'Giãn cách là phương pháp chống dịch hữu hiệu nhất hiện nay'

4 năm trước Nguồn: Báo Vnexpress

Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nói giãn cách là phương pháp chống dịch "tuy chưa đến mức cách ly xã hội nhưng rất hiệu quả".

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, ổ dịch ở Đà Nẵng "đã được kiểm soát" sau một tháng bùng phát (kể từ ngày 25/7, khi ghi nhận "bệnh nhân 416")

VnExpress phỏng vấn Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến, nhìn lại một tháng chống dịch ở Đà Nẵng và giải pháp thời gian tới.

- Đà Nẵng đã gặp khó khăn như thế nào khi dịch bùng phát và biến bệnh viện trụ cột của ngành y tế thành phố thành ổ dịch?

- Chúng tôi đã gặp phải tình huống nằm ngoài sự tưởng tưởng. Covid-19 tấn công đầu tiên vào bệnh viện quy mô nhất Đà Nẵng, nơi được giao nhiệm vụ điều trị cho các ca nhiễm nCoV nặng từ lần dịch trước. Sau đó, nhiều ca bệnh biến chứng nhanh, phải thở máy, trong khi chưa rõ nguồn lây.

Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Đang bước vào mùa du lịch để phục hồi kinh tế thì Đà Nẵng cùng lúc giải quyết hai áp lực: khoanh vùng, chống dịch ngoài cộng đồng và giải quyết ổ dịch lớn tại bệnh viện. Đó thực sự là một giai đoạn khó khăn và khó lường vì mỗi ngày lại phát hiện thêm nhiều ca dương tính. Việc cần làm ngay là thiết lập cho được những khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ngoài Bệnh viện Đà Nẵng.

Trong một thời gian ngắn, với nội lực của y tế địa phương và hỗ trợ từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, hai đơn nguyên Hồi sức tích cực được lập và vận hành ở hai bệnh viện hạng ba, điều kiện hạ tầng khó khăn là Bệnh viện Hòa Vang và Bệnh viện Phổi.

Năng lực thu dung và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có thể đáp ứng cho 300 ca, con số gấp 3 lần so với kịch bản phòng chống dịch trước đó của Đà Nẵng. Riêng Bệnh viện Hoà Vang còn có thêm khu chạy thận nhân tạo để đáp ứng năng lực điều trị cho các bệnh nhân có bệnh nền này.

- Thành phố đã triển khai những giải pháp nào để ứng phó với diễn biến khó lường của Covid-19 trong một tháng qua?

- Đà Nẵng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhiệm vụ chống dịch gắn với trách nhiệm của người đứng đầu thành phố cũng như các quận, huyện, từ việc triển khai cách ly xã hội, tìm cơ sở cách ly F1 cho đến công tác xét nghiệm, điều trị... Nếu không có sự đồng lòng, riêng ngành y tế không thể làm được.

Các trường hợp F1 phải cách ly y tế lên đến hàng chục nghìn người. Giải bài toán này, lãnh đạo thành phố giao việc thiết lập các khu cách ly về cho từng quận, huyện. Lần lượt bệnh viện, trung tâm y tế, đến ký túc xá được căng dây "khu vực cấm vào" để tiếp nhận cách ly.

Nhân viên y tế đi gõ cửa từng nhà ở những khu vực ghi nhận ca mắc mới để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm. Xe cứu thương hoạt động không ngừng nghỉ, vừa đưa người đi cách ly, vừa vận chuyển các bệnh nhân đến các bệnh viện, chuyển bệnh nhân nặng ra Huế và vào Quảng Nam.

Ngày 30/7, Đà Nẵng xét nghiệm 45 ca dương tính. Số ca mắc mới tăng nhanh, buộc thành phố phải tính đến lập bệnh viện dã chiến, dù thực sự không ai mong muốn bệnh viện này đi vào hoạt động vì sẽ rất tốn kém, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế. Rất may, bệnh viện chưa phải đón bệnh nhân.

Một tháng qua, Đà Nẵng đã tăng năng lực xét nghiệm lên 10 lần. Ảnh: Nguyễn Đông.

Một việc rất quan trọng thời gian qua là xét nghiệm. Nhưng năng lực của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng chỉ đáp ứng tối đa 1.500 mẫu/ngày. Nhân lực đi lấy mẫu vỏn vẹn 50 người. Chúng tôi được giao bằng mọi cách phải nâng năng lực xét nghiệm lên 10.000 mẫu/ngày.

Ngành y tế tập hợp nhân lực điều dưỡng, cho tập huấn liên tục nhiều lớp. Chỉ ít ngày sau, nhân lực đi lấy mẫu lên được 300 người. CDC đã mượn thêm 12 máy xét nghiệm Realtime PCR và hai máy tách chiết tự động, công suất có thể đạt 10.000 mẫu mỗi ngày. Tổng năng lực của 4 cơ sở được cấp phép xét nghiệm trên địa bàn Đà Nẵng đến nay đã tăng lên 14.000 mẫu mỗi ngày.

Nhân viên y tế lấy mẫu, xét nghiệm được yêu cầu làm tập trung, dù khối lượng công việc nhiều nhưng tuyệt đối không được để xảy ra sai sót. Bởi chỉ cần một mẫu bị ghi sai, sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ từ công bố ca bệnh đến truy vết, cách ly.

Tôi nghĩ rằng các nhân viên xét nghiệm đã làm bằng 400-500% sức lực của mình. Nhiều người 22h mới rời chỗ làm. Trong bệnh viện, các y bác sĩ trực tiếp điều trị cũng không còn khái niệm ngày hay đêm; cứ có việc là lại tăng cường. Từ con số mỗi ngày 37 đến 45 ca, số ca nhiễm đã giảm xuống một đến 7 ca và ngày 26/8 không ghi nhận ca nhiễm mới.

- Đến nay Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nhiều ý kiến cho rằng năng lực của y tế của thành phố chưa cao, dẫn đến ca bệnh tử vong đầu tiên ở Việt Nam?

- Bác sĩ điều trị ca khó khăn nhất là "bệnh nhân 19" ở Hà Nội, hay "bệnh nhân 91" ở TP HCM đều tham gia điều trị ca nặng ở Đà Nẵng ngay từ đầu đợt dịch này. Do vậy, theo tôi, năng lực y tế của Đà Nẵng với sự "chi viện" như vậy là tương đương với hai đầu đất nước. Chúng tôi cũng không thiếu các trang thiết bị, máy móc, nếu cần sẽ được chuyển về kịp thời.

Các bệnh nhân tử vong ở Đà Nẵng là bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, ung thư buồng trứng di căn, tăng huyết áp, liệt, sa sút tâm thần... nên áp lực cho mảng điều trị rất lớn. Thực tế này hoàn toàn khác với các ca bệnh trước đây.

Nhân viên y tế cứu chữa cho bệnh nhân Covid tại Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang. Ảnh: Nguyễn Đông.

- Chiến lược chống dịch thời gian tới của thành phố như thế nào?

- Theo tôi cách làm của Đà Nẵng trong chống dịch lần này là đúng đắn. Đó là truy vết nhanh các F1, xét nghiệm nhanh để khoanh vùng "điểm nóng". Cách làm này sẽ được phát huy thời gian tới.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nhiều ý kiến cho rằng thành phố nên phong toả như Vũ Hán (Trung Quốc), nhưng tôi không đồng tình mà tin rằng Đà Nẵng sẽ kiểm soát được. Khi đã là ổ dịch thì phải chấp nhận số lượng bệnh nhân lớn. Còn nếu phong toả như Vũ Hán thì ảnh hưởng đến đời sống người dân rất ghê gớm.

Lúc này cần đưa ra chiến lược sống chung với Covid-19. Muốn sống chung thì phải có các giải pháp đồng bộ, để mọi ngành, mọi người cùng tham gia. Việt Nam không thể làm xét nghiệm liên tục, vì mỗi xét nghiệm rất đắt tiền và đối mặt nguy cơ thiếu hụt sinh phẩm.

Sẽ đến lúc Đà Nẵng hết cách ly xã hội theo chỉ thị 16. Sau đó như thế nào? Tôi cho rằng phương pháp chống dịch hữu hiệu nhất là thực hiện giãn cách. Giãn cách ở đây không phải cách ly xã hội, mà là đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay sát khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu (một đến hai mét) ở những nơi tập trung đông người. Đây là chiến lược không mới nhưng hiệu quả.

Tất nhiên để chiến lược này hiệu quả thì cơ quan chức năng phải giám sát và xử phạt hành chính những ai vi phạm. Chỉ khi người dân nâng cao ý thức sống chung với dịch bệnh, thành phố mới có thể đạt được mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Thực tế, qua một tháng cách ly xã hội, đời sống người dân đang rất khó khăn.

Về lâu dài, hệ thống y tế cũng cần tính toán lại bởi không chỉ riêng dịch Covid-19 mà còn nhiều dịch bệnh khác. Vì thế, phải có hệ thống y tế đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo hướng đa dụng để trong tích tắc có thể chuyển từ bệnh viện chuyên khoa sang bệnh viện điều trị truyền nhiễm.

Từ ngày 25/7 đến 25/8, Bộ Y tế công bố tại Đà Nẵng ghi nhận 386 người mắc Covid-19, trong đó 24 người tử vong, 162 người khỏi bệnh. 26/8 là ngày đầu tiên thành phố không có ca mắc mới.

Thành phố đã xác định gần 11.500 người tiếp xúc gần (F1); hơn 15.000 F2. Đến nay, gần 300 người đang cách ly y tế; 1.500 người cách ly tập trung; 12.400 người cách ly tại nhà. Tổng số người đã được lấy mẫu hơn 208.000.

Thành phố đã gỡ lệnh phong toả với 5 cơ sở y tế, trong đó có ba bệnh viện lớn là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng; cùng nhiều khu dân cư sau 14 ngày không ghi nhận có ca nhiễm nCoV.

Gần một tháng qua, hơn 1.500 người ở Đà Nẵng vi phạm về quy định cách ly xã hội như không đeo khẩu trang nơi công cộng, tụ tập đông người, ra đường khi không cần thiết... đã bị lập biên bản xử phạt hành chính, tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Nguyễn Đông

Hà Nội thí điểm cấm ôtô trên 16 chỗ vào phố cổ, Hồ Gươm

Hà Nội thí điểm cấm ôtô trên 16 chỗ hoạt động trên các tuyến phố khu vực phố cổ và Hồ Gươm trong giờ cao điểm, từ tháng 3.

8 ngày trước

Người chống lãng phí được bảo vệ bí mật danh tính

Người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân được bảo vệ bí mật danh tính và thông tin cá nhân, theo quy định của Bộ Chính trị.

8 ngày trước

Thành lập 22 tổ chức đảng trực thuộc Mặt trận Tổ quốc

Chiều 11/2, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập 22 tổ chức đảng trực thuộc và công tác nhân sự.

8 ngày trước

Ba ôtô tải đâm liên hoàn, 5 người bị thương

Bình ĐịnhBa ôtô tải tông liên hoàn trên tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị xã An Nhơn, khiến 5 người bị thương, tối 11/2.

8 ngày trước

Kiểm toán tài chính công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất cả nước

Năm 2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ kiểm toán thu chi tài chính công đoàn cấp trên các khu công nghiệp, chế xuất, trọng tâm Hà Nội và TP HCM.

8 ngày trước

Không khí lạnh sắp tràn xuống miền Bắc từ đêm nay

Đợt không khí lạnh cường độ không quá mạnh sẽ tràn xuống miền Bắc trong đêm nay và ngày mai, vùng núi cao có nơi rét đậm, Hà Nội thấp nhất xuống 16 độ C.

8 ngày trước

Cấm tạt nước, ném hột vịt thối tại lễ hội Làm Chay

Long AnNgười dân không được tạt nước, ném bột mì, hột vịt thối... tại Lễ hội Làm Chay đang diễn ra ở huyện Châu Thành để bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người đi đường.

8 ngày trước

Bỏ đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường trên cả nước

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi trình Quốc hội 12/2 đã bỏ đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường trên cả nước.

8 ngày trước