độ tuổi từ 18-28, để đảm bảo họ nhanh nhẹn và tinh mắt. Người bị cận thị không thể làm được nghề này", chị nói.
Làng Lưu Xá, Đức Giang bao năm nay nổi tiếng với nghề kinh doanh nông sản, đời sống người dân khấm khá. Gia đình Dung đi theo một hướng hoàn toàn khác, nhưng cũng nhờ đó mà phát đạt.
"Trước đây khi mới theo nghề, tôi chỉ nghĩ mong kiếm được tiền bỉm sữa cho con, không ngờ được nhờ nó mà giúp mình có của ăn của để", người phụ nữ 32 tuổi bộc bạch.
Tổng thầu Trung Quốc “đòi” thêm 50 triệu USD để vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Toàn cảnh vụ đường dây đánh bạc “Nổ hũ” 64 nghìn tỷ đồng bị triệt phá thế nào?