Đúc rút từ Nghị định 100, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, người dân rất ủng hộ, do đó các điều khoản nên đưa ra mức hình phạt thật cao để răn đe toàn xã hội.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nêu ý kiến, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (TPHCM) cho rằng, xử phạt vi phạm hành chính không phải để khai thác nguồn thu mà để điều chỉnh hành vi và nhận thức về luật pháp.
"Nếu không như thế, dù có ra hàng kho luật nhưng các hình thức, chế tài không đúng mức, không đi đúng mục tiêu thì chúng ta sẽ luôn gặp khó khăn.
Thực tế có điều rất lạ, nhiều người hành xử rất bừa bãi nhưng ra nước ngoài lại ngoan ngoãn, chấp hành rất nghiêm, không hút thuốc nơi công cộng, hành xử có văn hoá… Trở về trong nước, họ lại cư xử khác. Ở nước ngoài, các hình thức chế tài rất nặng để uốn nắn nhận thức, chứ không phải anh có của, anh xem đồng tiền thay thế cho nhận thức pháp luật”, ông Khuê cho hay.
Từ thực tế giám sát về vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí ở các khu công nghiệp sản xuất tập trung, ông Khuê cho biết: Có doanh nghiệp biên bản xử phạt vi phạm hành chính xếp cả tập dày như vở học sinh, nhưng họ không chấp hành. Vậy mà không thể nào cưỡng chế được. Vì phía Bộ Công thương đặt ra vấn đề không được cắt điện nước. Không cắt điện nước thì nay đến kiểm tra, khi đoàn đi họ vẫn sản xuất như bình thường, thậm chí còn tăng mức độ ô nhiễm.
“Đặt ra xử phạt nhưng chúng ta lại phải làm một cuộc rượt đuổi. Luật pháp bị coi như một trò đùa, hiệu lực pháp luật gần như bị triệt tiêu dẫn đến sự ca thán của xã hội ở nhiều khía cạnh. Cần phải đặt vấn đề cúp điện cúp nước như một công cụ, biện pháp để cưỡng chế”, ông Khuê đề nghị.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đặt vấn đề: Về nguyên tắc, xử phạt là phải có hiệu lực, mà để bảo đảm hiệu lực thì phải có biện pháp cưỡng chế. Chứ xử phạt mà không có hiệu lực thì sẽ càng khuyến khích người ta vi phạm nhiều hơn.
Nguyên tắc xử phạt là làm cho người ta sợ, người ta ngại, người ta không dám vi phạm. Ông nhà giàu đi Mercedes, Bentley mà phạt 3 triệu đồng thì họ cười khẩy. Bắt đi lao động, đi học luật, họ mới sợ, chứ phạt mấy triệu đồng họ không sợ. Còn ai không có tiền thì đi lao động công ích”, ông Nghĩa đề xuất.
Theo đại biểu Dương Ngọc Hải (TPHCM), nếu quy định biện pháp cưỡng chế chung chung như vậy sẽ không khả thi, khó thực hiện. Biện pháp cưỡng chế là bắt buộc, nhưng có trường hợp không áp dụng biện pháp cưỡng chế được.
“Có coi cúp điện nước là biện pháp cưỡng chế không? Việc này chỉ khả khi trong trường hợp công trình xây dựng trái phép ở gia đình, còn với những công trình có quy mô lớn cũng khó áp dụng. Nếu coi cúp điện nước là biện pháp cưỡng chế thì chưa đúng.
Cưỡng chế là cái của người khác, mình thu giữ. Còn điện nước không phải của người ta mà thông qua dịch vụ. Đây là biện pháp ngăn chặn thì hợp lý hơn, đúng hơn”, ông Hải phân tích.
Ủng hộ giải pháp cắt điện, cắt nước, theo ông Nghĩa, có rất nhiều trường hợp hoàn toàn có thể thực hiện, như xây nhà trên núi vi phạm, sao không cắt được, bởi có ảnh hưởng gì đến dân cư đâu? Trong nhiều trường hợp cắt điện, cắt nước hoàn toàn hợp lý, có lúc đây là biện pháp ngăn chặn, có lúc là biện pháp cưỡng chế.
“Chúng ta đừng bình quân, đại trà, máy móc. Cắt điện, cắt nước ở khu dân cư như hộ sản xuất bánh mỳ, nước đá… vi phạm thì lúc đó cắt điện cắt nước phải thận trọng. Khi áp dụng biện pháp này chính quyền địa phương phải rà trường hợp cụ thể để áp dụng”, ông Nghĩa lý giải.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính ảnh hưởng đến toàn dân và mang tính chất lập lại trật tự, kỷ cương xã hội. Nếu điều chỉnh bổ sung được những khoản quản lý xã hội tốt thì sẽ có tác động rất lớn với toàn xã hội, đặc biệt tình hình vi phạm ở địa phương, vùng sâu, vùng xa.
Xuất phát từ Nghị định 100, theo ông Thể, người dân rất ủng hộ, do đó các điều khoản nên đưa ra mức hình phạt thật cao. “Nếu muốn quản lý xã hội mà phạt thấp thì không đảm bảo tính răn đe. Mặc dù có điều chỉnh nhưng nhiều loại vi phạm có mức phạt rất nhẹ như vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng gian, hàng giả... trong khi loại vi phạm này ảnh hưởng rất lớn, không chỉ sức khỏe mà còn cả thế hệ con cháu chúng ta. Do đó, nên rà soát lại, Quốc hội hoàn toàn có thể ban hành khung hình phạt thật cao để răn đe”, ông Thể nêu.
Về việc bổ sung hình thức cưỡng chế và đã đề xuất một số hình phạt, trong đó, có đề xuất ngừng cung cấp điện, nước tại địa điểm vi phạm. Theo ông Thể, đây là giải pháp không cần thiết và giải pháp này "cho đến cùng cũng chỉ là về kinh tế thôi". Ngừng cung cấp điện nước thì hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, cá nhân cũng bị ảnh hưởng.
Tại sao ngựa kỵ binh Việt Nam vừa bé vừa lùn vừa xấu
Ngày Tàn Của Ông Trùm Giang Hồ PHƯỚC TÁM NGÓN Bi Thảm Ra Sao